TP.HCM đang lãng phí tiền tỷ như thế nào?

26/06/2015 - 10:42

PNO - PN - Triển khai từ năm 2005 nhưng đến nay Sở GTVT chỉ đấu thầu được 6/107 tuyến xe buýt có trợ giá và hiện việc đấu thầu phải chựng lại để Sở này xây dựng phương án mới. Như vậy, kế hoạch đấu thầu tất cả các tuyến xe...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hiệu quả thấp, doanh nghiệp chê

Sáng 25/6, tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM về tình hình trợ giá xe buýt sáu tháng đầu năm 2015, nhiều đại biểu tiếp tục đặt vấn đề này và cho rằng công tác đấu thầu triển khai quá chậm.

TP.HCM dang lang phi tien ty nhu the nao?

Vì công tác đấu thầu trợ giá xe buýt triển khai chậm, TP.HCM đang lãng phí hàng tỷ đồng

Nhiều đại biểu nhắc lại, việc đấu thầu trợ giá cho xe buýt là mong muốn của người dân cũng như chính quyền TP nhằm giảm ngân sách trợ giá và giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao chất lượng phục vụ, có sáng kiến kinh doanh phù hợp để thu hút khách lên xe mà không ỷ lại, trông chờ vào trợ giá.

Thế nhưng, thống kê của Sở GTVT cho thấy, trong 10 năm kêu gọi mời thầu chỉ có 6/12 tuyến xe buýt trúng thầu, gồm các tuyến số 7, 54, 126, 36, 87 và 44, các tuyến còn lại dù Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng mời thầu đến lần 2, lần 3 vẫn ế ẩm.

Không chỉ ế, mà theo ông Lê Hoàng Minh - Phó giám đốc Sở GTVT, hiệu quả đấu thầu cũng không cao, không giúp giảm trợ giá được bao nhiêu, do giá gói thầu phải liên tục điều chỉnh khi giá nhiên liệu và nhân công tăng.

Ví dụ, tuyến số 87 (bến xe An Nhơn Tây - Củ Chi) do HTX 19/5 trúng thầu năm 2009 với giá ban đầu 8,8 tỷ đồng. Qua nhiều lần điều chỉnh khi giá nhiên liệu và lương tối thiểu tăng, đến năm 2012, khi kết thúc gói thầu, gói trợ giá tăng lên 17,5 tỷ đồng, nhưng lượng khách đi lại của tuyến này chỉ tăng 1%/năm trong khi dự kiến là 5%/năm.

Tương tự còn có tuyến số 7, kể từ khi bắt đầu đến kết thúc hợp đồng đã điều chỉnh lộ trình 20 lần, điều chỉnh nhiên liệu 21 lần và ba lần điều chỉnh lương, chín lần điều chỉnh giá hợp đồng khiến giá trị gói thầu khi kết thúc tăng thêm 10,53 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân này, ông Minh cho rằng: “Vì thời gian cho gói thầu ngắn, chỉ ba năm, nên không thu hút nhà đầu tư tham gia, họ không thể thu hồi vốn nếu sau ba năm không trúng thầu tiếp. Ngoài ra, việc yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng đủ số lượng xe cũng là trở ngại".

Riêng về hiệu quả, ông Minh thừa nhận, trong sáu tuyến trúng thầu, chỉ có ba tuyến số 7, 36, 54 có sản lượng thực tế tăng so với sản lượng mời thầu; các tuyến 44, 87, 126 đều không đạt được mức doanh thu dự kiến.

Bằng mọi giá phải đấu thầu

“Lượng hành khách đi xe buýt sáu tháng đầu năm 2015 tiếp tục giảm 6,1% so với cùng kỳ cho thấy chất lượng xe buýt có vấn đề, nếu không đưa ra giải pháp hợp lý trong đấu thầu thì sắp tới lượng khách đi xe buýt sẽ tiếp tục giảm”, đại biểu Phạm Văn Đông - trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM nói.

Theo ông Đông, cần thiết phải đấu thầu xe buýt vì giúp giảm trợ giá ngân sách đáng kể, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, nhưng để giải bài toán này, Sở GTVT phải tính toán kỹ.

Theo ông Lê Trung Tính - nguyên trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT, công tác đấu thầu có phần chậm là do những năm trước đây có sự “ngầm phân công thị trường” trong các DN đang chiếm hữu tuyến, đặc biệt là những đơn vị chiếm thị phần lớn, phải loại bỏ tư duy này mới tạo sức bật cho việc đấu thầu.

Một trong những nguyên nhân khiến các DN không mặn mà đấu thầu là do thị trường xe buýt đã bão hòa, ì ạch nhiều năm, các DN gặp nhiều khó khăn như bị truy thu tiền lương chênh lệch tối thiểu, bị nợ tiền vé… “Nếu các DN bỏ thầu cao hơn đơn vị đang khai thác thì chẳng khác nào tự đưa mình vào tròng, Sở GTVT cần thay đổi tư duy và phương thức đầu thầu thì mới mong DN tham gia”, đại diện HTX Quyết Thắng chia sẻ.

Xây dựng phương thức đấu thầu mới trên những tuyến mới là cách Sở GTVT đang làm để trình UBND TP trong tháng Tám này, cụ thể theo ông Minh, thời gian tham gia gói thầu sẽ kéo dài lên 5 năm và nhà đầu tư không cần đáp ứng đủ số xe, phương thức trợ giá sẽ tính toán làm sao có lợi cho hành khách. Một số dịch vụ mới góp phần kéo khách lên xe buýt cũng sẽ triển khai trong năm 2015 như: lắp camera, gắn wifi, triển khai thẻ thông minh, phần mềm hướng dẫn đi xe buýt…

THU HỒNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI