Có mẹ chồng hà khắc, với tôi là phúc lớn

19/05/2016 - 15:59

PNO - "Thật thà cũng thể lái trâu/Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng"...

"Thật thà cũng thể lái trâu/Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng" - Dân gian từ xa xưa đã đúc kết như thế, vậy mới thấy mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu có nhiều mâu thuẫn, khó hoà giải đến thế nào.

Mẹ chồng nào cũng muốn dạy dỗ dâu mới cho hợp với gia phong, nền nếp nhà mình, nhưng không phải cô con dâu nào cũng cam tâm trước sự dạy dỗ ấy.

Ngoài 30 tuổi mới lấy chồng, lại còn là một nữ doanh nhân thành đạt, chị Liễu tự cho rằng mình đã quá khôn ngoan, từng trải để không phải bị một ai "lên lớp" nữa. Vậy mà khi về nhà chồng, chị bỗng dưng thành một nàng dâu mà ai cũng có thể "dạy bảo" được.

Co me chong ha khac, voi toi la phuc lon
Nhờ mẹ chồng, tôi đã hoàn thiện được bản thân (ảnh minh họa)

Nhà chồng chị là một gia đình Hà Nội gốc, nhiều đời làm quan chức, nên mới chân ướt chân ráo về nhà, chị Liễu đã phải học rất nhiều điều: từ việc nội trợ, chăm sóc gia đình cho tới cả việc nhỏ nhặt như ăn uống, đi lại, nói năng... Chị Liễu vô cùng bức xúc, khó chịu vì đường đường là một giám đốc công ty, sai bảo bao nhiêu nhân viên, vậy mà về nhà thì lại "thấp cổ bé họng nhất". 

Mẹ chồng chị Liễu thực sự là một "nội tướng". Mọi công to việc lớn trong nhà đều do một tay bà quyết định, lo liệu. Đàn ông chỉ việc tập trung cho sự nghiệp và đối ngoại, còn mọi sự vụ lớn bé trong nhà, họ đều tin tưởng nghe theo ý bà.

Chị Liễu rất nể sợ, e ngại mẹ chồng, đồng thời cũng rất khâm phục bà. Chị là dâu cả, trọng trách trên vai rất nặng nề, chị cũng muốn trở thành một nội tướng thực thụ như mẹ chồng, nhưng lại không chịu được sự "đào tạo" quá khắt khe của bà. 

Co me chong ha khac, voi toi la phuc lon
Sự bảo ban, thậm chí "hà khắc" của mẹ hóa ra lại giúp ích tôi rất nhiều (ảnh minh họa)

Mẹ chồng chị Liễu là người nói ít, làm nhiều. Có hôm, chị trổ tài nấu cỗ mà không đúng ý bà, bà bê cả mâm cỗ chị nấu bỏ ra ngoài sân, để cho người giúp việc ăn và tự tay nấu một mâm cỗ khác để cúng. Lòng tự tôn của chị Liễu bị tổn thương nghiêm trọng vì hành động của mẹ chồng, nhưng bà cũng không vì thế mà đối xử nhẹ nhàng hơn với chị.

Có lần, chị đi công tác nước ngoài, mua quần áo về tặng chồng và bố chồng, không ngờ, chỉ mấy hôm sau, chị đã thấy những bộ quần áo ấy nằm gọn ghẽ trong thùng đồ cũ để từ thiện. Chính mẹ chồng chị đã làm việc ấy, vì cho rằng những bộ quần áo đó không hợp với chồng và con trai mình.

Chị Liễu đã từng oán trách mẹ chồng mình rất nhiều. Chị ôm nỗi hậm hực trong lòng, nhưng để được yên ấm nhà cửa, chị vẫn “bằng mặt mà không bằng lòng” với mẹ chồng.

Năm tháng qua đi, chị cũng dần quen và thích nghi được với cung cách sống của gia đình chồng cũng như tính cách của mẹ chồng. Đến khi mẹ chồng chị qua đời vì đột quỵ, trở thành người lo mọi việc lớn bé trong nhà, chị Liễu mới thực sự thấm thía những điều mà bà đã “đào tạo” cho mình.

Mẹ chồng chị không phải là người xấu, cũng không phải là bà mẹ chồng ác độc, bà chỉ khắt khe và cầu toàn với con dâu của mình, cũng bởi bà đã đặt nhiều kỳ vọng vào chị, để chị có thể làm tốt công việc mà bà đã đảm nhận nhiều năm nay.

Mỗi năm, đến ngày giỗ của mẹ chồng, nhớ tới mâm cỗ cúng bị bà bê ra ngoài sân, chị lại thầm cảm ơn bà và thấy rằng được mẹ chồng dạy dỗ là cả một diễm phúc, bởi chỉ vậy, mới có chị của ngày hôm nay.                                                                              

Thúy Vi (Ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI