Thi đánh giá năng lực: Hay nhưng vẫn e dè

05/12/2018 - 11:22

PNO - Thi đánh giá năng lực đang thành xu hướng để chọn người học. Phương thức tuyển sinh này quen thuộc tại các nền giáo dục phát triển nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Dù rất thích nhưng nhiều trường còn e dè, chỉ dám thử nghiệm.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng Trường đại học  (ĐH) Kinh tế TP.HCM, nhiều khả năng từ năm 2020 trường sẽ thực hiện tuyển sinh bằng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp UEH - GAT (UEH - General Ability Test). Việc tuyển sinh này sẽ dựa vào hai tiêu chí: kết quả bài thi UEH - GAT và điểm GPA (trung bình ba năm THPT), dự kiến tỷ lệ điểm ở mỗi tiêu chí được tính là 50%.

Trong buổi họp đánh giá công tác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực 2018, lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định, kỳ thi đánh giá năng lực nằm trong lộ trình cải tiến phương án tuyển sinh bậc ĐH. Sẽ có lộ trình dần dần đưa kỳ thi đánh giá năng lực thành phương thức tuyển sinh chính thức và cơ bản nhất vào các trường thành viên, chiếm tỷ trọng chỉ tiêu cao nhất.

Thi danh gia nang luc: Hay nhung van e de
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực 2018 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức

Có thể nói, bài thi đánh giá năng lực (kiểm tra kiến thức chuyên môn, kiến thức tổng hợp, kỹ năng diễn đạt, tư duy…) đang trở thành xu hướng mà các trường tin cậy để chọn người học. Phương thức tuyển sinh này quá quen thuộc tại các nền giáo dục phát triển nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Dù rất thích nhưng nhiều trường vẫn còn e dè, chỉ dám làm thử nghiệm. Ngoài các trường trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM thì chỉ có vài trường ĐH thử phương thức này với chỉ tiêu khá hạn chế, thường là khoảng 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Lý giải cho sự tính toán này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nói: “Mở rộng phương án tuyển sinh là tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh và cũng mở rộng khả năng tuyển sinh, lựa chọn người học phù hợp cho trường. Qua đợt thi năng lực năm đầu tiên, chúng tôi đánh giá đề khảo thí này khá hay, giúp các trường đánh giá toàn diện hơn về người học của mình. Sau hai năm thử nghiệm với việc xét tuyển bằng học bạ đã bộc lộ nhược điểm. Vì vậy, chúng tôi bắt buộc phải xét cả quá trình học phổ thông để có kết quả chuẩn xác hơn”.

Ai cũng nhận thấy hạn chế của sinh viên xét tuyển từ học bạ phổ thông nhưng dám bỏ phương thức này không? Nhiều trường cho biết là không, bởi nó liên quan đến “nồi cơm” của cả trường, không ai dám mạo hiểm, lỡ những phương thức kia không tuyển đủ người thì không xong. Vì vậy, phương án xét học bạ vẫn tồn tại để đảm bảo an toàn.

Tương tự, đánh giá năng lực cho ra kết quả khá tốt nhưng không có quá nhiều thí sinh chọn con đường khó đi này để vào ĐH vì vào ĐH có những con đường dễ đi hơn mà chỉ tiêu lại nhiều. Giáo dục phổ thông của ta nặng truyền thụ kiến thức hơn rèn luyện khả năng tư duy, phản biện, thực hành xã hội… nên học sinh thấy thi đánh giá năng lực rất khó, không tự tin. Bằng chứng là ở đợt thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vừa rồi không đông thí sinh.

 Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI