PNO - PNCN - Cùng với thực trạng gia đình tan vỡ, câu chuyện cha mẹ tranh giành con sau ly hôn đang rất phổ biến. Trong đó, nhiều người dùng “chiêu” ly gián con với người còn lại, không tiết lộ địa chỉ hoặc mang con chung đi “giấu” nơi...
“Năm con lên chín tuổi, ba mẹ bắt đầu gây nhau. Con được 11 tuổi, mẹ bỏ đi, con sống với ba. Con học hành không tập trung, nên kết quả sa sút. Ba theo dõi con gắt gao, có lần, mẹ đến đón con ở trường trước ba, vậy là ba giận, bắt nhốt con trong nhà mấy ngày. Con đã phải kêu cứu để mẹ và chú công an đến giải thoát cho con…” - cô bé 12 tuổi N.Q.T.G. kể trong nước mắt.
Chung sống hơn bảy năm hạnh phúc cùng anh N.M.T., ba của cháu G., sau hàng loạt mâu thuẫn, chị N.T.K.H. đã ra khỏi nhà, vừa để mưu sinh, vừa tự giải thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục. Chị H. kể: “Lúc đó, anh T. biết tôi rất yêu con, nên anh lấy con làm áp lực. Tôi nghĩ, mình phải thoát ra trước để lo cuộc sống rồi quay về chăm con cũng chưa muộn. Vì thế, tôi để con cho anh nuôi. Nào ngờ, anh bỏ bê con và dằn vặt con đủ chuyện. Mỗi lần tôi đến thăm, cháu đều nài nỉ tôi cho về sống cùng mẹ. Tôi dự tính sẽ thu xếp ổn thỏa với T. và rước cháu, chứ nào muốn ra tòa giành giật con làm chi”.
Ba mẹ chia tay, G. hụt hẫng, cháu lơ đễnh chuyện học hành. Lớp 6, G. bắt đầu mê game và cuối năm phải thi lại. Sợ con sa đà, anh T. quản lý con gắt gao. Một lần, khi hẹn ba đến đón lúc 4g, thì 3g, lớp học đã tan, thấy mẹ trước cổng trường, G. chạy theo mẹ để được mẹ dẫn đi ăn kem… Anh T. đến muộn, tìm hoài không thấy con, lại hay tin con bỏ đi với mẹ, nên rất giận. Anh kể: “Phần vì giận con, phần vì thấy kết quả học tập của con quá yếu kém, nên tôi quyết định cho cháu nghỉ học hai tuần để củng cố lại tinh thần và thái độ học tập. Nếu cháu không nỗ lực, sẽ cho nghỉ một năm để có thể lấy lại căn bản trước khi lên lớp mới”. Thế nhưng, khi bị cha bắt nghỉ học ở nhà, cháu G. chỉ có cảm giác bị nhốt chứ không phải được ba “quản lý và củng cố tư tưởng, chấn chỉnh việc học”. G. điện thoại gọi mẹ tới “cứu”. Chị H. đã nhờ công an phường đến can thiệp để “giải vây cho con”. Sau đó, anh T. và chị H. chính thức ra tòa. TAND Q.Gò Vấp (TP.HCM) đã ra quyết định không công nhận quan hệ hôn nhân của họ (vì hai người không đăng ký kết hôn) và chị H. được quyền nuôi dưỡng cháu G., anh T. trợ cấp nuôi con mỗi tháng 1.000.000đ và được quyền thăm nom, chăm sóc con.
Cháu G. và ba khi vui vẻ bên nhau
Được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con gái, nhưng vì bận làm ăn, chị H. không thể dành nhiều thời gian cho con. Cháu G. mất căn bản các môn học chính, lại thiếu sự quan tâm của cả ba lẫn mẹ nên việc học tuột dốc trầm trọng. Trăn trở mãi, đầu hè 2012, chị H. quyết định gửi con cho bà Tr., là chị ruột của mình ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh nuôi hộ. Vợ chồng bà Tr. đều là giáo viên, thương em, xót cháu nên đã nhận nuôi G. không mảy may tính toán.
Thế nhưng, điều này làm anh T. bức bối. Anh kể: “Mỗi lần tôi thăm con đều rất khó khăn mới gặp được. Cháu kể với tôi là ở với ba con nhớ mẹ, ở với mẹ con nhớ ba, còn giờ ở đây, con phải nhớ đến cả hai người. Tại sao cô H. là mẹ mà không trực tiếp nuôi con, để con tôi có cha mẹ mà phải sống như vậy?”. Anh T. cho biết ,ban đầu anh được ông bà Tr. cho phép thăm con, nhưng sau này, khi anh lên Trảng Bàng đều không được gặp con gái. Nhiều lần anh điện thoại cho chị H. đề nghị gặp gỡ, bàn bạc về hướng giải quyết cuộc sống cho con, nhưng lần nào chị H. cũng không trò chuyện, có khi còn tắt máy ngang. Trước Tết khoảng một tháng, cháu G. điện thoại cho anh T. và khóc, xin về ở chung với ba, cháu nói với ba không muốn sống cùng dì và dượng nữa.
Anh T. bức xúc: “Con tôi chưa đầy 13 tuổi mà phải ở với người xa lạ, thì sao đảm bảo con tôi sẽ được chăm sóc tử tế và tránh những nguy cơ?”. Chị H. cũng mệt mỏi nói: “Tôi không thể vừa đi làm, vừa quản lý việc học của con nên gửi cháu về bên ngoại nuôi giúp. Tòa đã phân xử tôi có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con, nên tôi chọn cho con nơi để học hành và có cuộc sống tốt nhất. Anh chị tôi đều là giáo viên dạy giỏi và là người có uy tín, vậy mà anh T. nói tôi bỏ bê con cái, đi kiện ngược anh chị của tôi, đặt cả vấn đề anh rể tôi có khả năng xâm hại cháu”.
Khi tiếp xúc với cháu G., chúng tôi được biết việc học tập của cháu trong năm qua rất tiến bộ. G. tự tin cho biết: “Bây giờ, con chọn sống với dì dượng vì ở đây con có nhiều bạn tốt”. Hỏi cô bé vì sao lại điện cho ba, khóc xin về ở với ba, cô bé đáp tỉnh queo: “Dạ, tại hôm đó con… giận mẹ quá!”.
Theo lời anh T., chị H. dùng nhiều thủ đoạn để chia cắt anh và con gái. Cụ thể nhất là việc chị giấu địa chỉ hiện tại nên đã làm khó cho anh khi gửi đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, TAND Q.Gò Vấp, nơi cư trú trước đây của chị H. đã không thụ lý. Việc kể chuyện cho con về cha sai lệch, không trung thực của chị H. và gia đình bên ngoại đã tác động xấu đến bé G.
Chị H. cũng liệt kê những việc làm không đúng của anh T. gây ảnh hưởng đến con gái. Chị cho biết, chị vẫn còn giữ một tờ giấy do chính anh T. viết, anh cam kết không quấy rầy cuộc sống của hai mẹ con chị nữa, tuy nhiên, tờ giấy này không có chữ ký của anh T. Anh T. nói: “Tôi không đồng ý việc cô H. chia cắt tình cảm cha con chúng tôi, nên quyết kiện đến cùng. Không thể để con có cha mẹ đầy đủ lại phải đi chung sống với gia đình khác. Cho dù đó là dì dượng”.
“Cuộc chiến giành con” của anh T. và chị H. vẫn tiếp diễn. Chị H. giành con bằng được và nhờ người khác nuôi giùm, anh T. quyết lấy lại con, nhưng cũng không có cơ sở nào đảm bảo con gái sẽ sống hạnh phúc bên cha. Bé G. thành mối bung xung giữa cha và mẹ. Khi giận mẹ, thì gọi ba; lúc hờn ba, lại xin về với mẹ. Không biết cả hai bên đã thấu nỗi lòng con trẻ: G. chỉ muốn ở một nơi yên ổn để học hành, vừa có thể thăm ba, vừa có thể gặp mẹ mỗi ngày.
Nghi Anh
Kỳ sau: “Hô biến” con
Cần hiểu rộng hơn cụm từ “trực tiếp nuôi dưỡng con”
Anh T. có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng nhưng với điều kiện anh T. phải chứng minh chị H. “không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên” (theo quy định của điều 93, Luật HN&GĐ). Việc chị H. cố tình giấu địa chỉ thường trú và gây cản trở việc anh đến thăm con, căn cứ Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2001 của chính phủ, anh T. có quyền yêu cầu chủ tịch UBND phường, xã phạt vi phạm hành chính chị H.
Theo phán quyết của tòa án, chị H. là người được giao nuôi dưỡng cháu G., việc chị H. không trực tiếp nuôi dưỡng (về mặt thực tế) nhưng vẫn đảm bảo cho cháu phát triển bình thường do chị có nhờ người chị ruột của mình là giáo viên dạy giỏi nuôi, chăm sóc hộ (chính cháu G. cũng thấy rất thoải mái, phát triển tâm sinh lý cũng như việc học hành rất tốt khi ở môi trường mới này). Việc giải thích từ ngữ “trực tiếp” gây ra cách hiểu không rõ ràng. Ở đây phải hiểu người trực tiếp nuôi dưỡng là người được tòa án phán quyết đồng ý cho người đó được quyền nuôi dưỡng cũng như phải chịu trách nhiệm về đứa trẻ đó, nhằm đảm bảo cho đứa trẻ phát triển bình thường, nhưng không có nghĩa là phải trực tiếp ở bên cạnh đứa con đó. Cụ thể, họ có thể tìm những phương án tốt nhất cho đứa trẻ (như gửi con đến nhà trẻ, hay gửi người khác trông hộ, hoặc gửi con vào trường nội trú). Mục đích của pháp luật nhằm đảm bảo cho đứa trẻ có cha, mẹ ly hôn có đầy đủ các quyền lợi để phát triển bình thường như mọi đứa trẻ khác, và trở thành một công dân tốt. Vậy trong trường hợp này, cháu G. đã có đầy đủ các điều kiện tốt do mẹ tạo ra, nên cháu từ học sinh kém thành học sinh khá giỏi, theo quan điểm của tôi thì việc chị H. nhờ người chị ruột nuôi hộ không có gì là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, khi giao con cho anh chị ruột nuôi, lẽ ra chị H. cần có sự bàn bạc trao đổi trước với anh T. vì dù có ly hôn thì cha, mẹ vẫn có đầy đủ các quyền đối với việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái.
LS Phạm Lĩnh Sơn (Phó văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6)