Một đời lầm lũi

19/06/2014 - 11:14

PNO - PN - Nhiều năm nay, bà con ở khu 10, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ quen thuộc với cảnh lầm lũi đi về của cha con anh Phạm Văn Phú. Họ thương cảnh “gà trống nuôi con” của anh. Vợ mất khi mới 40 tuổi, tưởng anh sẽ tìm...

edf40wrjww2tblPage:Content

TAI HỌA BẤT NGỜ

Chúng tôi tìm đến thăm năm bố con, nhưng nhà anh Phú vắng hoe, cửa đóng im ỉm. Ngồi hút thuốc lào vặt ở nhà hàng xóm, anh cười hiền lành: “Mấy hôm nay trời mưa dầm, chưa có ai thuê mướn. Hai sào lúa chưa tới kỳ thu hoạch, không đi chơi thì biết làm gì?”. Đưa khách về nhà, dạo một vòng từ sân xuống bếp, từ bếp ra sau vườn, anh không giấu được nỗi lo lắng trĩu nặng. Lương thực “dự trữ” của mấy cha con chỉ còn vài cân gạo và thùng sắn khô trong góc buồng ngủ. “Trời cứ mưa thế này, không biết lấy gạo đâu nấu cơm cho con ăn. Nhà có bốn cô con gái, con gái đầu đã lấy chồng cách nhà 30 cây số, con gái thứ hai Phạm Thị Hồng vừa học xong lớp 12, đi làm công nhân được ba tháng bên Bắc Ninh. Ở nhà còn hai cô, một đang học lớp 8, một đang học lớp 4” - anh nói.

Cô út Phạm Thị Trang sau một hồi mải mê đạp xe ngoài đường, hỏi chị: “Trưa nay ăn cơm với gì hả chị?”. Cô chị Phạm Thị Mai chỉ ra vườn rau trước nhà: “Còn mấy củ su hào đem vào luộc vậy”. Con bé phụng phịu: “Lại su hào luộc!”. Anh Phú cho biết, có con lợn nái, nhưng hai tháng nữa nó mới sinh, thêm hai tháng nữa lợn con mới xuất chuồng. Hơn chín năm nay, anh tần tảo nuôi bốn cô con gái. Tháng 5/2005, khi cháu út mới 12 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Vân vợ anh chở con trên xe đạp đi mua thuốc. Vừa đến cổng bệnh viện, một chiếc xe máy chạy ẩu tông từ phía sau làm hai mẹ con té nhào. Con gái chỉ xây xước nhẹ, chị Vân bị chấn thương sọ não, qua đời.

Anh Phú mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi. Ba năm sau, cha anh đi bước nữa. Nhà nghèo khó, Phú nghỉ học từ năm lớp 3. Năm 20 tuổi, anh lập gia đình. Cuộc sống mồ côi vốn nhiều nước mắt hơn nụ cười, đói cơm, nhạt muối… nên gặp được người vợ biết yêu thương trân trọng chồng, anh Phú như người sắp chết được hồi sinh, lao động quên mình. Về ở rể, gia đình bên vợ thương tình cắt cho một thửa đất, do chăm lao động, chăn nuôi giỏi, chỉ mấy năm sau hai vợ chồng Phú - Vân đã cất được ngôi nhà khá khang trang. Chị Vân là người chỉn chu, biết lo toan, nên việc chi tiêu trong nhà, kế hoạch làm ăn, tất tật anh Phú nhờ vợ, bản thân chỉ biết chí thú ruộng nương, khi nông nhàn lại tìm việc làm thêm.

Mot doi lam lui

Bữa nay nấu gì cho con ăn đây ?

Mot doi lam lui

Con gái anh Phú rất chăm chỉ giúp bố việc nhà

MONG ƯỚC GIẢN ĐƠN

Ruộng nương ít, bất cứ việc gì dù khó nhọc đến đâu anh cũng làm, miễn là có tiền nuôi con. Mấy cô con gái đã quen với những bữa cơm đạm bạc. Anh cũng quen dần với những ngày “đứt bữa”, húp nước rau luộc để nhường chút cơm độn sắn cho con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Những bà bán hàng bông ngoài chợ Phú Lộc, thi thoảng có rau héo, khoai sùng vẫn thường gói lại cho anh Phú về nuôi lợn, nhưng về nhà, chọn những thứ còn có thể ăn được, anh xào nấu cho mấy bố con qua bữa. Nghèo khó đè nặng lên đôi vai người cha ốm yếu, nhưng theo tâm nguyện của vợ, anh nhất định nuôi các con học hết lớp 12. Hai cô con gái lớn đã qua cửa ải đó. Anh tâm sự: “Nói thật, ai chẳng muốn có đôi có lứa. Nói tôi quá chung thủy với vợ cũng chưa hẳn đúng, mà vì tôi sợ con mình lại mắc vào cảnh mẹ ghẻ, con chồng, tôi đã trải qua nên sợ lắm”.

Nhìn tấm thân còm cõi của anh, không biết trời có cho anh sức khỏe mà lo hết cho bốn cô con gái. Anh cười buồn, "khoe" hai năm nay gia đình đã "được" xếp diện hộ nghèo, nên tiền học của các con được miễn giảm. Cả chục năm nay, tuy gia đình anh rất nghèo nhưng không được xếp diện nghèo vì có… nhà tầng. Bà con làng xóm họp cuộc nào cũng tranh luận, đề nghị với chính quyền về việc xét hộ nghèo cho mấy bố con. “Chỉ có cái xác nhà chứ có gì đâu. Các ông cứ nguyên tắc cứng nhắc thì khổ người ta quá”. Nghe thông báo “được xếp vào diện hộ nghèo”, anh rưng rưng. Chẳng ai muốn làm người nghèo, nhưng ở thời điểm này, những chế độ ưu tiên dành cho người nghèo sẽ giúp bố con anh rất nhiều, đơn giản như việc giảm học phí cho hai cô con gái. Hỏi anh có ước mơ gì trong tương lai, khi các cô con gái trưởng thành, anh bảo: “Chỉ mong sao có người gọi đi làm thuê. Việc gì cũng được!”.

 PHƯƠNG QUÝ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI