Cẩn trọng để không phải lo

01/12/2016 - 16:17

PNO - Rộng cửa chào đón đoàn phim quốc tế đến ghi hình, khuyến khích các đoàn phim trong nước đưa vào phim những địa danh là chuyện cần làm và nên làm, nhưng “cẩn tắc vô ưu” có lẽ không bao giờ là nguyên tắc lỗi thời.

Bộ phim truyền hình Hồng Kông Trí mệnh phục hoạt (Dead Wrong) vừa lên sóng đài TVB hôm 20/11 đã thu hút sự chú ý của dư luận nơi đây. Cảnh nhân vật do hoa hậu Hồng Kông 2010 Trần Đình Hân đóng bị bắt cóc, tra tấn và tấn công tình dục đến chết xuất hiện ngay tập đầu tiên được giới truyền thông xứ cảng thơm khen ngợi vì độ chân thật.

Trí mệnh phục hoạt dài 28 tập, đề tài tâm lý - tội phạm kể về nhân vật Vi Dật Thăng (Quách Tấn An đóng) bị bắt cóc và giam giữ suốt 10 năm trong nhà tù ngầm của một băng nhóm xã hội đen. Trong thời gian đó anh phải chứng kiến cảnh cô gái tên Diệp Thanh (Trần Đình Hân đóng) bị cưỡng bức tới thiệt mạng, xác bị vứt vào rừng.

Sau khi vượt ngục, Vi Dật Thăng tìm cách về Hồng Kông, truy ra kẻ đã hại mình để báo thù. Cảnh quay táo bạo nhân vật Diệp Thanh bị hành hạ đến chết, thi thể bị ruồi bu khiến nhiều khán giả rợn người vì dàn dựng và diễn xuất quá chân thật. Chuyện chẳng có gì đáng giật mình với người VN nếu như cảnh quay nhạy cảm này không được ghi hình tại VN.

Trí mệnh phục hoạt được xem là một trong những phim “đinh” của TVB trong năm nay, mức đầu tư lên đến 30 triệu đô la Hồng Kông và ra nước ngoài quay ngoại cảnh. Đoàn đã đến VN từ cuối tháng Ba năm nay và lưu lại ba tuần với lịch trình quay ở TP.HCM, Vũng Tàu, Đà Lạt, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Bình Thuận, Phú Quốc.

Sau Kong, Skull Island, Trí mệnh phục hoạt là phim thứ hai có kinh phí “khủng” của nước ngoài đến VN trong năm nay để quay bối cảnh. Việc liên tiếp đón những đoàn phim lớn đến VN ghi hình là tín hiệu vui cho ngành du lịch nước nhà, vì đây là cơ hội để VN quảng bá du lịch không mất tiền.

Tuy vậy, cũng chính vì mức độ phổ biến của phim ảnh mà có thể những thước phim trở thành con dao hai lưỡi nếu như có bất kỳ cảnh quay nhạy cảm nào dính dáng đến bối cảnh VN. Theo quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản pháp quy liên quan, trước khi được phép ghi hình ở VN, đoàn phim của TVB đã phải liên hệ hợp tác với một hãng phim trong nước.

Bà Vân Anh, đại diện công ty Thanh Long Entertainment - đơn vị có kế hoạch hợp tác ban đầu với đoàn phim Trí mệnh phục hoạt cho biết, do bận dự án khác, nên Thanh Long rút lui, đoàn phim TVB chuyển qua hợp tác với SCTV9. Nhưng quy trình xin phép cho đoàn phim nước ngoài vào VN ghi hình làm đúng thủ tục, trình kịch bản cho Cục Điện ảnh thẩm định, sau khi Cục duyệt nội dung sẽ trình cho Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp phép và trong quá trình quay luôn có người của cơ quan chức năng theo giám sát.

Câu chuyện trong bộ phim Trí mệnh phục hoạt dù không có nội dung bôi xấu VN, nhưng nhìn hình ảnh nhân vật Diệp Thanh bị đối xử tàn bạo trong một bộ phim quay ở VN không ai dám chắc hình ảnh VN không bị “gợn” trong mắt người xem.

Băn khoăn này cộng thêm vụ ồn ào gần đây về cảnh phim ăn chơi dung tục trong bộ phim truyền hình hợp tác Việt Hàn Tuổi thanh xuân 2 đã làm dấy lên mối lo về tác động xấu của những cảnh quay nhạy cảm đối với hình ảnh đất nước.

Ở Tuổi thanh xuân 2, cảnh nhân vật thiếu gia Phong ăn chơi trác táng, ôm ấp, hôn hít các người đẹp và thi uống những ly rượu đặt trên tấm lưng trần của hai cô gái diễn ra trên một du thuyền ở vịnh Hạ Long. Vị nh Hạ Long trở thành địa chỉ ăn chơi như thế từ lúc nào? Chuyện phim thì có “dính líu” gì đến đời thật mà phản ứng?

Can trong de khong phai lo
Cảnh ăn chơi trác táng của thiếu gia Phong diễn ra trên một du thuyền sang trọng ở vịnh Hạ Long không khỏi làm người xem lo ngại hình ảnh VN bị bôi xấu.

Đạo diễn Bùi Tiến Huy phản hồi với người xem rằng cần có tư duy cởi mở, những cảnh quay này hoàn toàn bình thường và việc chọn cảnh không phải tùy tiện mà đoàn phim phải bỏ phiếu. Diễn viên Mạnh Trường - người thủ vai Phong - trả lời với báo chí cũng nêu quan điểm “Nhân vật có ăn chơi trác táng, xấu xa thế nào chỉ có thể đánh giá về con người chứ không thể nói là làm ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan xung quanh, làm xấu hình ảnh du lịch đất nước”.

Những ý kiến trên của người liên quan dù có giải thích theo cách làm nghề và lý của người trong cuộc, nhưng không thể nào nhận được sự đồng tình và thuyết phục được số đông khán giả. Việc một phim hợp tác - nghĩa là ngoài VN còn phát ở nước bạn - lại đưa vào những hình ảnh ăn chơi phản cảm diễn ra tại một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của VN như vịnh Hạ Long thì khó có thể chấp nhận. Chúng tôi đã liên hệ với đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) để hỏi về vấn đề này, nhưng đáng tiếc không nhận được ý kiến phản hồi.

Phim ảnh có sức lan tỏa rất mạnh, có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ nên được tận dụng làm công cụ hữu hiệu quảng bá du lịch là điều ai cũng nhận thấy, điển hình là sự thành công của phim Hàn Quốc tại nhiều nước. Nếu không cẩn trọng, sức mạnh của từng thước phim sẽ “quật ngã”, làm tan biến hình ảnh đẹp đẽ của một đất nước.

Rộng cửa chào đón đoàn phim quốc tế đến ghi hình, khuyến khích các đoàn phim trong nước đưa vào phim những địa danh du lịch là chuyện cần làm và nên làm, nhưng “cẩn tắc vô ưu” có lẽ không bao giờ là nguyên tắc lỗi thời. Điều này đòi hỏi các cấp quản lý phải có sự thẩm định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép quay ngoại cảnh cũng như hợp tác làm phim với nước ngoài.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI