LTS: Sẽ chẳng ai ngờ, nỗi kinh hoàng về những “cỗ quan tài bay” - xe buýt - trên những con đường đông nghịt người, xe ở TP.HCM xuất phát từ sự liều mạng của những tài xế “nhí” không bằng lái, sẵn sàng lấy tính mạng hành khách và người đi đường để… nâng cao tay nghề. Tiếp viên lái thay tài xế. Tài xế ngồi phì phèo thuốc lá khi xe đang trên hành trình. Camera giám sát bị “bịt mắt”... Xe buýt được “lái” bởi luật ngầm “hụi chết” giữa tiếp viên, lái xe và người điều hành. Tính mạng của bao người đang từng ngày từng giờ treo lơ lửng trước lưỡi hái tử thần bởi lòng tham, sự thờ ơ vô trách nhiệm. Điều tra của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về những “hung thần” trên đường phố vốn được dán mác “an toàn-tiết kiệm-văn minh” sẽ phơi bày sự thật rùng mình trên những chuyến xe buýt này.
|
Theo quy định hiện hành, đối với xe buýt dưới 30 chỗ, tài xế phải trên 24 tuổi, có giấy phép lái xe hạng D trở lên; đối với xe buýt trên 30 chỗ, tài xế phải trên 27 tuổi, có giấy phép lái xe hạng E trở lên. Thế nhưng, theo điều tra của phóng viên, nhiều tiếp viên trên tuyến xe buýt 99 chưa đủ tuổi, vẫn ngang nhiên lái xe.
Học lái ngay trên xe
10g ngày 16/11, chúng tôi lên xe buýt mang biển số 51B - 06400 chạy từ Q.2 về Đại học Quốc gia TP.HCM. Vừa bước lên xe, chúng tôi giật thót người khi thấy người ngồi sau vô-lăng là một thiếu niên chừng 16-17 tuổi đang điều khiển xe buýt chạy “cà giật”, phía sau là hàng chục hành khách, khuôn mặt hiện rõ sự lo lắng. Ở băng ghế ngay phía sau tài xế, ông Hậu (khoảng 45 tuổi) liên tục la lớn: “Mày đạp chân số kiểu gì kêu rặc rặc vậy?”.
|
Một tài xế “nhí” khoảng 17 tuổi được tập lái trên xe buýt mang BKS: 51B-06400 |
Cậu bé có phần hoảng sợ sau tiếng quát, chiếc xe cứ thế lao đi, giật mạnh hơn. Theo điều tra của chúng tôi, thường ngày, người lái chiếc xe buýt này là ông Hậu nhưng thỉnh thoảng, hành khách vẫn bắt gặp cảnh cậu tiếp viên mặt búng ra sữa lên “cầm tài”, còn ông Hậu ngồi phía sau xé vé, thu tiền khách.
Chiếc xe lao nhanh trên đường, ông Hậu vừa dạy cho cậu bé lái xe, vừa chửi. Xe đến đoạn đường Đình Phong Phú (Q.9) thì dừng lại đón khách. Do chưa quen điều khiển xe buýt nên chiếc xe đưa phần đầu ra ngoài, phần đuôi sâu vào trong lề đường, xém gây tai nạn. Ông Hậu hoảng hốt: “Sao mày đánh đuôi xe ở trong, còn đầu xe ở ngoài? Mày lấy lại xe cho thẳng coi, đậu cho nó đàng hoàng chiếc xe”.
Chứng kiến cảnh một cậu bé đang học lái ngay trên chiếc xe đang chở khách, một số sinh viên vừa lên xe ở trạm Trường cao đẳng Công thương đã vội xuống xe, đón chiếc khác. Bám theo một nữ sinh viên 20 tuổi, quê ở tỉnh Gia Lai để hỏi thăm, nữ sinh tên H. nói: “Nhìn cảnh đó, em sợ quá mà không dám ý kiến nên xuống xe đón xe khác cho an toàn”.
Trong khi đó, tài xế “nhí” vẫn tiếp tục ôm vô-lăng lao trên đường đông đúc, trên xe vẫn còn khoảng 10 hành khách bạo gan nán lại vì đã muộn giờ học. Đến ngã ba Hoàng Hữu Nam - Cầu Xây, tài xế “nhí’ cho xe rẽ trái nhưng vẫn đạp chân ga. Thấy nguy hiểm, ông Hậu hét lên: “Tới khúc cua mà mày cần chi đạp ga, thả chân ga ra ôm cua nhẹ nhàng thôi chứ”.
Cứ thế, trong khoảng 30 phút trên xe, chúng tôi phải chịu trận hơn 10 tình huống thót tim cùng tài xế “nhí”. Có khi là cú đánh lái cắt ngang xe máy, có khi là một cú ôm cua loạng choạng khiến hành khách nghiêng ngả. Khi xe đến gần bến, ông Hậu lệnh cậu bé xuống bán vé để mình “luồn lách” trên xa lộ với mong muốn “hốt” đợt khách là sinh viên đi từ khu A đến khu B của Đại học Quốc gia TP.HCM.
|
Chiếc xe buýt do tài xế “nhí” khoảng 17 tuổi điều khiển rước khách ở Đại học Quốc gia |
Trưa 17/11, chúng tôi đón xe buýt từ đầu đường Mai Chí Thọ (gần ngã ba Cát Lái) hướng về chợ Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) thì tiếp tục thấy tài xế “nhí” con ông Hậu điều khiển xe biển số 51B - 06400. Đường đông, điều khiển xe khó nên cậu bé liên tục bị ông Hậu chửi. Bị áp lực, tài xế “nhí” cứ đưa đầu xe buýt vào đuôi xe container chạy cùng chiều ở ngay làn trong cùng dành cho xe máy.
Ông Hậu la lớn: “Mày đưa tao chạy về cho lẹ. Thắng lại. Sao mày đâm vô đít xe công (xe container) không vậy? Sao chỗ trống không chạy? Chạy ngu, mai mốt đừng có chạy nữa…”. Buồn vì “ăn chửi”, tài xế “nhí” rời vô-lăng, xuống ngồi thõng thượt ở băng ghế sau và nghe càm ràm tiếp: “Đ.M, cứ đâm vô đít người ta. Kiếm chỗ trống chạy cho lẹ về. Giao xe cho mày như giao trứng cho ác”.
Sau một thời gian bám tuyến xe buýt 99, chúng tôi nhận thấy, cảnh tiếp viên “mượn” xe buýt đang chở khách để học lái không còn là điều xa lạ. Thậm chí, khi tài xế mệt, có thể nằm dài ra băng ghế ngủ, để mặc tiếp viên ngang nhiên “vọc vô-lăng”.
Khoảng 16g ngày 15/11, tài xế xe mang biển số 51B - 06503 chạy từ Đại học Quốc gia TP.HCM về đến trạm dừng trên đường Tăng Nhơn Phú (P.Phước Long B, Q.9), liền “bàn giao” xe lại cho tiếp viên tên Biên tự lái rồi ra băng ghế phía sau nằm ngáy. Thế nhưng, mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ. Biên phóng xe như bay, liên tục đụng ổ gà nên tài xế nằm phía sau hét: “Chạy chậm thôi cha ơi”. Biên đáp lại: “Mày kêu tao chạy nhanh về mà, tao chạy quen rồi. Tốc độ của tao là từ 50km/giờ trở lên mới được”.
Chiếc xe do Biên điều khiển cứ thế lao vun vút trên Xa lộ Hà Nội, qua đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống để về bến cuối ở chợ Thạnh Mỹ Lợi (Q.2). Không ai biết được, tiếp viên Biên chưa được cấp bằng lái, chỉ học lóm nhưng lại dám tự mình làm công việc mà người khác phải mất khoảng 5 năm mới được phép làm, khi đã có bằng lái đủ chuẩn.
|
Khi tiếp viên xe buýt 51B - 06458 bỏ chuyến giữa chừng, tài xế phải vừa bán vé, vừa lái xe |
Càng đáng sợ hơn, hai ngày sau, Biên nghiễm nhiên làm lái chính cho xe buýt biển số 51B - 06503. Một tiếp viên trẻ tên Vũ phụ trách bán vé để Biên thoải mái lái xe, trong khi ở tấm bảng phía trên ca-bin xe ghi rõ tên tài xế là Nguyễn Minh Tâm (phần tiếp viên ghi B. Thị Ngọc Phượng nhưng đã bị chùi mờ, không còn rõ chữ). Xe buýt chạy được khoảng 1 phút, có một xe máy chạy phía trong xin đường rẽ trái, Biên bất ngờ thắng gấp, chiếc xe chồm giật, hành khách một phen nháo nhào, 4 nữ sinh viên đồng loạt bước xuống xe ở trạm dừng RMK (ngã tư Tây Hòa, Q.9).
Xe chuẩn bị leo dốc cầu Rạch Chiếc, có lẽ biết mình mới chập chững lái, gây sợ hãi cho hành khách nên Biên quay sang hỏi Vũ: “Tao lái xe, mày thấy sợ không?”. Vũ nhẹ nhàng: “Không, bình thường mà”. Biên lại tiếp tục: “Thấy anh với thằng Tuấn “máu đỏ”, thằng nào chạy ẩu hơn?”. Vũ im lặng. Theo điều tra của chúng tôi, Biên sinh năm 1998 và không có giấy phép lái xe theo quy định vận tải hành khách công cộng.
Tài xế “nhí” thi nhau ôm vô-lăng “bay lượn”
Theo quy định hiện hành, đối với xe buýt dưới 30 chỗ, tài xế phải trên 24 tuổi, có giấy phép lái xe hạng D trở lên; đối với xe buýt trên 30 chỗ, tài xế phải trên 27 tuổi, có giấy phép lái xe hạng E trở lên. Ngoài ra, tài xế xe buýt phải hoàn thành lớp tập huấn về nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp. Yêu cầu nghiêm ngặt là vậy, nhưng trên thực tế tại tuyến xe buýt 99 do Hợp tác xã Đông Nam quản lý, tình trạng tài xế “nhí” ôm vô-lăng diễn ra phổ biến.
Ngày 10/11, chúng tôi lên chuyến xe buýt biển số 51B-06309 do người tên Tuấn làm tài xế và người tên Đệ làm tiếp viên. Theo điều tra của chúng tôi, Tuấn được nhận lên tuyến xe buýt số 99 làm tiếp viên nhưng mấy tháng gần đây, Tuấn bất ngờ làm tài xế. Năm nay, Tuấn chỉ mới 20 tuổi, nên không thể có giấy phép lái xe hạng D và không đủ tuổi theo quy định.
|
Tài xế Tuấn thường xuyên quát nạt hành khách khi bị trễ giờ |
Tuấn là tiếp viên nên không được tập huấn về nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp dành cho lái xe. Dù Tuấn học lái xe từ lúc 18 tuổi thì nhanh nhất cũng phải 23 tuổi (5 năm sau) mới được cấp giấy phép lái xe hạng D. Như vậy, rõ ràng Tuấn đang lái xe buýt chui nhưng không hiểu sao vẫn qua mặt Hợp tác xã Đông Nam và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng”.
Khoảng 10g30 ngày 15/11, Tuấn chuyển sang điều khiển xe buýt mang biển số 51B-06503. Khi cho xe chạy nhanh qua khúc cua trên đường Đình Phong Phú, xe buýt của Tuấn suýt tông vào đuôi xe 4 chỗ nên phải thắng gấp, hành khách bổ nhào trên xe. Sau sự cố, Tuấn mở cửa xe chửi thề khiến hành khách trên xe vô cùng bức xúc. Xe chạy được 100m, rất nhiều hành khách bực dọc bỏ xuống xe. Lúc này, tiếp viên nam nhìn Tuấn cười: “Khách bỏ xuống hết luôn rồi kìa”. Cả hai nhìn nhau cười khoái chí. Khi chiếc xe tấp vào trả khách ở trạm dừng khu du lịch Suối Tiên, Tuấn cho xe đậu sau một chiếc xe buýt khác. Nhưng khi cho xe ra, thấy vô-lăng bị hư, đánh lái rất cứng, tài xế “nhí” này chửi tục rồi tiếp tục cho xe chạy chứ không dừng lại sửa chữa.
12g ngày 15/11, chúng tôi lên xe buýt biển số 51B-06432 do tài xế tên Hưng điều khiển, chạy từ Đại học Quốc gia TP.HCM về hướng Q.9. Trên xe, Biên vô tình tiết lộ: Tuấn, Hưng, Biên là bạn của nhau. Lúc này, Hưng không đeo bảng tên và tên ghi ở bảng trên xe là một người khác. Ngày 16/11, chúng tôi lên xe buýt biển số 51B-06409 để di chuyển về Q.2. Bảng hiệu trên xe ghi rõ, tài xế lái xe là Tr. Đức Tiền, nhưng người đang trực tiếp lái xe là một thanh niên tên Nhân, khoảng 21 tuổi. Trong lúc Nhân vừa lái xe, vừa nghe điện thoại thì ở phía cửa trước phát ra một tiếng nổ lớn khiến hành khách trên xe một phen hú vía. Sau tiếng nổ, cửa xe phía trước bị hư, không mở được.
Ngoài những tài xế nói trên, chúng tôi còn được các sinh viên của Trường cao đẳng Công Thương TP.HCM - những người thường xuyên đi tuyến xe buýt số 99 - “chỉ điểm” hàng loạt người “khi thì làm tiếp viên, khi thì làm tài xế”. Những người này không mang thẻ lái xe, không mặc đồng phục theo quy định.
Nhiều năm qua, TP.HCM đầu tư và phát triển xe buýt với mục tiêu hạn chế lượng xe máy lưu thông trên đường phố, nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông. Bên cạnh đầu tư để mua sắm xe, ngành giao thông vận tải TP.HCM cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, đồng thời không ngừng nâng chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng này, trong đó có việc chuẩn hóa đội ngũ tài xế, tiếp viên. Nhưng vì sao hàng loạt tài xế “nhí” vẫn ngang nhiên ôm vô-lăng “bay lượn”’ trên đường bất chấp nguy hiểm tính mạng của người dân? Câu hỏi này sẽ được chúng tôi làm rõ trong các kỳ tiếp theo.
Những cái chết thương tâm dưới bánh xe buýt
* Ngày 13/11/2018, chị B.V. (quê Bình Định) điều khiển xe máy biển số 59V1-944.09 chạy trên Quốc lộ 22 theo hướng TP.HCM đi Tây Ninh; khi qua cầu An Hạ được một đoạn thì va chạm với xe máy chạy cùng chiều, ngã ra đường, bị xe buýt biển số 51B-543.23 cán chết.
* Ngày 9/4/2018, một cô gái hơn 20 tuổi chạy xe máy trên đường Phạm Hùng hướng từ Q.5 đi đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7), khi đang lên dốc cầu Chánh Hưng thì bị xe buýt số 59 mang biển kiểm soát 51B-25242 tông trúng, ngã xuống đường, bị bánh xe chèn qua người, tử vong.
* Ngày 21/3/2018, xe buýt số 8 (lộ trình Bến xe Q.8 - Đại học Quốc gia TP.HCM) đang lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng đoạn qua khu Cá Sấu Hoa Cà thì tông vào một thanh niên chừng 20 tuổi đang chạy xe máy từ đường số 25 băng ra đường Phạm Văn Đồng làm thanh niên này bị thương nặng.
* Ngày 17/10/2017, nữ sinh khoảng 20 tuổi (chưa rõ danh tính) điều khiển xe máy hiệu Honda Air Blade mang biển số TP.HCM chở theo bạn là chị Q. (sinh năm 1996, ngụ tỉnh Đồng Nai) lưu thông trên Quốc lộ 1, khi vừa qua khỏi cổng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM thì bị xe buýt số hiệu 19 mang biển kiểm soát 53N-3409 tông trúng khiến chị Q. tử vong.
* Ngày 6/4/2017, một phụ nữ đang chạy xe máy trên đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn gần ngã sáu Phù Đổng (P.Bến Thành, Q.1) thì va quệt xe, ngã xuống đường, bị xe buýt số 38 từ hướng ngược lại lao tới cán chết tại chỗ.
* Ngày 1/3/2017, một người đàn ông trung niên điều khiển xe máy trên đường Hồng Bàng (Q.5) va quệt với một xe lưu thông cùng chiều, ngã xuống đường, bị xe buýt số 6 lao tới cán chết.
|
(Còn nữa)
Sơn Vinh - Quang Thư