edf40wrjww2tblPage:Content
Một hiện tượng khó lý giải
Trong một nghiên cứu năm 2011 của tiến sĩ Ruchi Gupta, Bệnh viện nhi Children’s Memorial Hospital, với trẻ em của 4.000 gia đình Mỹ được khảo sát, có đến 8% bị mắc một chứng dị ứng. Trong số 8% đó, 37% mắc chứng dị ứng có thể gây tử vong, 30% dị ứng với nhiều nhóm thực phẩm. Những thực phẩm thường gây dị ứng cho trẻ là đậu phộng, sữa và các loại sò, ốc. Hen suyễn chiếm đến 11% số trẻ em.
Một cuộc khảo sát khác từ Viện nghiên cứu khoa nhi JAMA Pediatrics lại cho thấy hiện tượng trên đặc biệt chỉ xảy ra ở Mỹ - một quốc gia có môi trường sống hiện đại. Ngược lại, các trẻ sinh ra và lớn lên ở ngoài nước Mỹ có tỷ lệ bị các chứng dị ứng thấp hơn rất nhiều. Thậm chí, trẻ của các gia đình nhập cư, đã sống tại Mỹ hơn 10 năm, cũng có tỷ lệ bị dị ứng cao gấp ba lần so với các gia đình chỉ mới sống tại đây hai năm.
Những nghiên cứu này đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao ở Mỹ, trẻ em hầu hết được hưởng lợi thế từ phong cách sống hiện đại, vệ sinh tốt, chế độ ăn uống đầy đủ... lại mắc nhiều bệnh sinh lý hơn trẻ ở các nước khác? Một câu trả lời đã và đang được cộng đồng khoa học ủng hộ ngày càng nhiều là “Giả thuyết vệ sinh”.
Các giả thuyết
“Giả thuyết vệ sinh” có tên gọi tiếng Anh là “Hygiene hypothesis”, cho rằng việc cho trẻ ở các năm đầu đời tiếp xúc với các yếu tố lây nhiễm hoặc môi trường dơ bẩn sẽ có thể tăng cường khả năng đề kháng với các chứng dị ứng. Giả thuyết này lần đầu tiên được đặt ra bởi tiến sĩ David Strachan từ năm 1989. Tiến sĩ Strachan cho thấy các chứng dị ứng, sốt, chốc lở... hiếm khi tồn tại trong các gia đình đông người, với lý do là trẻ của các gia đình này được tiếp xúc với vi trùng từ các anh chị em của chúng. Các nhà nghiên cứu dịch tễ học đã đi theo hướng nghiên cứu này và nhận thấy, trẻ lớn lên ở các nông trại cũng có tỷ lệ nhiễm bệnh ít hơn.
Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã tìm cách đào sâu chủ đề này. Năm 2003, nghiên cứu của tiến sĩ Graham Rook đặt ra giả thuyết “Bạn cũ”, cho rằng đã có một mối quan hệ tiến hóa song song của con người, từ thời săn bắn hái lượm, và các vi trùng, vi rút, ký sinh trùng sống trên da người, trong nội tạng và trên các động vật nuôi. Rook lý luận rằng, hệ miễn dịch của con người cần phải tiếp xúc với các loại vi sinh vật này để phát triển và vận hành một cách hoàn hảo.
Đến năm 2006, một nghiên cứu của Trung tâm Khoa học di truyền, thuộc Đại học Y Washington - Mỹ, đưa ra một giả thuyết mới là “Sự đa dạng của vi sinh vật”. Giả thuyết này chỉ sự đa dạng của các loài vi sinh vật nằm trong niêm mạc ruột của người là yếu tố then chốt để củng cố hệ miễn dịch. Điều này có nghĩa là trong quá trình thai nghén và tuổi thơ ấu, trẻ phải thu thập một “kho dữ liệu” các yếu tố gây hại từ môi trường bên ngoài để hệ miễn dịch biết cách phản ứng.
Để trẻ “chơi dơ”
Những nghiên cứu trên chứng tỏ sự hữu ích của việc để trẻ tiếp xúc với các vi trùng, vi khuẩn và thậm chí cả các loài ký sinh trùng. Để trẻ có thể tiếp cận được với các vi sinh vật có lợi, bố mẹ có thể thay đổi một số điều như sau:
Giảm thiểu các biện pháp diệt khuẩn, bao gồm việc tiệt trùng bình sữa, núm vú... quá nhiều lần, giảm việc sử dụng xà bông diệt khuẩn liên tục, đặc biệt là tránh lạm dụng các loại thuốc kháng sinh.
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời như chơi thể thao, đi dạo trong công viên với bạn bè cùng lứa... Hãy để trẻ khám phá thế giới quanh mình bằng cách chạm, nếm, cắn... Cho trẻ tiếp xúc với các loài vật, có thể là vật nuôi như chó, mèo...
BẢO BÌNH
Mặc dù không nhắc đến trong các nghiên cứu, nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra thói quen ăn uống của người phương Tây cũng góp phần khiến hệ miễn dịch của trẻ kém phát triển. Ẩm thực Việt Nam đã có sẵn các loại gia vị phương Đông như gừng, chè xanh vốn có tính kháng viêm, nên bố mẹ chỉ cần áp dụng chúng vào bữa ăn của bé. Ngoài ra, bé cần giảm các loại thực phẩm là thức ăn nhanh, đồ ăn vặt có thành phần hóa học,... Mặt khác, bố mẹ nên hiểu rằng các loại vi sinh vật này phải là những thứ mà trẻ có thể chịu được một cách tự nhiên. Sau khi cho trẻ tham gia các hoạt động tiếp xúc với vi sinh vật có lợi, bố mẹ nên cho trẻ tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo và giữ vệ sinh tương đối. Dĩ nhiên, các tác nhân gây nên các chứng bệnh nguy hiểm như sởi, sốt xuất huyết, nhiễm tụ cầu khuẩn... vẫn phải cần tránh xa và có biện pháp phòng chữa thích hợp. Hãy để trẻ chơi và sống một cách tự nhiên, đừng gò ép các bé vào những “lồng ấp vô trùng” khép kín và gò bó. |