Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Tôi muốn tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc

31/12/2016 - 06:30

PNO - Sau mười năm tạm dừng, chương trình nghệ thuật “Điểm một thời” do nhà thiết kế Sĩ Hoàng làm người “lĩnh xướng” sẽ trở lại bằng suất diễn đầu tiên vào tối 3/1/2017 với nhiều thay đổi cả nội dung lẫn hình thức.

Sau mười năm tạm dừng, chương trình nghệ thuật “Điểm một thời” do nhà thiết kế Sĩ Hoàng làm người “lĩnh xướng” sẽ trở lại bằng suất diễn đầu tiên vào tối 3/1/2017 với nhiều thay đổi cả nội dung lẫn hình thức. Nhân dịp này, NTK Sĩ Hoàng đã có những chia sẻ về diện mạo mới của “Điểm một thời” phiên bản 2017.

PV: Chào anh, “Điểm một thời” trở lại sau mười năm dù khi đó chương trình vẫn tạo tiếng vang và sáng đèn hàng đêm, vì sao lại có chặng dừng quá dài này?

NTK Sĩ Hoàng: Sau 5 năm hoạt động (2002-2007), “Điểm một thời” tạm ngưng do tôi muốn tập trung thực hiện dự án Bảo tàng Áo dài. Bảo tàng Áo dài đi vào hoạt động từ tháng 11/2014, ngắm nhìn vẻ đẹp của những tà áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, tôi lại trở về với ước mơ chia sẻ cùng khán giả trong nước và quốc tế vẻ đẹp dịu dàng, kiêu sa đó.

Sau khi nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi nhận ra rằng, chúng ta có thể đối thoại bình đẳng với thế giới bằng con đường văn hóa. Đó là động lực giúp tôi và ê kíp của mình quyết tâm thực hiện chương trình “Điểm một thời” với mong muốn có thể giới thiệu những di sản văn hó a độc đáo của Việt Nam với bạn bè thế giới và đưa được những di sản văn hóa ấy đi vào cuộc sống.

Nha thiet ke Si Hoang: Toi muon ton vinh nhung gia tri van hoa dan toc
NTK Sĩ Hoàng

* Show diễn giới thiệu nét đẹp của áo dài Việt Nam, nhưng tên chương trình nghe lại rất mạnh mẽ: Âm vang đất nước?

- Đây là điểm khác biệt nhất của “Điểm một thời” 2017 so với phiên bản cũ. Nếu “Điểm một thời” 2002-2007 chỉ là sự đam mê, là một hoạt động của một cá nhân thì giờ đây đó là công trình của một ê kíp cùng chung đam mê, cùng chung ước muốn. Cùng với trang phục áo dài Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XXI, “Điểm một thời” 2017 số đầu tiên chủ đề Âm vang đất nước sẽ giới thiệu cả những bản cổ nhạc được trình tấu theo nguyên tác, những bài độc tấu được sáng tác dựa trên âm sắc bản địa của từng vùng miền và những loại nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, khán giả cũng sẽ được ngắm nhìn lại những bộ trang phục của 54 dân tộc anh em đang cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Toàn bộ phần trang phục này là kết quả của quá trình nghiên cứu, sưu tầm và phục chế đến từng tiểu tiết do chính tôi thực hiện.

Trong cách xây dựng kịch bản đó, “Điểm một thời” 2017 không đơn thuần chỉ tôn vinh nét đẹp của áo dài Việt Nam, mà được xây dựng như một câu chuyện xuyên suốt, dẫn dắt người xem bằng âm nhạc, bằng ngôn ngữ hình thể, bằng trang phục… đến với những không gian khác nhau trong từng thời kỳ khác nhau, qua đó tôn vinh những giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

* Được dàn dựng xen kẽ với phiên chợ, những gánh hàng rong và cả những tiếng rao… Nhưng anh có đắn đo khi đặt tên cho một trong những điểm nhấn của chương trình là phiên chợ Âm phủ?

- Tôi và ê kíp đã có sự tính toán khi chọn tên cho phiên chợ là chợ Âm phủ. Có lẽ đó không phải là tên gọi quá lạ lẫm với người Việt, bởi ở Huế có món cơm Âm phủ, chợ đêm ở Đà Lạt cũng được nhiều người quen gọi là chợ Âm phủ. Trong tín ngưỡng của người Việt, chợ Âm phủ là nơi hai cõi âm - dương giao hòa. Chợ Âm phủ ở “Điểm một thời” hoàn toàn không có yếu tố ma mị, mà tất cả như một giấc mơ, như tiếng nói dẫn dắt từ quá khứ đến hiện tại, dẫn người xem đi qua từng thời kỳ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam và hiểu những đổi thay của áo dài qua từng giai đoạn lịch sử.

* Không dùng đội ngũ người mẫu chuyên nghiệp, tất cả người mẫu của “Điểm một thời” 2017 đều mới được tuyển chọn và huấn luyện. Điều này có vẻ khá lạ lẫm ở một show diễn chuyên nghiệp.

- Chúng tôi chọn người mẫu, diễn viên cho chương trình không dựa trên tiêu chí tuyển chọn người mẫu thời trang, mà dựa trên sự phù hợp với hình thể, sắc vóc của người Việt và cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ. Những diễn viên, người mẫu được chọn cũng phải phù hợp với đặc điểm về sắc vóc của các dân tộc Việt Nam để mang lại cảm giác chân thật nhất cho người xem khi họ mặc trang phục dân tộc.

Như tôi đã nói, “Điểm một thời” 2017 được xây dựng như một câu chuyện kể, sân khấu mộc mạc, gần gũi nên sự thô mộc, thậm chí có chút vụng về của những diễn viên - người mẫu mới toanh này sẽ góp phần cho thành công chung của chương trình và mang lại những cảm xúc mới lạ nhưng rất chân thật cho người xem.

* “Điểm một thời” 2017 nhắm đến đối tượng chính là khách du lịch quốc tế?

- Mong muốn xây dựng nơi đây thành một địa chỉ cho khách du lịch quốc tế trải nghiệm không gian và những giá trị văn hó a, ẩm thực Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng mong muốn đón tiếp khán giả trong nước, đặc biệt là các bạn trẻ, sinh viên, học sinh.

“Điểm một thời” luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón các trường đưa học sinh đến trải nghiệm văn hóa dân tộc như một chương trình ngoại khóa để các em hiểu hơn vẻ đẹp của văn hóa Việt, để một mai dù có sống và làm việc ở một đất nước nào, các em vẫn có những ký ức, cội rễ về văn hóa dân tộc để hòa nhập nhưng không hòa tan.

Thảo Vân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI