Sẽ không chỉ có 5 ca khúc bị dừng lưu hành?

14/03/2017 - 06:00

PNO - Sau khi tạm lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước 1975, theo thông tin từ Cục NT- BD, trong thời gian tới, cơ quan quản lý tiếp tục sẽ tiếp tục xem xét thêm nhiều ca khúc nữa.

Việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc (Con đường xưa em đi, Đừng gọi anh bằng chú, Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân) của Cục Nghê thuật-Biểu diễn (NT-BD) xuất phát từ văn bản kiến nghị của Sở Văn hoá -Thể thao TP.HCM. Theo đó, Sở đã gửi kiến nghị lên Cục dừng lưu hành 10 bài hát nhưng sau khi xem xét, Cục vẫn tiếp tục cho phát hành 5 bài, chỉ tạm dừng 5 bài. 

Se khong chi co 5 ca khuc bi dung luu hanh?
 

Tìm bản nhạc gốc có dễ?

Theo thông tin mà Cục NT – BD đưa ra, việc dừng lưu hành các ca khúc này là để thẩm định, rà soát, so sánh, đối chiếu với bản nhạc gốc. Trong số 5 ca khúc vừa được thông báo có bài "Đừng gọi anh bằng chú" (nhạc sĩ Diên An). Phóng viên đã liên lạc với nhạc sĩ Diên An, ông cho biết ông chỉ có 12 ca khúc sáng tác trước 1975, và "Đừng gọi anh bằng chú không" nằm trong số tác phẩm do ông viết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, "Đừng gọi anh bằng chú" là sáng tác của nhạc sĩ Anh Thy. Nhạc sĩ Diên An cho biết, thi thoảng ông lại thấy một số bài hát không phải mình sáng tác lại được gắn tên ông vào phần tác giả.  

Việc xem xét để trả lại tên tác giả cho bài hát "Đừng gọi anh bằng chú" là cần thiết, cũng như việc tìm đúng bản nhạc gốc trong khi có nhiều dị bản hiện nay. Ông Hoàng Tuấn, giám đốc HT Production, đơn vị sản xuất CD "Nhật ký mồ côi" của ca sĩ Trung Quang (trong đó có ca khúc Con đường xưa em đi) lấy ví dụ lời của ca khúc này khi được hát là “những mùa trăng vu quy vì mưa gió không về chiến trường anh bước đi”, có khi lại hát là “những mùa trăng vu quy vì mưa gió không về lối mòn anh bước đi”.

“Việc rà soát lại cho chính xác tác giả - tác phẩm, đọc thật kỹ nội dung ca từ là cần thiết đối với những ca khúc trước năm 1975 để có những quyết định thống nhất theo thời gian”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Tuy nhiên, ông Long e ngại: “Đây cũng là một khó khăn do đặc thù của dòng nhạc này ra đời từ trước 1975, nên việc xác định nhân thân tác giả khó vì không ít tác giả này không còn ở VN, hoặc có tác giả ở thì cũng nhiều trong số đó mai danh ẩn tích. Mặt khác, thời kỳ này cũng chưa đề cao ý thức về bản quyền”.

Tạm dừng lưu hành gây khó cho nghệ sĩ, nhà sản xuất

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 5 ca khúc đã được thông tin, một số ca khúc khác được sáng tác trước 1975, dù đã được cấp phép và được ca sĩ biểu diễn, phát hành đĩa, nhưng cũng đang trong quá trình bị yêu cầu xem xét lại nội dung khiến cả ca sĩ và nhà sản xuất lo lắng.

Se khong chi co 5 ca khuc bi dung luu hanh?
 

Ông Hoàng Tuấn “thấy lạ” trước thông tin 5 ca khúc này bị tạm dừng lưu hành. Theo ông, ca khúc "Con đường xưa em đi" và 4 ca khúc còn lại đã được nhiều ca sĩ hát trước đó. Ông đặt câu hỏi đáng nhẽ việc thẩm định phải được làm cẩn trọng trước khi cấp phép, không thể cứ cấp, ca sĩ đã hát và ra sản phẩm tràn lan rồi lại dừng lưu hành để thẩm định lại. Cũng như, ông cho rằng, nếu cấm hay dừng lưu hành thì phải thực hiện đồng loạt. “Chứ hiện nay tôi thấy nhiều bài hát chưa cho phép phổ biến vẫn được ca sĩ thu âm đưa lên mạng hoặc hát phòng trà đó thôi”, ông Tuấn nói.

Đại diện một đơn vị sản xuất – phát hành băng đĩa khác khá bất bình trước thông tin tạm dừng này. “Tại sao Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có hẳn một hội đồng thẩm định để kiểm tra, đối chiếu… rất kỹ, thậm chí khá lâu mỗi  khi chúng tôi xin phép phổ biến ca khúc, mà lại để sơ suất rồi phải tạm dừng lưu hành nhiều ca khúc như vậy? Khi tạm dừng lưu hành, mà thời gian thẩm định lại chưa biết bao lâu, thì ai sẽ chịu trách nhiệm những khó khăn, thiệt hại của người đang kinh doanh, sử dụng chúng?”, vị này thắc mắc. 

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng việc này có thể ảnh hưởng ở cả hai phương diễn biểu diễn và kinh tế. “Các nghệ sĩ có thể sẽ mắc vi phạm một cách hồn nhiên khi hát bài tưởng là được phép hóa ra không. Một số nghệ sĩ đã phát hành những sản phẩm âm nhạc có những bài hát này một cách chính thống được cấp phép, giờ đây có thể những sản phẩm ấy sẽ không được phép phổ biến một cách công khai”.

Trước nay, có nhiều ý kiến ràng việc hội đồng thẩm định ca khúc ít khi có sự tham gia của đa dạng các thành phần như nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc. Nhạc sĩ Thụy Kha từng được Cục NT-BD mời tham thẩm định những ca khúc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Khi đó có tôi, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Vĩnh Cát. Nhưng đó là lần duy nhất tôi được mời đến”, ông cho hay.

Cơ quan quản lý sơ suất

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng, cơ quan quản lý có thể đã sơ suất nên mới quyết định dừng lại để xem xét. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận, nguyên nhân của việc xem xét lại 5 ca khúc trên có thể từ nhiều phía. “Tôi cho rằng việc có nhiều bài trước 1975 được cấp phép trong những năm gần đây là một thái độ cởi mở của nhà quản lý. Song, trong quá trình cấp phép với số lượng quá nhiều bài như thế thì  không thể tránh được những thiếu sót”, ông Long nói.

Se khong chi co 5 ca khuc bi dung luu hanh?
 

Tuy nhiên, theo ông Long xem xét lại là một việc, còn việc tạm dừng lưu hành là việc khác. “Dễ dàng nhận thấy, những ca khúc bị tạm dừng chỉ ở danh nghĩa chính thống, khó buộc nó dừng vang lên trong công chúng. Nên ở góc độ nào đó, việc dừng chỉ là hình thức. Nó vẫn được phổ biến rộng rãi trong công chúng. Nhất là bây giờ rất nhiều người có thói quen nghe nhạc trên internet nên việc này lại càng khó. Vì vậy, tôi cho rằng, việc cho phép càng nhiều bài hát ở dòng âm nhạc này thì ngành văn hóa lại càng quản lý được rộng hơn”, ông Long cho hay.

“Những ca khúc sáng tác trước năm 1975 là một phần của âm nhạc mới VN. Góp phần tạo nên diện mạo của đời sống âm nhạc đại chúng nước ta. Có giá trị nhất định về mặt nghệ thuật cũng như thẩm mỹ. Đương nhiên, loại trừ những bài hát có nội dung không phù hợp, những bài hát trước 1975 cũng xứng đáng được vang lên trên những sân khấu chính thống”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.

Minh Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI