Kong: Skull Island: Khi Việt Nam trở thành “nhân vật chính”

10/03/2017 - 09:20

PNO - Thiên nhiên Việt Nam hiện ra trong Kong: Skull Island đẹp đến nín thở và chiếm phần lớn bối cảnh của phim, mang đến cảm giác VN trở thành nhân vật chính trong “bom tấn” 190 triệu USD này.

Sau hơn một năm chờ đợi, kể từ ngày đoàn phim Kong: Skull Island có mặt ở VN để ghi hình, tối ngày 9/3 khán giả trong nước đã được thưởng thức trọn vẹn bộ phim mới về Kong. Xứng đáng là “siêu phẩm Hollywood đầu tiên quay tại VN”, như dòng chữ quảng bá đặc biệt in trên poster phát hành riêng tại thị trường VN, Kong: Skull Island không chỉ gây ấn tượng về sự quy mô, hoành tráng nằm ở những màn cháy nổ mà còn ở bối cảnh tự nhiên hùng vĩ, hoang sơ của ba nơi VN, Úc và Hawaii.

Kong: Skull Island: Khi Viet Nam tro thanh “nhan vat chinh”
Bức tranh kỳ thú của vịnh Hạ Long hiện lên trong đoạn đầu phim khiến người xem ồ lên theo cùng các nhân vật

Chuyện phim mở đầu với sự kiện năm 1973, cuộc chiến của Mỹ tại chiến trường VN đang đứng trước nguy cơ thất bại, niềm tin của người dân ngày một đi xuống. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ, NASA, khi đó vừa phóng thành công một vệ tinh lên vũ trụ với hi vọng có thể tìm nốt những mảnh đất cuối cùng mà bàn chân con người chưa đặt tới trên trái đất này và vệ tinh Landsat 1 của NASA đã phát hiện ra hòn đảo hoang vu mang hình dáng của một chiếc sọ người – mảnh đất gắn liền với hàng loạt vụ mất tích đầy bí ẩn của tàu thuyền trong thời gian vừa qua. Đó chính là đảo Đầu Lâu – thánh địa của Kong, một đoàn thám hiểm trong đó có quân đội Mỹ dấn thân vào hành trình khám phá hòn đảo này.

Kong: Skull Island: Khi Viet Nam tro thanh “nhan vat chinh”
Khung cảnh non nước hữu tình của hồ Yên Phú trong cảnh quay đoàn thám hiểm đối diện trâu nước

Điều khán giả Việt Nam lẫn thế giới chờ đợi ở Kong: Skull Island, một bộ phim mà toàn bộ câu chuyện lần đầu chỉ diễn ra trên hòn đảo quê hương của Kong chứ không phải ở thành phố hiện đại như các phim trước về quái thú này, chính là việc “thánh địa” của Kong sẽ hiện ra như thế nào. Và gần 120 phút phim đã làm người xem hoàn toàn mãn nhãn.

Những lời xuýt xoa từ phía khán giả dành cho phong cảnh hùng vĩ của vịnh Hạ Long hiện lên trong phần đầu phim, khi đoàn trực thăng vượt qua con giông thành công và tiến về hòn đảo, đã bật ra hệt như phản ứng trầm trồ của các nhân vật khi lần đầu chứng kiến đảo Đầu Lâu. Dưới cánh trực thăng, hàng ngàn hòn đảo đá vôi và đảo phiến thạch lớn nhỏ, nhiều hình dáng nhấp nhô trong làn nước trong xanh tạo nên một bức tranh gần như siêu thực.

Đoạn đoàn thám hiểm chạm trán lần đầu với Kong và đặt chân lên hòn đảo đưa chân người xem khám phá vùng đất Quảng Bình với những địa danh như hồ Yên Phú (cảnh trâu nước xuất hiện, Samuel L.Jackson giương súng bắn lũ chim cò bay lên từ ngọn cây), thung lũng Chà Nòi (nơi diễn ra cảnh Kong đấu với quái vật trên cạn) và hang Chuột (đại bản doanh của Kong). Vẻ hoang sơ, thanh bình được thể hiện rõ nhất ở màu xanh mướt mắt của một vùng cao nguyên bạt ngàn được bao bọc bởi những vách núi đá dựng đứng trùng trùng điệp điệp.

Ninh Bình, địa danh thứ ba của Việt Nam xuất hiện trong phim, với những hình ảnh quen thuộc của khu Tràng An tiếp tục gây xuýt xoa với vẻ hài hòa của đá, sông nước, rừng cây và bầu trời. Riêng thắng cảnh đầm Vân Long được thấy trong cảnh cuối khi Kong chiến đấu với thằn lằn xương sọ gây choáng ngợp vì sự hủng vĩ nhưng không kém phần nên thơ.

Kong: Skull Island: Khi Viet Nam tro thanh “nhan vat chinh”
Có thể nhận ra ngay cảnh sắc Ninh Bình trong cảnh phim này

Rõ ràng so với những bối cảnh xen kẽ khác quay ở Queensland, Úc và Hawaii, bối cảnh Việt Nam trong phim hoàn toàn lấn lướt về vẻ đẹp và khi lên phim cũng không phải qua xử lý kỹ thuật nhiều đến mức không nhận ra. Chính điều đó khiến người xem đôi lúc ngỡ rằng Việt Nam mới là nhân vật chính trong phim, chứ không phải Kong.

Nói về Kong, chân dung quái thú này được miêu tả nghiêng về phần “anh hùng” hơn là quái vật. Kong không chỉ bảo vệ dân làng mà còn bảo vệ cả những con vật yếu thế trước sự tấn công hung hãn của các loài quái vật khổng lồ khác. Diễn xuất của diễn viên Terry Notary- người sắm vai Kong, được ghi hình lại những cử động để đồ họa vi tính xử lý biến thành Kong- khá sống động tạo cảm giác như thật khi chứng kiến biểu cảm của Kong, nhất là đoạn nữ nhiếp ảnh gia chiến trường vuốt ve Kong.

Cuối phim, sự xúc động tăng lên khi Kong nỗ lực vùng dậy chiến đấu với thằn lằn khổng lồ để giải cứu đoàn thám hiểm. Giọng hát của ca sĩ Vera Lynn cất lên những lời trong bài hát "We’ll meet again" ở phần kết phim như nhắc nhớ người xem sẽ còn gặp lại Kong trong ba năm nữa, trong siêu phẩm Godzilla V Kong, phát hành năm 2020.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI