Giáng sinh ấm áp ở Sài Gòn

24/12/2017 - 16:46

PNO - Nơi quê nhà của họ hiện giờ đã phủ đầy tuyết. Ở đây, lần đầu họ đón không khí Giáng sinh và năm mới sôi động trong trang phục áo thun ngắn tay và quần cộc “thần thánh”.

Sài Gòn, với những cư dân “khác màu”, là một thành phố rộng mở, khiến họ cảm nhận như ở nhà ngay khi vừa đặt chân đến…

Giang sinh am ap o Sai Gon
Alex (bìa trái) với bạn bè

“Tên tôi là Alex Martina, đến từ Hoa Kỳ. Tôi lớn lên ở Denver, Colorado, nhưng chuyển đến Sài Gòn từ San Diego, California vào tháng 9/2017”, cô y tá xinh đẹp giới thiệu về mình lúc tôi gặp nàng đang chơi với trẻ mồ côi tại một mái ấm ở Q. Gò Vấp (TP.HCM).

Nhà tôi cũng sẽ đến Sài Gòn đón Giáng sinh

Alex cho biết, tại Mỹ, cô là y tá khoa Hồi sức sơ sinh (Neonatal Intensive Care Unit). “Tôi chuyển đến Sài Gòn với bạn trai vì anh ấy nhận công việc mới ở đây. Chúng tôi dự định sẽ sống ở thành phố khoảng một năm”, Alex nói. Đây là lần đầu tiên cô đến Việt Nam, cũng là nơi đầu tiên cô được “sờ tận tay” miền Á châu huyền thoại.

Ngay khi vừa đến, Alex đã tham gia làm điều dưỡng thiện nguyện cho Quỹ Little Feather (Úc), được thành lập năm 2013 bởi Ella James, Kate Loring và Jacqui Riddell, nhằm cung cấp mô hình chăm sóc giảm nhẹ cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngoài bệnh nhi, quỹ còn làm việc với các bác sĩ địa phương để giúp họ có kinh nghiệm chăm sóc giảm nhẹ trong thực tiễn.

“Dù tính mạng của các em chỉ tính từng ngày nhưng chúng tôi cố gắng giúp đỡ mỗi đứa trẻ sống một cách trọn vẹn và hạnh phúc nhất của phẩm giá con người, cho đến khi kết thúc cuộc đời. Chúng tôi thường chú trọng cả về nhu cầu thể chất lẫn tình cảm, văn hóa, xã hội, tinh thần của trẻ. Do vậy Giáng sinh là dịp tốt để giúp trẻ có niềm vui”, Alex cười tươi.

Dắt xe rời mái ấm để trở về nhà ở Q.2 (TP.HCM), cô cho biết mới tập đi xe máy vài tuần “dù giao thông tại đây thật sự rất khó để làm quen”, cũng như “trang phục ninja chống nắng” của phụ nữ thành phố.

Nhìn những cửa tiệm trang trí cây thông, dây màu chớp nháy, như sực nhớ ra, Alex tiết lộ: “Nghe tin chúng tôi sẽ ở lại Sài Gòn đón Giáng sinh, gia đình liền quyết định kéo qua thăm. Mọi người có vẻ rất hồi hộp, tò mò với ý nghĩ tuyệt vời là sẽ trải qua ngày lễ truyền thống của chúng tôi ở Việt Nam như thế nào. Tôi chỉ biết nói với họ Sài Gòn đã được trang hoàng tráng lệ. Tôi đặc biệt thích những ánh đèn trong thành phố. Nó thắp lên vầng sáng ấm áp của hòa bình, một tước hiệu khác của Giáng sinh”.
Sau đêm Giáng sinh ở Sài Gòn, Alex và đại gia đình của cô sẽ du lịch ra miền Trung trong những ngày cuối năm. Cô khá háo hức với Hội An.

Nữ y tá Mỹ cho biết mình đang cố gắng học tiếng Việt, nhưng rất chậm. “Một ngôn ngữ thật khó học. Tôi hy vọng ở lại lâu hơn, tùy thuộc vào công việc của bạn trai. Nếu rời đi, tôi chắc chắn sẽ nhớ nhất những đứa trẻ mà mình đang tiếp xúc hằng ngày.  Những đứa trẻ tràn ngập nét ngây thơ và hy vọng vào cuộc sống. Họ làm cho mỗi ngày của tôi tốt hơn”, Alex hôn từ biệt em bé bại não của mình.

Giang sinh am ap o Sai Gon
Giây phút hiếm hoi đùa giỡn của Robin

Hơi khác một chút, Robin Babu (sinh ra ở Trivandrum, Ấn Độ) và đã sống ở Sài Gòn hơn mười năm. Lê la ở phố Tây Bùi Viện (Q.1, TP.HCM), tôi biết Robin là quản lý nhà hàng Babas Kitchen, chuyên phục vụ món Ấn.

Thật bất ngờ khi phát hiện anh chàng có thân hình hộ pháp vẫn cắm cúi viết thiệp Giáng sinh theo truyền thống để gửi về quê nhà. “Gia đình tôi theo Công giáo và giữ các truyền thống tôn giáo, nhất là việc đi nhà thờ, cũng như đừng bao giờ quên gửi thiệp cho người thân, gọi cho bố mẹ vào đêm Giáng sinh”, Robin chu môi.

Tận hưởng “mùa nhớ nhung” bằng trái tim trải nghiệm

Robin đã trải qua hai mùa đông ở châu Âu với bạn gái, nơi có rượu vang nóng và tuyết phủ các ngôi chợ. Có khi anh ngồi chờ năm mới ở vùng đất Kashmir đầy khói súng.

Nhưng nếu được chọn, Robin vẫn quyết định ở lại Sài Gòn đón Giáng sinh và năm mới, như từng ấn tượng với lần đầu cách đây chục năm: “Tôi đã ở đây và có kế hoạch ở lại lâu hơn. Có thể tôi sẽ mở một nhà hàng nữa ở một tỉnh khác và đưa văn hóa Ấn Độ đến với người dân địa phương. Nhưng tôi thích bầu không khí thoải mái của thành phố này, ngoại trừ nỗi ám ảnh mệnh danh “dòng xe máy điên rồ”.

Giang sinh am ap o Sai Gon
Tea Kala trong lớp học

21 tuổi, Tea Kala lọt thỏm giữa Sài Gòn, cô đến từ một quốc gia nhỏ ở châu Âu, Albania. Sau khi tốt nghiệp, Tea quyết định làm một điều gì đó. Tôi gặp cô với tư cách là giáo viên dạy tiếng Anh tự do ở thành phố này. “Đó chính là điều tôi muốn trở thành để làm một thứ gì khác với xung quanh. Một bước ngoặt lớn đầy thách thức với tôi. Một thân một mình chuyển đến một quốc gia xa lạ, nhưng tôi phải làm vì đó là tuổi trẻ của mình”, Tea nhìn học trò.

Năm nay là trải nghiệm đón Giáng sinh và năm mới xa nhà đầu tiên của Tea. “Tôi thấy buồn vì nhớ những người thân yêu, nhất là vào mùa nhớ nhung này. Đôi khi tôi cảm thấy cô đơn. Nhưng nếu dành dịp nghỉ lễ ở đâu đó như Sài Gòn, tìm đến những con người rộng mở ở đây để xem họ như gia đình, cũng là một cảm giác không thể so sánh”, cô gái trẻ tỏ ra khá ý thức về khởi đầu đời mình.

Lần đầu tiên nhìn thấy cây Giáng sinh và đèn hoa trang trí ngoài đường, Tea mới ngỡ ngàng sắp đến mùa sum họp: “Tôi nhận ra mình đang mặc áo thun ngắn tay và quần short. Ô hay! Ở nhà đã có tuyết rơi nhưng không khí ở đây vẫn sống động và niềm vui nở rộ”.

Sài Gòn là một thành phố lớn. Với Alex, Robin hay Tea, cái rộng lớn đó cũng bao hàm ý nghĩa ở tấm lòng người dân. Nó làm cho họ cảm thấy như đang ở nhà ngay khi vừa đặt chân đến. Ai cũng lên kế hoạch ở lại ít nhất một năm hoặc lâu hơn.

“Kinh nghiệm của tôi ở Sài Gòn kha khá rồi. Tôi cố gắng tận dụng tối đa mọi thời điểm ở đây. Cú sốc văn hóa mà tôi đã mường tượng ban đầu và những gì chứng kiến hoàn toàn khác. Một số điều xảy ra chỉ khiến tôi mạnh mẽ hơn. Ngược lại, một số điều khác lại làm tôi yêu nơi này nhiều hơn”, Tea hồn nhiên.

Như ai đó quả quyết, Giáng sinh không phải là khoảng thời gian hay lễ kỷ niệm, mà là một trạng thái của tâm trí, để yêu mến hòa bình và từ bi, để được dồi dào trong lòng thương xót. Vì đó là tinh thần thực sự của Giáng sinh. Sài Gòn có đủ những trạng thái tâm trí đó.

Thắp lại một ngọn nến Giáng sinh đã đóng bụi thời gian nơi góc quán, Robin nhẹ nhàng nhìn ánh lửa: “Nó không gây ồn ào nhưng âm thầm cháy sáng. Nó cứ thế lớn lên và nhỏ dần để soi rõ nhân gian”. Ngọn nến mang thông điệp Giáng sinh của một người ngoại quốc sống, làm việc tại Sài Gòn, như ẩn dụ về thành phố đặc biệt này.

 Quốc Ngọc

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong mười tháng đầu năm 2017 đạt 10.473.230 lượt, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính khách du lịch nội địa đạt 63,1 triệu lượt, trong đó có 30,5 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 417.400 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ.

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI