"Hoàng tử" kẹo bông

02/01/2014 - 16:10

PNO - PN - 5g anh đã ra khỏi nhà, sau khi bảo vợ: “Em cứ ngủ chút nữa đi, tôi đã nấu cho tô cháo và nồi thuốc Nam. Nhớ uống thuốc nghen”. Chiếc xe máy “đầu gà, đít vịt” phành phạch lên đường, phía sau chở lỉnh kỉnh thùng, tủ chai...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ở nhà, khoảng 6g chị thức dậy, ăn sáng rồi quét dọn nhà cửa, cho bầy gà ăn, tưới mấy gốc bầu, gốc mướp quanh sân, rồi… ngồi thở. Sức khỏe chị không được tốt, tuy so với bốn năm trước thì đã khá hơn rất nhiều. Mấy năm trước, chị nằm một chỗ, thối thịt thối da, cao 1m6 mà chỉ cân nặng 25kg. Ai nấy đều bảo chị không sống được, vì thời gian nằm bệnh cũng 20 năm rồi. Hai anh chị cùng tuổi Ất Tỵ (1965), cưới nhau năm 1988. Chị là người có nhan sắc, tuổi trẻ vẫn thường mơ một “hoàng tử” đẹp trai, giàu có cưới mình về làm vợ, ai ngờ gặp anh đã nghèo lại còn xấu trai. Nhưng hai người thương nhau lắm, quyết có nhau bằng được. Cưới một năm, chị có bầu rồi bị hư thai, tiếp đó là bệnh hậu sản làm thân thể chị róc đi chỉ còn da bọc xương. Cũng từ đó, anh bắt đầu hành trình gian khổ nuôi vợ bệnh.

Anh Điền với xe kẹo bông ngoài đường

Lúc đầu là chiếc xe đạp cọc cạch, anh gom góp vốn mua bong bóng đi bán dạo, hết cổng trường học đến công viên huyện, chỗ nào đông con nít là anh tới. Thu nhập hàng ngày khoảng 80 ngàn, phải chi phí bao nhiêu thứ, đến nước mát, cà phê anh cũng không dám uống. Bữa nào ế hàng, anh chỉ ăn qua loa, nhường cơm cho vợ. Chị mắc bệnh khó ngủ và biếng ăn, phải cần rất nhiều tiền mua thuốc. Mười mấy năm trời, người anh cũng ốm ròm chẳng thua gì vợ. Sau khi mua rẻ được chiếc xe máy cà tàng, anh chuyển sang bán kẹo bông, thứ kẹo làm bằng đường cát, thổi nóng cho tơi bông ra, cuốn vào que tre, bán cho con nít vài ngàn đồng một cây. Anh chỉ bán loanh quanh gần nhà, lúc nào chị lên cơn đau gọi điện kêu là anh chạy về ngay, hoặc đang lúc xế chị kêu thèm ăn ly trái cây hay tô hủ tíu là anh liền có mặt. Quan trọng nhất vẫn là tình hình bệnh tật của chị. Nhà nghèo không đủ tiền thuốc thang, anh toàn vào chùa xin thuốc từ thiện, thuốc Nam đủ thứ lá cỏ về đun nước uống với hy vọng khỏi bệnh. Thấy hoàn cảnh anh chị, ai cũng thương xót, giúp đỡ. Rất nhiều lần chị và người nhà bên vợ khuyên anh nên đi tìm một người vợ khác cho đỡ cực, sinh con mà nhờ cậy sau này, nhưng anh nhất định không. “Vợ chồng là duyên phận, sướng khổ phải có nhau chớ”. Nói hoài anh giận, chị cũng không dám đề cập tới vụ đó nữa, nhưng trong thâm tâm thì mong giá mình chết sớm để giải thoát cho anh.

Anh Điền chăm sóc vợ bệnh…

Có lẽ tình yêu là liều thuốc thần kỳ giúp chị thuyên giảm bệnh tật, hồi phục sức khỏe. Từ lúc nằm một chỗ, nay chị đã đi lại được, tự lo cho bản thân, còn phụ chồng dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc gà vịt. Những việc quá sức chị như nấu cơm, giặt giũ anh phải đảm nhiệm như 20 năm nay vẫn làm. Điều anh yên tâm hơn là chị đã bớt bệnh, anh có thể chạy xe đi bán kẹo xa hơn, kiếm được khá tiền hơn để nuôi vợ. Nhìn đám con nít ríu rít tới xe kẹo bông của mình, lòng anh xốn xang nỗi thèm muốn có được đứa con mà ẵm bồng, nựng nịu, nhưng chị không bao giờ sinh nở được nữa, vả lại gần 50 tuổi, đã hết cơ hội sinh con. Có khách vào thăm, tặng quà, chị vẫn nói: “Không có ổng, tôi đâu còn tới ngày nay. Thương ổng quá, kêu ổng xin đứa con về nuôi cho vui cửa vui nhà, ông gạt đi, nói bao giờ em khỏe hẳn rồi tính. Mà sức tôi cứ lết bết hoài”.

Đó là câu chuyện cảm động về vợ chồng anh Phan Văn Điền và chị Phan Thị Đủ ở ấp Trường Cửu, xã Trường Hòa, Hòa Thành, Tây Ninh.

PHƯƠNG QUÝ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI