Khi con trở về

30/01/2017 - 11:30

PNO - Chị viết thư trong tâm trạng bàng hoàng, đau đớn, hoảng loạn. Chị hỏi Hạnh Dung làm cách nào giấu chồng một chuyện động trời, là chuyện con gái của anh chị thực ra không phải là… con gái!

Con bé xinh đẹp, giỏi giang, là niềm tự hào của anh chị khi đoạt một học bổng toàn phần đi học ở Anh, đạt loại giỏi, lại tiếp tục lấy học bổng học thạc sĩ xong mới chịu về nước. Gần ba mươi tuổi đầu, năng động, được bao nhiêu công ty săn đón chèo kéo, con bé chưa hề có ý định lấy chồng, anh thấy cũng bình thường. Anh vẫn khoe: “Con gái tao, thằng nào “li vồ” cao mới có gan xáp lại, dễ dàng gì tán tỉnh một cái đầu thông minh như nó”.

Trời ơi, nếu mà anh biết con bé rung cảm mãnh liệt trước một cô bạn gái và quyết định xách va li ra Bắc theo cô gái ấy, bất chấp chuyện nhảy việc đổi công ty hay xa cha xa mẹ... Chị nghe con tâm sự mà rụng rời tay chân, nếu chồng chị biết, chắc anh lên cơn tai biến. Con bé nói, con đi rồi, má làm sao nói chuyện từ từ cho ba hiểu, chứ ba cứ giới thiệu anh này anh khác, tội ba. Con không lấy chồng đâu…

Làm sao giấu mãi chuyện này được, mà chối bỏ chuyện này, tức giận, phẫn nộ với con, cũng là vô lý. Những đứa con không thể đáp ứng hết tất cả những mong muốn, kỳ vọng của các bậc cha mẹ. Cha mẹ bình thường, con học hành thông minh vượt bậc, cha mẹ lấy làm sung sướng tự hào. Nhưng nếu cha mẹ bình thường, con bỗng nhiên có cảm xúc giới tính đặc biệt hơn cha mẹ, thì cha mẹ lấy làm xấu hổ, nhục nhã ư?

 Chị bảo, mình đàn bà, làm sao giảng cho các ông ấy hiểu. Ừ thì thôi, anh phải chấp nhận thực tế khó hiểu là con gái mình không lập gia đình. Ðến một lúc nào đó anh ấy sẽ tự hiểu ra. Con gái chị tự chọn lấy hạnh phúc cho mình, không thể buộc hạnh phúc phải mặc đồng phục. Chị hãy đứng về phía con mình, và nói cho con biết cô gái kia cũng có thể có một lựa chọn khác, hãy tôn trọng quyết định của cô ấy, hạnh phúc của cô ấy, như mẹ tôn trọng con…

Hạnh Dung viết cho chị mà phấp phỏng lo, lỡ chuyện của con gái chị trắc trở thật, mà dễ vậy lắm, chẳng biết cô gái ấy sẽ cư xử thế nào, người mẹ ấy sẽ sống làm sao.

Khi thấy con bé trở về với gia đình, lui cui dọn dẹp mấy ngày giáp tết, ngồi may sửa màn cửa, đi lau dọn phòng này phòng khác, chị đã mừng. Biết đâu những trắc trở của cuộc đời sẽ thay đổi con bé, biết đâu “sông có khúc người có lúc”, bản tính đàn bà sẽ lại trỗi dậy trong con, cái cây đời sẽ lại đâm chồi nảy lộc. Con gái chị đi mua đất về thay cho mấy chậu cây, buổi chiều trồng lại, bó cột cho cây đứng vững, buổi sáng tưới cây, săm soi nhìn cây có mọc thẳng không, lá non có bị héo không…

Chị nhìn con, thấy quả thật mình đã xa con nhiều quá. Vài lần thử, thấy con không hào hứng, chị thôi không rủ con cùng làm, cũng không buồn khi con gái không mặn mà chuyện bếp núc, chuyện làm mứt làm dưa. Thì nó thích sơn nhà, sửa điện, tháo quạt trần xuống lau chùi vô dầu mỡ, mắc gì mình bắt nó đi sên mứt làm chi!  

Lâu lắm rồi gia đình mới có một cái tết sum vầy, đầm ấm. Chị bỗng nhiên thấy chuyện ông chồng mình lười sửa điện, lười thay mấy miếng ngói bể trước ban công nhà, lười rửa xe, là chuyện cũng… bình thường. Tính ra, trong ổng cũng có một phần bản tính… đàn bà, cái phần xưa nay chị ra sức chỉ trích, kết tội. Có sao đâu! Cái bù trừ của tạo hóa nhiều khi cắc cớ hơn mình tưởng, nhưng nghĩ cho cùng, ai cũng có quyền sống theo kiểu của mình. Làm sao mà tính được phân lượng bù trừ sao cho cân, sao cho đúng!

Cuối năm, trong một gia đình nhỏ, cô gái tự băng bó vết thương để quay trở về nhà. Cô biết, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, mẹ vẫn là người yêu cô vô điều kiện. Những kỳ vọng đổi thay sẽ được giữ gìn cho năm mới, nhưng cuộc sống hôm nay đang tặng cô mùa cuối năm và mái nhà của ba mẹ, như một lần để hàn gắn, để trưởng thành.

Và chị, khi gặp Hạnh Dung, chị nói, đó là quyền của con gái chị.

Dù con có quyết định như thế nào, chị vẫn sẽ đồng hành cùng con, trên con đường trưởng thành, cũng là con đường tìm kiếm bản ngã của mình, hạnh phúc của mình. Gia đình sẽ luôn là nền tảng vững bền cho những quyết định của mỗi thành viên, dù đó là những quyết định khác thường, mới mẻ và có phần lạ lẫm.

Chị đã dặn con, khi thất vọng, khi đớn đau, cả những khi không ai chấp nhận con nữa, hãy trở về nhà, hãy trở về với gia đình của con; mẹ đã biết, gia đình phải thay đổi cho vừa với tầm vóc, vừa những giấc mơ, vừa với niềm hạnh phúc của con, chứ không phải đẽo gọt con, làm đau đớn con, bắt buộc con phải thu mình cho vừa với một hình mẫu nào đó được xây bằng những bức tường định kiến, bất di bất dịch.

Khi con tro ve
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI