Khó như bắt… 'lỗi ngoại tình'

05/01/2019 - 18:00

PNO - Theo thống kê án hôn nhân - gia đình tại TP.HCM, ly hôn vì ngoại tình chiếm tỷ lệ rất cao: 60-70%. “Thế nhưng, khi đụng đến tranh chấp tài sản, yếu tố “lỗi ngoại tình” rất hiếm khi xuất hiện.

Dù Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định “lỗi ngoại tình” là căn cứ ly hôn, là yếu tố quyết định trong phân chia tài sản chung; thực tế, việc thu thập chứng cứ có giá trị pháp lý lại không hề dễ dàng.

Đâu phải có bầu là bụng to

Kho nhu bat… 'loi ngoai tinh'
 

Trong phiên phúc thẩm xin ly hôn, chia tài sản, diễn ra tại Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM, ông Phan Thanh(*), ngụ Q.1, rất tự tin với những cam kết ông dày công thu thập. Trong bản cam kết là ý kiến của một số hàng xóm sống quanh nhà bà Hiền - vợ ông, cho thấy bà đã có con cùng người đàn ông khác, khi vẫn đang là vợ của ông Thanh.

Bà Hiền và ông Thanh kết hôn năm 2010. Sau 4 năm chung sống, họ mua được một căn nhà trị giá 14 tỷ đồng. Năm 2015, cuộc sống vợ chồng nảy sinh bất đồng, bà Hiền xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản. Trong phiên xử sơ thẩm tại TAND Q.1 tháng 10/2017, bà Hiền cho rằng, nhà được mua từ 3,5 tỷ đồng tiết kiệm riêng và tiền vay của rất nhiều người, đến nay vẫn chưa trả hết; do đó, bà yêu cầu chia tỷ lệ 8-2, theo định giá 19 tỷ đồng, sau khi thanh toán tất cả các khoản nợ. Ông Thanh lại khẳng định căn nhà là tài sản chung, do cả hai cùng dành dụm và vay thêm ngân hàng. Ông đề nghị được nhận nhà, ông sẽ thanh toán tất cả các khoản nợ, đồng thời hỗ trợ vợ 5 tỷ đồng để ổn định cuộc sống. Cấp sơ thẩm đã tuyên… theo yêu cầu bà Hiền.

Ông Thanh khổ sở: “Không nói đến bản án chưa được làm rõ các khoản “tự vay” của vợ tôi, ngay cả chuyện vợ tôi phạm “lỗi ngoại tình” cũng bị tòa bỏ qua”. Ông Thanh kể, năm 2015, mâu thuẫn trầm trọng, vợ chồng ông ly thân; bà Hiền yêu người khác và ngay trong ngày đến tòa, bà đang ở tháng thứ 5-6 của thai kỳ. Trong phiên sơ thẩm, ông Thanh cũng hỏi chuyện vợ mang thai. Bà Hiền khi thì ấp úng rằng đã sang Thái Lan thụ tinh nhân tạo, lúc cho rằng do bị té nên… bụng sưng. Luật sư của bà đã lập tức xin dừng phiên xử, sau đó trở lại bằng tuyên bố do bệnh, uống thuốc nên cơ thể của bà Hiền phù nề.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Thanh đã mất nhiều tháng để thu thập chứng cứ vợ phạm “lỗi ngoại tình”. Ông đi khắp các bệnh viện, hy vọng tìm thấy chứng cứ vợ có thể đã từng đến khám thai, song không được bệnh viện hợp tác nên chỉ có thể ghi nhận ý kiến của những người xung quanh. Nhưng trong phiên phúc thẩm vào tháng 7/2018, những chứng cứ này lại không thể trở thành căn cứ pháp lý. 

Người phạm luật “cao tay”

Theo quy định của pháp luật, khi phân chia tài sản chung dựa trên “lỗi ngoại tình”, tùy vào yêu cầu của đương sự, tỷ lệ thường là 60-40%, 70-30%... Quy định “lỗi ngoại tình” từng nhận được nhiều sự ủng hộ bởi nó bảo vệ các giá trị hôn nhân, thông qua bảo vệ quyền lợi người “yếu thế”. Thực tế, phần lớn đương sự lại không thể cung cấp chứng cứ đủ giúp tòa kết luận lỗi.

Kho nhu bat… 'loi ngoai tinh'
Ảnh minh họa

Mới đây, TAND Q.Bình Tân đã tuyên bác yêu cầu chia căn nhà trị giá 4 tỷ đồng theo tỷ lệ 6-4 của chị Vân, dựa trên “lỗi ngoại tình” của anh Thi - chồng chị. Chị Vân cho hay, anh Thi đã sống cùng người khác 10 năm, con chung của họ đã 4 tuổi. “Khi bị phát hiện, người tình của chồng tôi muốn tôi chu cấp một khoản tiền để cô đưa con đi thật xa. Cô ta viết hẳn một cam kết không làm phiền chồng tôi nữa. Tôi đã đưa cô ta gần 1 tỷ đồng. Chẳng ngờ, họ đã dùng số tiền ấy để xây nhà, lập tổ ấm riêng” - chị Vân đau khổ. May mắn hơn cả chuyện “thiên hạ đều biết chồng tôi có phòng nhì”, chị Vân còn có giấy khai sinh của đứa trẻ - con ngoài giá thú của chồng. Dẫu vậy, khi xét xử, tòa án phân tích: tờ giấy khai sinh ấy chỉ là bản photo, tên và chữ ký của anh Thi dưới dòng chữ “người giám hộ” không đủ tính pháp lý để kết luận anh là cha ruột của đứa trẻ.

Theo thống kê án hôn nhân - gia đình tại TP.HCM, ly hôn vì ngoại tình chiếm tỷ lệ rất cao: 60-70%. “Thế nhưng, khi đụng đến tranh chấp tài sản, yếu tố “lỗi ngoại tình” rất hiếm khi xuất hiện. Ngoài sự “cao tay” của người vi phạm, tòa án cũng chỉ có thể đánh giá, quy kết lỗi ngoại tình dựa trên các căn cứ đủ thuyết phục, rõ ràng” - một thẩm phán chia sẻ. 

Nhiều luật sư phân tích, bản chất của ngoại tình là lén lút, nên dẫu luật quy định một số chứng cứ mang dấu hiệu ngoại tình có thể được xem xét như ghi âm mà người trong cuộc thừa nhận đang chung sống, có con cùng người khác; hình ảnh chứng minh chồng/vợ và người tình có quan hệ liên tục trong thời gian dài; được nhiều người xác nhận họ đang sinh hoạt chung như vợ chồng… thì cũng ít ai thu thập nổi. Thậm chí, giả sử tòa án muốn công tâm, ra quyết định cưỡng chế xét nghiệm ADN thì phương án này cũng không mấy khả quan, do có sự chống đối, lẩn trốn, gây khó khăn của những người trong cuộc. 

(*) Tên nhân vật trong bài đã thay đổi

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI