Bạch Hoàng Anh - vẽ với sắc màu của tình yêu

11/10/2016 - 11:06

PNO - Chị hát như say. Chị vẽ như múa. Từng nhát cọ là một ánh nhìn đầy ngạc nhiên và thán phục về những bình dị đời thường.

Rồi chị triển lãm, như bày một tiệc rượu, để say cùng bạn bè. Dấu ấn mà họa sĩ Bạch Hoàng Anh để lại trong những lần hồi hương gần đây là những triển lãm thành công kỷ lục, những chuyến từ thiện...

Hai lần dám cãi bố

“Yêu, vẽ tranh, và... chờ về Việt Nam làm từ thiện” - chị phác họa cuộc sống của mình ở Mỹ. Mỗi năm về Việt Nam ít nhất một lần, chị đi thăm và tặng học bổng cho nhiều trẻ em bất hạnh ở mọi miền. Sang Mỹ, chị lại bị cuốn vào với hội họa, liên tục sáng tác, rồi cùng chồng lập cả một quỹ từ thiện mang tên “Anh Bach foundation”.

Bach Hoang Anh - ve voi sac mau cua tinh yeu

Thành công bất ngờ của hai triển lãm “Bạch Hoàng Anh - ấn tượng ngày trở về” (năm 2015) và “Bạch Hoàng Anh và những người bạn” (tháng 9/2016) đưa cái tên Bạch Hoàng Anh về lại với dòng chảy của nền mỹ thuật Việt đương đại, sau hai mươi năm tha hương - từ những triển lãm tranh sơn dầu của Hội Nhà báo TP.HCM những năm 1990-1993.

Toàn bộ số tiền bán tranh (21 bức, giá từ 600-2.500 USD/ bức ở cuộc triển lãm thứ hai), chị dùng làm từ thiện. Bước đi này thúc đẩy bước đi khác; càng cho đi được nhiều, chị lại càng thăng hoa trong hội họa.

Cuộc sống của người phụ nữ ngoài 50 chảy trôi trong những ngày nỗ lực cùng chồng làm đầy quỹ từ thiện, rồi đến hẹn lại về Việt Nam, “không còn gì để mong đợi hơn nữa”. Tất cả những bước chuyển ấy, Hoàng Anh gọi là “duyên”. Tôi lại nhìn thấy ở hành trình ấy một tinh thần lắng nghe và tuân thủ triệt để những cơ duyên của một người đàn bà cá tính, nhạy cảm, tài hoa, và tràn trề năng lượng.

Lớn lên vào những năm 1960, cái thời mà trẻ con trong những gia đình trí thức ở Hà Nội rộn ràng ra vào các câu lạc bộ năng khiếu, Bạch Hoàng Anh nằng nặc đòi học hát. Thuở ấy, bố chị vừa là chỗ dựa, vừa là người bạn, người định hướng cho con.

Thấy con gái mê hát, mỗi chiều, bố cọc cạch đạp xe, đưa con từ phố Hàng Dầu đến học tại Nhà văn hóa Nghệ thuật quần chúng ở số 89 Nguyễn Thái Học. Được dăm hôm, nhận ra mình không có năng khiếu thanh nhạc, cô bé Hoàng Anh kiên quyết... bỏ học, chuyển sang với sở thích thứ hai: học vẽ.

Năm ấy, chị vừa sáu tuổi. Vốn là đứa trẻ lắm trò, hội họa cuốn chị vào với thế giới của sắc màu, đường nét và trí tưởng tượng. Sau khi chuyển sang học ở số 88 Hàng Buồm, thấy con gái say sưa vẽ vời, bố chị định hướng cho con thi vào trường Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Hà Nội để vừa hướng đến ổn định cuộc sống với nghề giáo, vừa thỏa đam mê hội họa. Chị nghe lời bố.

Sau năm 1975, khi gia đình tất bật chuẩn bị chuyển vào Nam theo bố - một trong những cán bộ đầu tiên của ngành giáo dục vào Sài Gòn tiếp quản - chị lại dùng dằng, lưỡng lự. Cuối cùng, chị quyết định... cãi bố, kiên quyết xin ở lại Hà Nội một mình, để được gần... mối tình đầu. Mãi đến năm 1982, khi bố lặn lội ra Hà Nội thuyết phục thêm lần nữa, chị mới xuôi theo.

Vào Sài Gòn, nhận ra hội họa mình theo đuổi là một thế giới của sáng tạo, của mối tương tác riêng tư giữa mình với màu sắc, chị quyết bỏ nghề giáo. Cãi bố lần thứ hai, chị bắt đầu mưu sinh ở Sài Gòn bằng đủ thứ nghề ngoài thời gian vẽ tranh, khi thì làm trong Công ty Sách và thiết bị trường học, khi thì vẽ quảng cáo...

Mười mấy năm ở Sài Gòn, có những năm chị bỏ mặc giá tranh, cọ vẽ. Để rồi, trong chính những ngày khủng hoảng, hoang mang nhất, chị lại ẩn mình trong căn nhà tập thể ở chung cư Nguyễn Đình Chiểu, vừa trở lại với cọ, màu, vừa chăm con. Gặp lại chị sau hai mươi năm, có đồng nghiệp cũ vẫn nhắc về những buổi tan tầm, vừa bước đến cầu thang chung cư đã ngẩn ngơ nghe Hoàng Anh nỉ non ca “lời ru buồn” giữa buổi chiều muộn, chừng như ai oán lắm. Nhưng, chỉ cần ghé mắt nhìn vào, lại thấy “nàng” đang say sưa, vừa hát vừa múa cọ, như chẳng mảy may vướng bận chuyện đời.

Bach Hoang Anh - ve voi sac mau cua tinh yeu
Cuộc sống tươi đẹp trong tranh của Bạch Hoàng Anh.

Nhắc lại những ngày ấy, chị cười nhẹ: “Chuyện qua rồi”. Chuyện buồn thuở ấy chỉ đọng lại trong chị bằng những buổi cuống quýt làm xong việc rồi chạy lên chỗ nhà thơ Thảo Phương ở tầng 6, nằm đọc thơ, nói chuyện văn nghệ. Cũng giai đoạn ấy, chị quyết tâm theo học và tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, quyết tâm theo đuổi mỹ thuật và quyết tâm làm triển lãm - dù biết mình chỉ là cô họa sĩ mới ra trường.

“Tình yêu là nhan sắc của riêng em”

“Bạn cứ vẽ cây cối màu vàng nếu bạn thích, rồi cứ thế dịch chuyển màu của đất trời”, tôi dừng lại trước lời hướng dẫn của “cô giáo” Hoàng Anh trong một buổi dạy vẽ ngẫu hứng ở phòng tranh của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình. Chị vừa nói, vừa múa cọ. Không có một giây nào để cân nhắc, chiếc cọ lướt đi giữa các ô trong bảng màu theo một trình tự không thể nắm bắt, rồi tung vào nền toan trắng.

Tập trung vào chiếc cọ trên tay Hoàng Anh, người ta dễ tưởng tượng, nếu tua nhanh những thời khắc ấy lên ba, bốn lần thôi, từng chút màu vẽ kia sẽ như đang dịch chuyển từ bảng màu, lên đầu cọ, rồi bừng sáng trên toan bằng những vệt màu bất chợt và chóng vánh như pháo hoa. Người vẽ như đang múa. Thỉnh thoảng phải di chuyển xa hơn để thêm màu, chị... múa thật, đến khi “sực tỉnh”, lại bật cười sảng khoái trước cái nhìn ngơ ngác của mọi người.

Tranh của Hoàng Anh luôn bừng sáng, vui tươi, chỉ có cảm giác, màu, và ánh sáng. Chị không hay lý luận, cũng không chủ định truyền đạt một thông điệp gì. Tranh của Hoàng Anh là những nét chấm phá phóng khoáng từng vẻ đẹp đơn sơ, là một sự bày tỏ hồn nhiên từng khoảnh khắc đời thường vốn được chị ghi nhận bằng cái nhìn ngạc nhiên, thán phục; có khi là một bà mẹ xâu kim, là những nghệ nhân sống một đời với nghề truyền thống, có khi là những lát cắt bất kỳ của phong cảnh.

Nhìn chị vẽ tranh, rồi nhìn thế giới đang dần thành hình trên cái giá vẽ ấy, người ta mới hoàn thiện cảm giác về một luồng mê cảm nào đó đang vận hành cuộc đời người phụ nữ lạ lùng này.

Thật may, sau một thời gian chung sống, Doug - chồng chị - đã "nhìn thấy" chị, rồi đề nghị Hoàng Anh "ngừng kiếm tiền, tập trung vào hội họa". Được chồng mở lời sau một chuyến đi làm từ thiện ở Việt Nam, Bạch Hoàng Anh như... "cởi tấm lòng". Chị nghỉ việc, ở nhà vẽ tranh.

Bach Hoang Anh - ve voi sac mau cua tinh yeu
Người phụ nữ cũng là nguồn cảm hứng lớn của Bạch Hoàng Anh.

Đề nghị của người chồng ấy đơn thuần là để nuôi dưỡng đam mê và tài năng của riêng vợ, hoặc để nuôi dưỡng trong anh sự say mê, thăng hoa trong cái nhìn về người phụ nữ này. Bởi thế mà video quay Doug ngồi nghêu ngao hát tặng vợ bài hát tự sáng tác cứ vọng lại câu hát sau cùng: "Tình yêu là nhan sắc của riêng em".

Tôi nói "thật may", là bởi tất cả những đẹp đẽ này có thể sẽ chẳng được phát lộ và lan tỏa, nếu ai đó đã ngừng tin và từ bỏ, nếu không có người nào đó ngừng lại, ngắm nhìn và khơi dậy nó. Có lẽ cũng vì lẽ đó mà Hoàng Anh hay nhắc đến những người bạn, những nhân duyên đã "thuần dưỡng" chị, nuôi lớn giấc mơ của chị.

Có những người bạn vong niên, những bạn mới ngẫu nhiên và thân tình. Có những đứa trẻ khiếm khuyết, ngơ ngác ngóng đợi. Có nữ nghệ nhân cao niên trong làng gốm Thanh Hà ở tận Hội An (Quảng Nam) sấp ngửa chạy ra kiếm "cô Hoàng Anh" khi biết chị mới gửi tặng mấy lọ thuốc bổ mang về từ Mỹ, nhưng đã rời đi khi biết bà đang ngủ.

Nhìn chị được mời lên phát biểu trong những chuyến từ thiện, mới thấy một Hoàng Anh... vụng về và vội vã. Việc của mình đã hoàn tất, chị chỉ chịu xuất hiện vài giây, nói một câu ngắn gọn nhất, rồi... chìm vào đám đông.

Ở chính con người tài năng và giỏi giang ấy, lại thấy tài năng, sự giỏi giang, và cả dung nhan thường tình nữa cũng vô nghĩa quá, với vẻ đẹp, với sự quyến rũ của một người phụ nữ trước tình yêu.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI