'Làm thêm trên điện thoại, thu nhập 5 triệu đồng/tháng' chỉ là trò lừa

20/08/2018 - 06:35

PNO - Mùa nhập học sắp đến, trên mạng xuất hiện nhan nhản quảng cáo về công việc làm thêm tại nhà trên điện thoại với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Đây thực chất là một chiêu lừa nhắm vào những sinh viên nhẹ dạ, cả tin.

Những mẩu quảng cáo hấp dẫn

Tối 18/8, trên trang Facebook của một trường cao đẳng có trụ sở tại Q.5, TP.HCM xuất hiện mẩu quảng cáo với nội dung: “Làm thêm tại nhà trên điện thoại, thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ai có nhu cầu vui lòng liên hệ số điện thoại 0127 xxxx 956”. Thông tin trên nhanh chóng thu hút gần 300 bình luận đăng ký làm việc. 

'Lam them tren dien thoai, thu nhap 5 trieu dong/thang' chi la tro lua
Một mẩu tin rao tuyển người nhập dữ liệu trên điện thoại lương từ 6 - 10 triệu đồng/tháng

Chúng tôi liên hệ, chủ tài khoản liền gửi một clip “hướng dẫn nhập dữ liệu trên điện thoại” để tham khảo. Hôm sau, người này còn gửi cho chúng tôi địa chỉ trang web có hướng dẫn cách liên hệ với công ty để nhận việc. Theo hướng dẫn, người xin việc có thể liên hệ qua Facebook, Gmail, nhắn tin điện thoại để đăng ký, sau đó phải chuyển 400.000 đồng tiền “bản quyền phần mềm” cho công ty để công ty chuyển link tải phần mềm.

Khi có phần mềm này, người xin việc có thể nhập dữ liệu qua điện thoại; hằng tháng, công ty sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Khi chúng tôi đề nghị đến công ty đóng tiền trực tiếp thì nhà tuyển dụng cho biết, đang đi công tác ở Hà Nội, hai tuần nữa mới về TP.HCM.

Trên các trang Facebook như Làm thêm sinh viên, Cộng đồng sinh viên, hay trang/nhóm của các trường đại học, cao đẳng, khoảng 10 ngày gần đây, xuất hiện nhan nhản các mẩu quảng cáo “nhập dữ liệu” tương tự. Thông thường, các nhà tuyển dụng ra hai yêu cầu là: gõ văn bản và nhập mã bảo mật; nếu gõ văn bản thì không phải đóng tiền phần mềm nhưng sinh viên phải có laptop và mức thu nhập chỉ 400 đồng/trang A4 văn bản bao gồm chữ, hình ảnh và công thức.

Còn nếu chọn nhập mã bảo mật, sinh viên chỉ cần có điện thoại thông minh, đóng tiền bản quyền phần mềm cho công ty và có thể làm việc tại nhà mỗi ngày 1 - 2 giờ tùy theo thời gian nhàn rỗi. Hầu hết sinh viên chọn công việc nhập mã bảo mật.

Trang web kiemtienxxx.com rao tuyển dụng người gõ mã bảo mật, mỗi ngày chỉ cần gõ 1 giờ, vẫn được hơn 2 triệu đồng/tháng. Người làm công sẽ được thanh toán bằng thẻ cào điện thoại hoặc thẻ game sau một tháng làm việc. Làm càng lâu, tăng level, sẽ nhận thêm tiền thưởng. 

'Lam them tren dien thoai, thu nhap 5 trieu dong/thang' chi la tro lua
Một hợp đồng nhập mã bảo mật theo kiểu bóc lột do bạn đọc cung cấp

Làm 2 tháng, “lương” 60.000 đồng 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhập mã bảo mật còn được gọi là nhập mã captcha - hình thức phổ biến để xác minh bên truy cập vào trang web là người hay máy tính; mã bảo mật phổ biến thường là chữ cái, hình ảnh, chữ số. Sau nhiều lần nhập, mã bảo mật sẽ tăng độ khó và có nhiều mã, người nhập sẽ không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Các nhà tuyển dụng yêu cầu nhập 1.000 mã, sẽ được trả 15.000 đồng. Như vậy, các mẩu quảng cáo nói rằng, mỗi ngày làm 1 - 2 giờ, thu nhập 5 triệu đồng/tháng là điều không thể, bởi muốn có 5 triệu đồng, phải nhập trên 300.000 mã.

Thạc sĩ Phan Long Vinh (Công ty cổ phần Công nghệ Đ.H.) cho biết: “Nhiều công ty ở nước ngoài thuê nhập mã bảo mật với mức tính là 8 - 10 USD/1.000 mã. Các công ty tại Việt Nam thuê sinh viên với giá rẻ mạt như vậy thực chất là bóc lột rồi. Với mức tính như trên, chuyên gia về công nghệ thông tin giỏi cũng không kiếm nổi 2 triệu đồng/tháng chứ đừng nói là nghiệp dư. Theo tôi, các bạn trẻ phải cẩn trọng với loại hình này”.

Phản ánh với Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhiều sinh viên cho biết, ngoài bóc lột sức lao động, đơn vị rao tuyển còn chiếm đoạt tiền “bản quyền phần mềm” của họ. Anh N.H.H. (ngụ tại Q.7, TP.HCM) cho biết, đọc thấy mẩu quảng cáo “công việc làm thêm, lương 5 - 5,5 triệu đồng/tháng, ưu tiên sinh viên”, anh liền đăng ký. Anh H. được hướng dẫn đến một căn nhà ở đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM nộp hồ sơ và phỏng vấn. Tại đây, nhân viên công ty yêu cầu người ứng tuyển ký hợp đồng và đóng 360.000 đồng phí hỗ trợ và duy trì phần mềm làm việc cho công ty.

Trong hợp đồng có quy định là trong 1 năm, nếu cộng tác viên làm việc đạt số tiền gấp 10 lần số tiền đóng ban đầu, sẽ được công ty hoàn trả lại tiền. Những trường hợp chấm dứt hợp đồng không đúng quy định sẽ không được bồi hoàn số tiền đã đóng. Sau khi đóng tiền, anh H. được biết, cộng tác viên không được trả lương mà chỉ hưởng theo sản phẩm, tức là nhập được 1.000 mã đúng, sẽ được trả từ 15.000 - 17.000 đồng.

Ngoài ra, hợp đồng còn nêu định mức mỗi cộng tác viên phải nhập được 8.000 mã đúng/tuần mới đảm bảo chỉ tiêu. Thù lao công việc cũng chỉ được thanh toán khi tổng số mã nhập đúng quy ra tiền trên 300.000 đồng (tương ứng với 20.000 mã). Với cách tính như trên, sau hai ngày, anh H. phải bỏ cuộc.

L.V.T. - sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM - đóng 400.000 đồng cho một nhà tuyển dụng trên mạng để nhận được phần mềm nhập mã trên điện thoại. Đóng tiền xong, T. mới biết mình không được nhận lương 5 triệu đồng/tháng như quảng cáo mà hưởng theo sản phẩm. Cặm cụi làm cả tuần, T. cũng chỉ nhập được 400 mã đúng, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu (mỗi tuần phải nhập được trên 5.000 mã).

Sau hơn hai tháng làm việc, T. chỉ nhập được gần 4.000 mã đúng, tương đương 60.000 đồng. “Mất 400.000 đồng tiền đóng ban đầu em không tiếc mà tiếc công làm quần quật hai tháng. Nếu hai tháng đó đi phụ quán cà phê, em cũng kiếm được hơn 3 triệu đồng. Nhà tuyển dụng họ nắm bắt tâm lý sinh viên cần tiền nên thoải mái lừa” - T. chia sẻ. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI