Cảnh báo nhập viện cấp cứu do nắng nóng gia tăng

20/02/2019 - 10:00

PNO - Thời tiết tại TP.HCM đang trở nên oi bức và dự kiến nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến lượng bệnh nhân tăng cao.

Hiện nay, thời tiết tại TP.HCM đang trở nên oi bức và dự kiến nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới. Các bác sĩ cảnh báo người lao động làm việc ngoài trời, người già và trẻ em là những đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nắng nóng cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến lượng bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu và Khoa Khám bệnh trong những ngày này tăng từ 10-15%. Trong đó, nổi bật là nhóm người cao tuổi, bị các bệnh lý liên quan tới huyết áp, tim mạch, đột quỵ.

Canh bao nhap vien cap cuu do nang nong gia tang
Nắng nóng khiến người đi đường phải mặc áo khoác, bao tay và bịt kín vùng mặt, mắt để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng

Tương tự, bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - nhận định, thời tiết nắng nóng là một trong những yếu tố làm trẻ em dễ mắc các bệnh viêm phổi và tiêu hóa. Trời oi bức là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, sức đề kháng của trẻ còn non nớt nên dễ nhiễm bệnh hơn bình thường.

Không chỉ thế, khi nắng nóng trẻ sẽ uống nước nhiều hơn, nước uống trong môi trường nắng nóng bảo quản không tốt, nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập, từ đó các bé có thể bị tiêu chảy. Cụ thể ngày 19/2, tại Khoa Nội 1 của bệnh viện này, số bệnh nhi nhập viện do tiêu chảy và viêm phổi chiếm khoảng 30% tổng số ca bệnh. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu - cũng cho biết, ba ngày nay, lượng trẻ bị viêm phổi và tiêu chảy được đơn vị này tiếp nhận khá nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sử - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân Dân Gia Định - lưu ý, tuy chưa xác định chính xác nguyên nhân ngất xỉu cho nắng nóng hay kiệt sức do thời tiết nhưng cũng có một số trường hợp phải truyền nước và đi cấp cứu để nâng đỡ thể trạng. Là bệnh viện thường xuyên cấp cứu các ca liên quan tới lao động, bác sĩ Sử lưu ý khi làm việc ngoài trời, mọi người cần trang bị đồ bảo hộ, che chắn nắng cẩn thận, đặc biệt phải uống đủ nước để phòng tránh sốc nhiệt.

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25°C. Trong khoảng từ 20-30°C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Trung tâm này có chức năng giúp chúng ta thích nghi với bất kỳ nhiệt độ nào, nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này. Khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ cũng kém ở trẻ nhỏ (dưới 4 tuổi), hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI