Sôi động thị trường giải khát mùa nóng

14/04/2018 - 12:20

PNO - Những ngày qua, nhiệt độ ở TP.HCM dao động từ 35-370C, gây ra hiện tượng nắng nóng khó chịu, tạo điều kiện cho nhiều dịch vụ “làm mát cấp tốc” ra đời.

“Nước mát” mọc lên như nấm

Trước cái nắng như đổ lửa tại TP.HCM nhiều ngày qua, các dịch vụ giảm nóng cũng bắt đầu vào mùa. Không khó để bắt gặp những quầy hàng lưu động, trên đó chất hàng chục nhãn hiệu nước giải khát.

Khảo sát một vòng quanh các con đường trung tâm thành phố như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Ba Tháng Hai… không khó gặp các kệ hàng nước mát, từ cam vắt, sâm lạnh, nước mía đến các tủ nước giải khát có gas mọc lên nhan nhản. Với hàng loạt các biển hiệu quảng cáo đi cùng mức giá vừa túi tiền, những quầy hàng này dễ dàng "kéo chân" khách giữa trưa nắng.

Ghé lại một xe nước mía trên đường Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, phóng viên được chủ hàng nước mía cho biết, vài tuần trở lại đây, mỗi ngày, anh bán hơn 200 ly, đỉnh điểm có những ngày bán được hơn 400 ly, doanh thu hơn 2 triệu đồng.

Soi dong thi truong giai khat mua nong
Một điểm bán nước sâm tại Q.1, TP.HCM hút khách ngày nắng nóng - Ảnh: Phùng Huy.

Không riêng hàng nước mía trên đường Vạn Kiếp, tại các tuyến đường khác, cảnh buôn bán nước mát cũng rầm rộ không kém. Trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) cả ngày nhân viên hàng nước sâm Cô Ba không ngơi tay.

So với các loại nước giải khát khác, mức giá từ 8.000 đồng/ly và 15.000 đồng/chai không phải là thấp, nhưng khách mua nước sâm luôn đứng chật kín trước cửa tiệm - ngay góc giao giữa đường Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng - từ sáng sớm.

Giá dừa ở chợ đầu mối dao động ở mức từ 9.000-12.000 đồng/trái đối với dừa xiêm, dừa dâu và dừa lớn (nhiều nước) ở mức 12.000-15.000 đồng/trái nhưng vẫn khan hàng. 

Chợ mạng sốt với đồ ăn vặt giải khát

Những ngày này, chợ mạng cũng bắt đầu lên cơn sốt nước ép khô từ Hàn Quốc, Đà Lạt. Theo đó, các loại trái cây, rau củ quả tươi như dứa, ớt chuông, táo, cà chua, cải cầu vồng, cam, thanh long đỏ… được sấy khô rồi cho vào túi ni-lông theo dạng gói, đi kèm bình nhựa để khách hàng pha tùy vào nhu cầu của khách.

Theo tư vấn của nhiều cửa hàng, liệu trình này không chỉ giúp thanh lọc cơ thể, giảm cân mà còn làm mát cơ thể trong ngày hè.

Các loại rau, củ, trái cây khô được rao bán dưới hình thức hoàn toàn tự nhiên, nguồn gốc hữu cơ, an toàn nhập từ Hàn Quốc, số khác xuất xứ Đà Lạt, có giá từ 250.000-350.000 đồng/set (dùng trong 30 ngày). Các chủ cửa hàng online cho biết, đây là mặt hàng khá mới nhưng lại được nhiều chị em ưa chuộng vì thanh mát, tốt cho sức khỏe.

Rảo một vòng quanh các diễn đàn đồ ăn vặt mùa hè, không khó bắt gặp những món ăn vặt giải nhiệt được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội như chè, thạch rau câu, sữa chua mít, chè khúc bạch... Những món ăn này được quảng cáo "homemade 100%", không phải sản xuất theo kiểu công nghiệp.

Mức giá cũng khá đa dạng, từ vài chục ngàn đồng đến hơn trăm ngàn đồng tùy món. Ví dụ như chè khúc bạch từ 30.000-40.000 đồng/ly; trái cây dầm sữa chua cũng từ 30.000 đồng/ly đổ lại; sấu dầm hay nước mơ từ 15.000 đồng/ly… 

Soi dong thi truong giai khat mua nong
Một quán cà phê máy lạnh luôn đông nghịt khách “trốn nắng” tại Q.3, TP.HCM - Ảnh: Mộc Trà

Hiện tại, các hàng quán online được ưa chuộng hơn các quán bên đường. Nắm bắt tâm lý ngại ra đường dưới cái nắng oi ả của khách hàng, dịch vụ ship hàng theo từng khung giờ sẽ đáp ứng nhu cầu "ăn đến nơi, chơi đến chốn" của từng "thượng đế".

Số vốn bỏ ra trên "chợ mạng" được đánh giá là rất nhỏ vì không tốn chi phí mặt bằng, nhân công… nhưng lợi nhuận lại khổng lồ. Đó cũng là lý do nhiều bạn trẻ tranh thủ kiếm thêm bằng cách tung ra các mặt hàng đồ ăn thức uống trong mùa nóng.

Hồng Ngọc (sinh viên năm 4, Trường đại học Khoa học Tự Nhiên) cho biết, hiện tại trang Facebook cá nhân của cô đã trở thành một "cửa hàng tạp hóa" với đủ các món ăn vặt ngày hè. Được ưa chuộng nhất là món sữa chua mít đá bào, với mức giá từ 10.000-20.000 đồng/ly.

Theo tìm hiểu, không chỉ nước bí đao, các loại cao để nấu nước sâm, nước mát cũng được bày bán nhan nhản ở chợ hóa chất Kim Biên.

Việc nạp vào cơ thể một loạt các thức uống được pha từ hóa chất sẽ mang đến cho người tiêu dùng vô số nguy cơ về sức khỏe.

“Mỗi ngày tính sơ mình bán ra tầm 20-30 ly, riêng món sữa chua mít. Vì chịu khó giao hàng quanh khu vực trường học và ký túc xá nên mình được nhiều bạn đặt hàng. Thu nhập đủ để mình đóng học phí năm học cuối và dành một ít vốn cho cửa hàng nhỏ trong tương lai”, Ngọc chia sẻ.

Chất lượng, ai quan tâm?

Việc mua nước mát lề đường với những lời quảng cáo như “sâm nhà nấu”, “nước mát tự làm” khiến nhiều người không mảy may nghi ngờ về chất lượng các loại đồ uống đang nạp vào cơ thể. 

Thời điểm nắng nóng kéo dài cũng là lúc nhiều vấn đề sức khỏe có thể nảy sinh. Một trong số những nguyên nhân đó chính là việc sử dụng đồ uống không rõ nguồn gốc, được pha chế không an toàn do nhiều người kinh doanh đổ xô đi tìm những nguồn cung rẻ mà bỏ qua chất lượng, sự an toàn để thu lợi nhuận triệt để. 

Trà bí đao được xem là một trong những thức uống được ưa chuộng vào những ngày nắng nóng. Tại TP.HCM, rất nhiều hệ thống kinh doanh trà bí đao kết hợp với các loại hạt chia, sương sáo… mọc lên nhan nhản, nằm ở những vị trí đắc địa như trạm đèn đỏ, ngã ba, ngã tư hay những con đường lớn.

Theo khảo sát, mức giá của mỗi ly nước bí đao thường ở mức 10.000 đồng/ly, có kèm những loại hạt dinh dưỡng.

Vào vai tìm mua nguồn hàng bí đao, phóng viên liên hệ với một "đầu nậu" chuyên cung cấp sỉ các loại cao bí đao khô có tên M.K. (ngụ Q.10, TP.HCM). Người này cho biết, việc sử dụng trái bí đao nấu nước thường không đem lại lợi nhuận cao nên nhiều người bán dùng một loại bí đao khô có hương liệu để thay thế. 

“Nhiều cửa hàng bí đao giờ là đầu mối lấy hàng bên tôi. Chỉ cần nấu nước sôi và thả cục bí đao vào là xong. Mỗi cục 1kg có giá 64.000 đồng. Tỷ lệ pha chế thì nửa kg nấu được 20 ly nước (tầm 4 lít). Mua sỉ thì 1kg bí đao cô đặc giá 60.000 đồng. Tính ra 1kg bí đao khô lời đến 300.000 đồng”, chị này khẳng định.

Ngoài ra, chủ quán cũng tiết lộ, hầu hết các cửa hàng bán trà bí đao hiện nay tại Sài Gòn với giá 10.000 đồng/ly đều sử dụng phương thức kinh doanh này vì sẽ lỗ to nếu nấu bằng bí đao thật. 

“Mỗi quả bí đao 5kg thì chỉ nấu được tối đa một nồi nước. Mà hương vị thì sao đậm đà bằng loại cao khô. Chưa kể lại tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn”, chủ quán nói thêm. Theo chị này, việc kinh doanh bằng cao bí đao đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho người bán nhưng với người mua thì không có hại gì (?). 

Theo tìm hiểu, không chỉ nước bí đao, các loại cao để nấu nước sâm, nước mát cũng được bày bán nhan nhản ở chợ hóa chất Kim Biên. Việc nạp vào cơ thể một loạt các thức uống được pha từ hóa chất sẽ mang đến cho người tiêu dùng vô số nguy cơ về sức khỏe.

Coi chừng rước bệnh vì... "nước mát'

Người tiêu dùng nên cẩn trọng lựa chọn khi sử dụng nước giải khát, từ nước sâm, nước mía đến các loại trà. Riêng đối với các loại nước sâm gắn mác "nhà làm", tự nấu, người tiêu dùng vô phương kiểm chứng nên việc sử dụng các loại nước giải khát chỉ là giải pháp tạm thời.

Thay vào đó nên lựa chọn các loại nước lọc, nước khoáng, nước tinh khiết hoặc nước ép mà người dùng có thể xem trực tiếp quy trình ép ra từ trái để được đảm bảo hơn.

Riêng về loại nước ép, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của khách mà có những sự lựa chọn khác nhau, ví dụ khách đang đói thì nên lựa chọn táo, lê… những loại quả ngọt. Khi không đói, bạn có thể lựa chọn các loại quả chua như: bưởi, cam, thơm… để bổ sung thêm vitamin C cho cơ thể.

Tuyệt đối không sử dụng trà sữa, nước ngọt có gas, hay các loại trà thảo mộc với quảng cáo “thanh nhiệt hay 100% thành phần tự nhiên” khi giải khát lúc nắng nóng, vì hàm lượng đường trong đó khá cao, đồng thời chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe.

Với thời tiết nắng nóng của Sài Gòn, tốt nhất khi ra đường, bạn nên mang theo một chai nước lọc để bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể.

Chuyên gia dinh dưỡng Trần Khoa Việt Nhi

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI