Trần Phước Thuận - từ điển sống về đờn ca tài tử Nam bộ

28/04/2014 - 12:43

PNO - PN - Xuất thân làm Đông y, nhưng từ khi lấy vợ, Trần Phước Thuận (ảnh), Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bạc Liêu, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lại say mê nghiên cứu đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ - loại hình...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong những ngày chuẩn bị Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận được Ban tổ chức mời làm thành viên hội đồng cố vấn chuyên môn cho những gì liên quan đến ĐCTT, ông như một nhà đờn-ca-tài-tử-học.

Trần Phước Thuận trông trẻ hơn cái tuổi 65 của ông rất nhiều, lúc nào cũng áo đóng thùng, quần tây thẳng nếp, giày vớ tinh tươm. Đó là con người mà sự nghiêm túc hiện rõ ra bên ngoài. Ông có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học như Truyện Kiều tập chú (viết chung với Trần Văn Chánh, Phạm Văn Hòa), những bài thuốc kinh nghiệm đơn giản của Hải Thượng Lãn Ông, Từ điển Bách khoa địa chí Bạc Liêu (đồng tác giả). Ông cũng là người tham gia tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học trong tỉnh như Cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi, Kỷ niệm 30 năm thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 năm hình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu... Ấn tượng nhất là những công trình liên quan đến dòng nhạc lễ và gốc tích ra đời loại hình ĐCTT trong dân gian, đặc biệt là tác phẩm Bước đầu tìm hiểu về tác giả và tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu, một công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện ròng rã hơn 20 năm.

Tran Phuoc Thuan - tu dien song ve don ca tai tu Nam bo

Ông nói: “Trong hơn 30 nhân vật được xem là đại thụ trong nghệ thuật truyền thống dân gian ở Bạc Liêu, có lẽ Nhạc Khị - tên thật là Lê Tài Khí (1870 - 1948) là người tôi bỏ công sức, thời gian tìm hiểu lâu nhất, mất hơn 5 năm trời đi điền dã săn lùng tư liệu, mà chỉ viết được khoảng 2.000 chữ. Bù lại, đó là thông tin quý báu, là nguồn tư liệu chuẩn cho những ai muốn nghiên cứu về ĐCTT". Tương truyền rằng, ĐCTT có nguồn gốc từ Mỹ Tho - Tiền Giang khi căn cứ vào việc nhóm ĐCTT ở Mỹ Tho đã đi biểu diễn ở Pháp vào những năm 1900 - 1906, nhưng chính ông lại nghe được trực tiếp lời của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cho rằng: "Tôi (nhạc sĩ Cao Văn Lầu) được thầy (Nhạc Khị) dạy đủ 20 bản tổ và bốn bài tứ bửu từ năm 1906. Chính thầy là người có công trong việc canh tân, hiệu đính, đặt tên và hệ thống 20 bản nhạc có giai điệu độc lập thành 20 bản tổ (ba nam, sáu bắc, tứ oán và bảy bài nhạc lễ)”. Nhạc Khị là người từ khi sinh ra cho đến khi mãn phần đều ở thôn Láng Giài, tổng Thạnh Hòa, phủ Ba Xuyên - nay thuộc Láng Dài, huyện Vĩnh Lợi - Bạc Liêu. Chính những tư liệu sưu tầm được về Nhạc Khị không chỉ trả cái gốc ĐCTT về cho Bạc Liêu mà còn đưa công trình khảo cứu của ông lọt vào danh sách những công trình của dự án nhà nước: Công bố và phổ biến tài sản văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam, xuất bản năm 2012, trước thời điểm ĐCTT được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại một năm.

Những ngày diễn ra Festival ĐCTT Bạc Liêu 2014, ngồi nói chuyện với ông mà điện thoại của ông liên tục có người gọi, hỏi trăm thứ liên quan đến ĐCTT. Chưa lúc nào thấy ông bực mình, thậm chí có khi đó là một câu hỏi trớt quớt chẳng liên quan gì đến chuyên môn nghiên cứu, kiểu như: “đi tới nhà lưu niệm Cao Văn Lầu phải qua cầu Bạc Liêu (số) mấy?”. Vậy mà ông vẫn chỉ dẫn rất tận tình. Mọi người bảo, ông Thuận giờ như một quyển tự điển sống về ĐCTT vì ông nhớ vanh vách những gì liên quan đến loại hình nghệ thuật dân gian này. Hiện ông đang ấp ủ một công trình nghiên cứu cấp quốc gia Bước đầu tìm hiểu ĐCTT Nam bộ.

 Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI