Không xóa bỏ giấy khai sinh

29/10/2014 - 07:02

PNO - PN - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm đăng ký giấy khai sinh và các thủ tục đăng ký giấy khai sinh của các tổ chức, cá nhân với trẻ em bị bỏ rơi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 28/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân.

Khong xoa bo giay khai sinh

Đưa trẻ từ chùa Bồ Đề (Hà Nội) về các trung tâm bảo trợ xã hội - Ảnh: Trần Kháng.

Nội dung liên quan tới việc cấp giấy khai sinh và thẻ căn cước công dân được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội quan tâm. Một số ĐB cho rằng, cần tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ trong khi các ý kiến khác đề nghị bỏ việc cấp giấy khai sinh và thay vào đó cấp thẻ căn cước công dân từ khi sinh ra như quy định tại dự án Luật Căn cước công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận sự ra đời của một con người. Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Từ trước tới nay, việc cấp giấy khai sinh đã được thực hiện thống nhất, ổn định, không có vướng mắc. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ. ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nhấn mạnh: “Với tư cách là thành viên Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam có trách nhiệm đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em, để trẻ em thực hiện đầy đủ các quyền của mình do Công ước quy định”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích: “Vẫn giữ giấy khai sinh nhưng phải nghiên cứu để nó không thành một thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Thực ra, giấy khai sinh cho trẻ dưới 14 tuổi cũng là giấy thông hành. Với trẻ dưới 14 tuổi, không ai yêu cầu giấy tờ gì khác ngoài giấy khai sinh”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm đăng ký giấy khai sinh và các thủ tục đăng ký giấy khai sinh của các tổ chức, cá nhân với trẻ em bị bỏ rơi. Việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ tại các nhà chùa đã thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta. Tuy nhiên, “nhiều nhà chùa chưa đáp ứng được yêu cầu đối với một cơ sở bảo trợ xã hội. Như trường hợp xảy ra tại chùa Bồ Đề trong thời gian qua đã khiến dư luận rất bức xúc”.

Qua rà soát, kiểm tra, các cơ quan chức năng nhận thấy tại thời điểm đó chùa Bồ Đề đang chăm 120 trẻ em nhưng có 80 trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, khiến các em khó khăn trong việc được nhận làm con nuôi, quyền có mái ấm như bao trẻ em khác.

“Khi phát hiện sự việc, UBND TP. Hà Nội, UBND Q.Long Biên đã tích cực giải quyết, nhưng câu hỏi được đặt ra là cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự việc 80 trẻ em không được thực hiện quyền cơ bản của mình? Sai phạm cụ thể như vậy nhưng rất khó chỉ ra ai là người phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường, thậm chí là bị xử phạt hành chính”, ĐB Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm.

Liên quan tới việc cấp thẻ căn cước công dân, một số ĐB vẫn băn khoăn về chi phí cấp thẻ quá lớn. ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nói: “Vừa làm thẻ căn cước vừa làm chứng minh nhân dân rất phiền hà. Tình hình kinh tế đang khó khăn mà bỏ ra tới 650 tỷ đồng chỉ để cấp thẻ căn cước cất trong tủ là không nên”.

ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nêu quan điểm: “Người dưới 14 tuổi chỉ nên cấp giấy khai sinh, không cần cấp thẻ căn cước. Nếu cần, có thể nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đủ, không nên cứ mỗi lúc lại thay đổi, điều chỉnh gây lãng phí, tốn kém tiền bạc của dân”.

PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI