Sự an nguy của trẻ sau các khung cửa sổ chung cư

13/03/2018 - 14:33

PNO - Đoạn clip một bé trai thích trèo lên cửa sổ được quay tại một chung cư ở Q. Gò Vấp làm thót tim người xem.

Những ô cửa sang chảnh, những căn hộ trên cao đẹp như mơ là niềm mơ ước đời người của nhiều cặp vợ chồng. Nhưng đa số những cánh cửa sổ lại thường không có chấn song, cử mở thẳng ra… không khí.

Su an nguy cua tre sau cac khung cua so chung cu
Hai người đàn ông đã leo qua ban công nhà mình để giữ đứa bé

“View đẹp” thường nguy hiểm

Đó là khung cửa rộng với vách kính trong suốt, phủ lớp rèm bắng vải hiện đại, chỉ kéo nhẹ, một thành phố sáng choang hiện ra dưới khung cửa. Người hiện đại hay gọi là "view" đẹp. Nhà càng cao, "view" càng xa, càng rộng thì càng đắt giá.

Mọi cô gái mới lớn đều mộng mơ một khung cửa lãng mạn như thế để ánh bình minh soi vào mái tóc đánh thức mỗi sáng. Mọi phụ nữ lam lũ đều mơ một ngày "lên chung cư" thoát khỏi căn nhà trọ chật hẹp và bức bối. “Lên chung cư” là một cụm từ quen tới nỗi, nó gây ám ảnh bao người phố thị.

Lên chung cư để nhìn thành phố vào đêm lung linh sáng, gột rửa muộn phiền, giải tỏa stress một ngày vất vả, để biết mình đã phấn đấu nửa đời để tạo dựng gia đình; để có phút rời bỏ ồn ào, khói bụi của đường phố mà tận hưởng sự tĩnh lặng của người sống trên cao.

Nhưng, những khung cửa sang chảnh đó cũng ẩn chứa những hiểm nguy mà người mới dọn lên không thể ngờ.

Đoạn clip một bé trai thích trèo lên cửa sổ được quay tại một chung cư ở Q. Gò Vấp lần nữa làm thót tim người xem.

Đứa bé trai khoảng 2 tuổi trèo lên cửa sổ, bên ngoài cửa sổ là tấm đan bằng bê tông, cách cửa sổ chừng mét rưỡi. Nếu trượt chân, bé có thể té dập đầu xuống tấm đan đó. Chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu bé té. Những người hàng xóm hô hoán, giải cứu bé xong, người lớn trong nhà mới hay chuyện.

Hú hồn! Nhưng cộng đồng còn kinh ngạc hơn khi hàng xóm kể rằng em bé này thường xuyên thực hiện những cuộc “vượt ngục” như vậy.

Su an nguy cua tre sau cac khung cua so chung cu
Ảnh từ clip trẻ trèo ra cửa sổ ở 1 chung cư tại Gò Vấp

Đúng thôi, nếu là đứa trẻ, bạn cũng thèm được ngắm cái "view" quyến rũ của thế giới bên ngoài nhà mình. Bao mới lạ, hấp dẫn của cuộc sống vượt khỏi bốn bức tường thôi thúc trí óc trẻ tò mò khám phá thế giới. Chưa kể, trẻ còn khám phá kỹ năng leo trèo và say mê thực hành nó.

Đứa trẻ cũng như người lớn chúng ta, thậm chí bọn trẻ còn sở hữu những ước mong vượt ngục lớn lao hơn chúng ta rất nhiều, bởi chúng có bản năng khám phá thế giới mãnh liệt và chưa ý thức được hiểm nguy.

Vậy, làm thế nào để con mình sống an toàn trong những khung cửa ấy? Thật đơn giản. Cha mẹ cần hi sinh một chút đẹp của "view" khi tự lắp chấn song inox.

Ai cho con trẻ sự an toàn?

Khi văn phòng chúng tôi sửa sang, anh kỹ sư trẻ, đại diện của bên giám sát đã "gây khó" cho sếp tôi và đơn vị thi công. Toàn bộ các thanh chấn sắt của ban công phía mặt tiền đường Alexandre de Rhodes, Q.1, TP.HCM là kiểu cong cong rất điệu. Đây là tòa biệt thự có từ thời Pháp đã xuống cấp, trong hạng mục cần sửa chữa có dàn thanh chấn sắt đã hoen gỉ. Vậy nhưng, đơn vị thi công chỉ mài sạch, đánh bóng và sơn lại.

"Nhìn thì đẹp đó, nhưng độ rộng của các thanh chấn không đảm bảo kỹ thuật. Một đứa trẻ dưới 4 tuổi có thể lọt qua, rớt xuống đất", anh kỹ sư chuyên ngành kết cấu công trình quyết không khoan nhượng, dù vướng phải sự phản ứng dữ dội của cả bên thi công lẫn chủ đầu tư. Công trình đã hoàn thiện, giờ đập ra làm hết toàn bộ thanh chấn ban công thì tòa biệt thự mất "điệu" và quá tốn kém, không kịp khánh thành.

Tôi khi ấy chưa có gia đình, có chen vào một câu: "Anh ơi, đây là công sở, làm gì có trẻ con mà anh lo".

Thế nhưng vài năm sau, lứa nhân viên trẻ chúng tôi kết hôn và sinh con rồi dần dà thấm thía và thầm cảm ơn anh kỹ sư nọ. Bọn trẻ theo mẹ tới công sở những ngày nghỉ học gần tết, những ngày hè, ngày làm thêm cuối tuần rất đông. Không ai đủ khả năng trông chừng hay cấm đoán chúng ra các hành lang và ban công chạy nhảy. Điều gì sẽ xảy ra nếu các thanh chắn đẹp đẽ nhưng rộng ngoác như trước?

Hôm vợ chồng tôi dắt díu nhau đi tìm thuê căn hộ. Chồng tôi hồ hởi dẫn tôi lên 1 chung cư ở đường Phạm Phú Thứ, Q. Tân Bình. Thang máy vừa mở ra, anh đã tái mặt khi khung cửa kính ngay hành lang chung chỉ cao hơn hông tôi một chút. Với độ thấp này, ngay người lớn bất cẩn cũng dễ nhào ra ngoài khi dẩy cửa kính hay khi ngắm nghía phía bên ngoài, chứ nói gì bọn trẻ hiếu động.

Khi vào xem căn hộ, tôi “ưng trăm phần trăm” với thiết kế và giá tiền, nhưng chồng tôi vẫn tỏ vẻ mặt khó ưa. Anh nói với chủ nhà: “Nếu chị đồng ý cho em lắp thanh chấn kín các cửa em mới thuê”. Bà chủ nhà không vui: “Em lắp thế xấu lắm, khoan lung tung hỏng hết khung cửa của chị. Tiền lắp inox khung cửa lớn cho ba phòng này bèo cũng hơn chục triệu, sao em tốn kém thế. Nhắc nhở con về sự nguy hiểm là được rồi”.

Sau đó chồng tôi không thuê căn hộ, anh còn “nhiều chuyện” gọi cho phóng viên một tờ báo, phàn nàn rằng công trình thiếu an toàn, tại sao lại cho phép người vào ở. Anh phóng viên báo nọ chỉ buồn bã chia sẻ: “Báo chí từng viết, nêu đích danh tên chủ đầu tư, và nhưng như ‘cùi không sợ lở’, dù chung cư chưa được cấp phép an toàn, họ vẫn làm liều cho khách vào ở”.

Sau đó chúng tôi thuê một căn hộ nhỏ bằng nửa diện tích, dù giá ngang nhau. Đôi khi nhìn vách kính kín mít, chỉ mở được tấm kính phía trên cao khoảng 10cm, tôi rất khó chịu. Nhưng cũng nhờ ông chồng, nhờ anh kỹ sư ngành kết cấu công trình nọ mà tôi được cảnh tỉnh rằng: Giữa lợi ích của mình của mình và lợi ích của con, giữa đẹp và an toàn, chúng ta phải chọn những gì tốt nhất cho con trẻ.

Tôi không bàn tới chuyện người giữ trẻ phải để mắt tới con cái. Vì điều đó là đương nhiên. Tôi chỉ mong mỏi các cha mẹ luôn phải luôn đủ tỉnh táo chọn cho con không gian đủ an toàn; các nhà thiết kế và thi công có tâm để bảo vệ tính mạng khách hàng.

Minh Lê 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI