Khi cha đi xa

03/04/2013 - 03:35

PNO - PNO - Khi tôi lớn lên và bắt đầu ý thức được những gì đang xảy ra xung quanh, là tôi đã nghe hàng xóm truyền tai nhau rằng: cha tôi là kẻ nghiện rượu nặng. Không chỉ nghiện rượu, cha còn nghiện cả thuốc lá và trò đỏ đen.

Từng ấy tật xấu khiến hình ảnh của cha tụt dốc trong mắt ba chị em tôi. Những ngày ấu thơ sống bên cha là sự dày vò bởi hàng trăm lời mắng nhiếc, đe dọa. Kinh tế gia đình tôi ngày càng suy sụp, kiệt quệ cũng vì thói “ăn chơi trác táng” của cha. Vậy mà không hiểu sao má tôi vẫn chấp nhận sống với một người đàn ông tệ hại như thế.

Má thường dặn chúng tôi: “Cha dù có phát điên vẫn là cha của các con, ông ấy bảo gì thì các con phải nghe, đừng bao giờ cãi lại. Con gái lớn phải biết chăm sóc những lúc cha say xỉn, không để ông ấy bị trúng gió…” Rất nhiều lần tôi tỏ thái độ chống đối, cố tình bịt tai lại để những lời nhắc nhở của má không thể lọt vào. Tại sao? Tại sao cha như vậy mà má vẫn thương, vẫn đối xử tốt và chưa từng một tiếng nặng nhẹ với cha?

Mỗi lần uống rượu cha tôi chỉ nói chứ chưa bao giờ đánh đập chị em tôi. Tôi luôn cho đó là điều may mắn. Có những lần say khướt, khi dìu cha vào nhà, tôi thật bất ngờ khi cha nói, giọng lè nhè: “Con gái cố gắng học hành chăm chỉ, sau này thành đạt đỡ đần cho má…”. Rồi cha còn nói nhiều lời lẽ khuyên răn khác, những lời mà tôi luôn ao ước cha sẽ thốt ra khi tỉnh táo. Khi ấy, đó sẽ là động lực không chỉ cho tôi mà còn cho các em tôi phấn đấu học hành. Tiếc rằng, những lời động viên ấy là của một người khác khi say, chứ không phải của cha.

Khi cha di xa
 

Một ngày, cha báo với cả nhà là sẽ theo ông bạn cùng làng đi làm ăn xa, nghe đâu tít trên Tây Nguyên đại ngàn. Ngày cha lên đường, mấy mẹ con tôi ra tiễn. Tôi không biết má và các em có cảm xúc gì nhưng riêng tôi, tôi thấy vui nhiều hơn buồn. Cha đi xa sẽ kết thúc chuỗi ngày tôi bị hành hạ, bị mắng nhiếc, bị rầy la mỗi khi cha say xỉn. Tôi sẽ không phải dìu cha mỗi ngày, không phải ngửi thấy mùi rượu xen lẫn mùi thuốc lá nồng nặc đã nhiều lần khiến tôi nghẹt thở. Má tôi cũng bớt đi một gánh nặng, hai em tôi sẽ có thêm không gian yên tĩnh để học bài.

Đêm đầu tiên không có cha, ngôi nhà vắng lặng và bình yên đến đáng sợ, lâu lâu từ bàn học, tôi liếc mắt sang chiếc giường tre đã cũ kĩ nơi cha vẫn thường nằm. Giờ này, nếu ông vẫn còn ở đây, chắc đã say khướt chẳng biết trời đất gì và lại liên tục lải nhải, hành hạ lỗ tai của mọi người trong nhà. Đêm ấy, má thức khuya hơn mọi ngày, chờ tôi học bài xong, má kéo tôi vào buồng. Vừa vuốt nhẹ mái tóc đen dài của tôi, má vừa kể cho tôi nghe về cha, những câu chuyện mà trước đây tôi chưa từng nghe bao giờ. Cha tôi… cha tôi không xấu như tôi vẫn nghĩ. Trước đây, ông là người chồng, người cha rất tâm lí, gần gũi và hết mực thương yêu vợ con. Từ ngày bị người bạn thân lừa lấy hết tiền bạc bấy lâu tích góp, cha cứ như người mất hồn, rồi dần dà bê tha như hôm nay.

Má nói, khi tôi còn nhỏ, đêm nào cha cũng bế tôi đi dọc con đê đầu làng, vừa đi vừa kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Má giải thích, ngày ấy tôi hay khóc, má dỗ sao cũng không chịu nín. Má nói, tuổi thơ tôi gắn liền với cha, cha đi đâu tôi cũng vòi theo bằng được, hôm nào không được cha chở đi chung, tôi lại quấy khóc ầm ĩ, cho đến khi mắt sưng húp mới chịu chìm vào giấc ngủ. Những lần đi làm gần nhà, cha thường bế tôi theo, khoe hết người này người khác rằng cha có đứa con gái ngoan ngoãn, dễ thương và rất giống má…

Đêm đó có lẽ là đêm đầu tiên tôi khóc nhiều như thế kể từ sau lần cuối cùng được cha bồng bế, yêu thương từ nhỏ. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao mấy năm nay, dù biết cha lạc lối nhưng má vẫn không hề trách móc hay than thở, ngược lại, càng thương và quan tâm cha nhiều hơn.Sáng sớm hôm sau, tôi gọi điện cho cha, giọng nghẹn ngào không thành tiếng. Đầu dây bên kia là tiếng nói của cha tôi trầm ấm và dường như… đã hết hơi men: “Ba đi làm bận lắm, con ở nhà ráng bảo ban các em học hành cho tốt, ba sẽ sớm về thăm má và các con…”.

Gác điện thoại, lòng tôi ngập tràn cảm xúc, hạnh phúc vỡ òa trong phút giây ngắn ngủi ấy. Hai dòng nước mắt cứ chực lăn dài trên má, tôi cắn chặt đôi môi để không nấc lên thành tiếng: “Cha ơi…”.


THÚY HẰNG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI