Từng là phóng viên tự do, rồi làm việc cho một công ty của Thụy Sỹ tại Việt Nam, cuộc đời chị Lê Vân rẽ ngoặt khi lấy chồng và chuyển đến sống ở Bỉ. Một người mẹ Việt sẽ giáo dục con thế nào trong môi trường sống mà chính mình còn lạ lẫm?
|
Chị Lê Vân nói rằng, chị học được rất nhiều từ con gái |
Phóng viên: Một số mẹ Việt sống ở nước ngoài nói rằng, họ kém ngôn ngữ nên rất lo lắng và bất lực trong việc dạy con. Chị có kinh nghiệm gì để chia sẻ với họ?
Chị Lê Vân: Tôi hiện sống ở Dendermonde, cách Bruxelles khoảng 30km. Tôi may mắn vì đến nay vẫn chưa có khó khăn gì trong việc phối hợp với nhà trường khi cháu đi học. Họ tổ chức tốt và hợp lý. Việc liên hệ với cô giáo và nhà trường có thể thực hiện qua nhiều kênh: điện thoại, email, Facebook… Nếu tôi có ý kiến gì, họ giải quyết cũng rất nhanh. Nói chung, do tôi không chờ mong sự hoàn hảo nên mọi việc cũng khá ổn.
Còn về việc dạy con, tôi nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng viết: “Đối với trẻ con, giáo dục là tha bổng. Hãy cố gắng nhẹ nhàng, kiên nhẫn, bao dung”. Cá nhân tôi nghĩ, giáo dục con cái thực ra là cả hai dạy nhau. Bạn nghĩ xem, ai biết được mọi thứ trước khi có con, trước khi làm bố mẹ. Thế nên khi có con, ta dạy con nhưng cũng học rất nhiều từ con. Tôi nghĩ câu “làm bạn với con” chính xác hơn nhiều.
Hãy dành nhiều thời gian chơi với con, quan sát, lắng nghe và trò chuyện với chúng. Điều đó luôn tốt cho cả mẹ và con. Sự gắn kết được tích lũy hằng ngày từ những cố gắng liên tục như vậy chứ không phải cứ sinh ra là gắn kết vĩnh viễn, chả phải làm gì nữa. Ở bên này, tôi chứng kiến nhiều gia đình có những xung đột tới mức con cái không nhận bố mẹ nữa.
Trong việc nuôi dạy, chăm sóc con, nóng nảy, áp đặt và trừng phạt luôn thất sách. Nó có thể có tác dụng ở vài thời điểm, nhưng sau đó là biết bao rủi ro.
|
Bố và con gái |
Nói thực, từ khi có con, tôi học được rất nhiều thứ mà một trong những cái rất đáng giá có lẽ là sự kiên nhẫn và tính cân bằng. Tôi rất biết ơn con gái đã dạy cho tôi điều đó.
* Chồng chị có cùng chị giáo dục con? Anh chị có khi nào bất đồng không và cách xử lý của mỗi bên thế nào?
- Khi là một gia đình, điều đó là tất nhiên. Cả hai đều phải tham gia vào việc chăm sóc và quan tâm đến sự trưởng thành của con. Bất đồng ý kiến cũng có chứ, nhưng tùy từng vấn đề mà giải quyết. Có thể ngồi lại, cùng nhau phân tích xem cái nào hợp lý và nhất là tránh nóng nảy, cảm tính.
Đôi khi cũng cần biết giữ im lặng nữa. Không nhất thiết cái gì cũng phải nói. Cả khi bạn đúng 100%, nếu nói không đúng lúc hoặc nói với giọng “chói chang” thì cũng phản tác dụng. Hãy tận dụng giá trị của im lặng khi cần thiết. Trong cuộc sống, không phải cái gì rạch ròi quá cũng hay. Đôi khi cần phải “để tự nhiên điều chỉnh”.
* Con chị có hay trò chuyện với chị về những điều xảy ra tại lớp?
- Cháu đang học lớp Hai, Trường tiểu học T’Vlasbloemtje. Chuyện ở trường, ở lớp thì ta phải hỏi chứ trẻ con không phải lúc nào cũng tự động kể. Bố mẹ nên chủ động hỏi và gợi mở. Trẻ con cũng có những vấn đề như: con không thích món xúp ở trường, bạn A hôm qua tặng con tuýp kem dưỡng môi, bạn B hôm nọ lấy đồ chơi trong cặp mà không hỏi con… Những câu chuyện hay những câu hỏi của con bắt mình phải suy nghĩ và tìm giải pháp. Chúng ta học cùng con ở những việc đó luôn.
Tôi thấy rằng, nhiều việc không nên trầm trọng hóa. Đa số chỉ là những vô tình lặt vặt nào đó kiểu trẻ con thôi. Khi ta đưa ra các giả định như: có thể món đồ đó rơi ra từ cặp con, bạn nhìn thấy mà con chưa nhìn thấy; là ta đã hướng con tập thói quen suy nghĩ tích cực; tránh xét đoán vội vàng, cảm tính; tránh các suy diễn hay trầm trọng hóa các vấn đề không đáng.
* Một số trường học hiện nay thực hiện chương trình “Smart school” - cấp cho phụ huynh một mã để vào trang web của trường, trao đổi trực tiếp với nhà trường những vấn đề học tập và giáo dục con thay vì gửi thư báo qua bưu điện. Chị tiếp nhận cách mới đó ra sao?
- Tôi không có vấn đề gì với việc này. Thực ra, nó cũng không khác mấy hình thức liên lạc qua email. Trường con tôi học vẫn áp dụng song song cách gửi thông báo bằng tờ in rồi đính kèm vào sổ của cháu nên cũng tiện cho phụ huynh. Vào trang web của trường thì tiện ở chỗ nếu bố mẹ nào trong ngày bận không email, điện thoại được thì cuối ngày truy cập để trao đổi với trường những việc cần thiết.
* Xin cảm ơn chị.
Kiều Bích Hậu
(thực hiện)