Nàng thơ

31/05/2013 - 09:22

PNO - PNCN - Nàng nằm đó, đẹp như Đức Mẹ đồng trinh. Làn da trắng mịn màng, đôi môi cắn chỉ mím chặt. Vầng trán thanh thoát. Lọn tóc rơi một cách ý tứ trên trán nàng.

Đó là một sự thanh thản. Chưa bao giờ nàng thanh thản đến vậy. Trái tim cô đơn của nàng sẽ thôi phải gào thét: Em muốn ôm cả đất. Em muốn ôm cả trời. Mà sao anh ơi, không ôm nổi trái tim một con người.*

Và trái tim đàn bà của nàng sẽ thôi phải giễu cợt. Nàng vẫn mang một chiếc vòng tránh thai trong mình khi đã mãn kinh.

Sẽ còn lại gì: Thơ và chiếc bóng của nàng đã bị người thêu dệt và cắn cho rách nát.

Một lần có hai người đàn ông đi qua nhà nàng. Hai kẻ say. Con chó nhà nàng xồ ra cắn. Hai kẻ say vào bắt vạ. Nàng bảo: hãy chỉ tôi xem vết chó cắn tôi sẽ đền bù cho.

Hai kẻ say lè nhè:

- Này cô em, chó nhà cô em không cắn vào thân thể nhưng nó cắn vào bóng bọn anh đây. Cái bóng bọn anh đã bị một vết thương lớn. Cái bóng mà không khỏe thì thân thể bọn anh làm sao khỏe được. Thể nào bọn anh cũng bị ốm. Vậy cô em phải nôn tiền ra cho bọn anh đi chữa cái bóng bị chó nhà cô em cắn đây này.

Nàng rất tức giận nhưng cũng phải chi ra một khoản tiền.

Sau chuyện đó nàng nghĩ ngợi về cái bóng: cái bóng, tất nhiên là người ai cũng có cái bóng. Ngày xưa bà nàng bảo: người phân biệt với ma là người có bóng, còn ma không có bóng.

Thuở bé, có một trò chơi mà nàng rất thích. Đó là vào những đêm trăng tỏ nàng đứng giữa sân cho bóng đổ dài trên nền đất. Sau đó nàng chạy để giẫm chân lên bóng. Điều đó là không thể. Nàng rất tức, giơ tay đánh vào chiếc bóng. Nàng nhìn thấy rõ ràng là chiếc bóng rất run sợ.

Lớn lên nữa cha nàng dạy: con hãy sống tự thân, đừng bao giờ trở thành chiếc bóng của ai cả.

Khi đi học, thầy giáo dạy nàng kiến thức là bể mênh mông. Kiến thức nhập vào ai thì như chiếc bóng của người ấy. Sáng tạo tức là vượt qua cái bóng của chính mình.

Nhưng khi nàng đến với thơ, nàng đâu ý thức được là vượt qua cái bóng của mình. Vả lại, khi đó nàng đã có kiến thức gì trong mình ngoài nỗi đau khổ tột cùng.

Sáng 30 Tết, lũ trẻ đã được mẹ cho mặc áo mới. Cô chị cả đểnh đoảng chạy đi khoe với bạn hàng xóm. Còn nàng lặng lẽ đến bên giường cu Tũn. Thằng bé mới được 11 tháng tuổi, tròn trịa như củ khoai. Thường ngày cha mẹ đi làm nàng nhận nhiệm vụ trông em. Nàng mới 10 tuổi nhưng bế em khéo lắm. Ai nhìn thấy nàng bế em cũng khen:

- Con bé này thật đảm đang.

Cu Tũn cũng quý nàng nhất nhà. Mỗi khi bú no nó kéo phựt cái tí mẹ ra rồi quay sang nàng cười toe toét. Nó giơ hai tay nhoài sang nàng túm chặt lấy áo chị. Nàng bế em chạy vù ra ngõ.

Cu Tũn bị ốm mấy hôm nay. Nó sốt cao và thở khò khè. Nàng bế xốc em lên vai nựng nựng.

- Cún con khỏi ốm đi để còn ăn Tết chứ. Cún chưa biết Tết vui thế nào đâu. Áo mới đây chị mặc cho cún nhé.

Cu Tũn cố cười với chị, hai chiếc răng cửa nho nhe trông thật ngộ nghĩnh.

Nang tho

Mẹ nàng ngừng tay gói bánh chưng, lẩm bẩm:

- Khổ quá, Tết đến mới có cái ăn cái uống ngon lành tử tế thì thằng em lại ốm mãi thế này.

Cha mẹ nàng quê dưới xuôi, đất chật người đông luôn khốn khó với miếng ăn. Năm nàng lên hai tuổi thì Nhà nước có cuộc vận động đi xây dựng vùng kinh tế mới. Cha mẹ nàng rời quê hương đi lên vùng sơn cước, đất rộng người thưa. Đất đai rộng thật nhưng cũng chỉ biết trồng lúa, trồng mía. Cứ làm theo cái cách ở quê vậy. Nhưng trồng lúa thì ra cỏ, mà trồng mía thì ra lau. Lại khốn khó vì cái ăn. Hai đứa em nữa lần lượt ra đời. Nhìn bọn trẻ nheo nhóc, cha nàng không chịu được bảo với mẹ nàng:

- Thôi thì bà ở nhà trông con, ăn quanh ăn quéo rau cháo nhì nhằng, tôi đi xa kiếm việc ra tiền. Chứ cứ thế này thì khốn nạn quá.

Cha nàng đi một mạch nửa năm mới về nhà, mang về cho con cái mỗi đứa một chiếc áo mới, lại được ăn cơm trắng với thịt mấy ngày. Rồi lại đi.

Tết này người về với gương mặt rạng rỡ. Mẹ nàng đi chợ những ba lần. Có những thứ mua về mà lần đầu tiên nàng mới nhìn thấy. Cha mẹ nàng bảo nhau:

- Cho bọn trẻ một cái Tết xôm trò.

Bọn trẻ được ăn ngon từ 29 Tết. Nhưng đã thành lệ, sáng 30 Tết nhà nàng mới gói bánh chưng. Gói xong vào khoảng 12 giờ trưa thì bắc nồi lên luộc. Bánh chín cũng là lúc giao thừa, vớt bánh nóng hổi lên cúng ông bà tổ tiên.

Cu Tũn khóc, nàng bế ngửa em ngồi lên võng đưa tít để dỗ em. Cu Tũn càng khóc to hơn, mặt tím ngắt. Mẹ nàng không gói bánh nữa, lau tay đón cu Tũn. Vạch vú cho cu Tũn bú, mẹ nàng kêu lên:

- Khổ thằng bé sốt cao quá.

Cha nàng bảo:

- Tôi đi mời ông y sĩ đến tiêm cho thằng bé một mũi để nó chóng khỏi.

- Ừ, sẵn có tiền thì mới dám tiêm chứ không có tiền thì để nhì nhằng rồi thằng bé cũng khỏi.

Nửa tiếng sau cha nàng về với một ông gọi là y sĩ. Một ông mặt trắng nhờ nhờ với đôi mắt vô cảm. Nàng nhớ nhất cái mặt đó, cả đời nàng không thể quên nổi. Ông ấy nhìn cu Tũn một lát rồi lấy trong túi đồ nghề ra một cái bơm tiêm cùng vài ống thuốc. Ông ấy pha pha lắc lắc rồi hút đầy vào bơm tiêm. Nàng đứng bên cạnh nhìn đăm đắm vào từng cử chỉ của ông ta với cơn đau thắt ruột. Một sự sợ hãi ập đến khiến nàng ngồi thụp xuống chân mẹ đang ngồi bế em trên ghế. Ông y sĩ bảo mẹ nàng:

- Bà giữ chặt lấy chân thằng bé, đừng để nó giãy. Tôi tiêm đây này.

Nàng hét lên:

- Đừng tiêm em.

Ông y sĩ bảo với cha nàng:

- Đưa cái con bé này ra ngoài.

Cha nàng ôm lấy nàng:

- Đừng sợ con, để ông tiêm cho em, em chóng khỏi rồi con cõng em đi chơi.

Nàng nghe tiếng cu Tũn khóc ré lên ằng ặc, rồi tiếng khóc lịm dần. Khi nàng nghe tiếng ông y sĩ bảo: xong rồi, thì cùng lúc nàng nghe tiếng mẹ gào lên: ối trời ơi con tôi làm sao thế này. Cha nàng bỏ nàng ra chạy đến bên mẹ. Nàng cũng chạy đến bên mẹ thì thấy cu Tũn mặt tím ngắt, mắt nhắm lại, người giật lên liên hồi. Nàng quay sang ông y sĩ kéo áo ông ta gào lên:

- Ông ơi cứu em cháu với.

Mặt ông y sĩ tái xám, đôi mắt dại lạc. Ông ta cũng lên cơn co giật. Nàng quay sang em. Cu Tũn không co giật nữa mà mềm nhũn. Nàng vồ lấy em cố dựng nó dậy: Em ơi, em mở mắt ra đi, em cười đi.

Chiều 30 Tết trong cái lạnh đìu hiu của vùng núi. Nhìn xa lắm mới có một nếp nhà. Cái làn khói bốc trên mái rạ trắng hơn sương núi. Lần đầu tiên trong đời nàng phát hiện ra điều đó khi bước chầm chậm theo chiếc quan tài bé nhỏ được hai người đàn ông khiêng trên vai. Ba chị em nàng, chị cả 12 tuổi, nàng lên 10, cu Dũng lên bảy cùng hai người đàn ông tốt bụng trong xóm đưa cu Tũn về lòng đất mẹ. Chị cả với cu Dũng khóc như mưa. Nàng không khóc. Trong đầu nàng hiện lên rất nhiều những câu hát nàng đã ru em:

“Cái cò đi đón cơn mưa/Tối tăm mù mịt ai đưa cò về/Cò về thăm quán cùng quê /Thăm cha thăm mẹ, cò về thăm anh”.

Đêm, nàng tỉnh giấc. Theo phản xạ nàng quờ tay để tìm em. Thường cu Tũn hay ngủ với nàng. Không thấy em đâu nàng tỉnh ngủ. Giờ thì nàng khóc, khóc đau đớn. Khóc sự yêu thương bị mất mát đầu tiên. Tim nàng đau thắt. Tiếng khóc nàng chết nghẹn. Cha nàng đến bên nàng dỗ dành:

- Đừng khóc nữa con ơi, để cho linh hồn em con được siêu thoát. Thôi số kiếp nó ngắn ngủi. Nó chỉ sống với chúng ta được bấy nhiêu đó thôi.

Trong lòng cha, nàng thiếp vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, nụ cười cu Tũn với hai chiếc răng cửa sáng bừng lên trong đầu óc nàng. Cùng với nụ cười của cu Tũn là câu chữ hiện ra:

Em cười răng mới nho nhe…

Cùng với cái chết của em. Đêm ấy giời bắt nàng làm thơ.

* Thơ Đoàn Thị Lam Luyến

Y BAN

Từ khóa Nàng thơ
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI