King Kong "dời nhà" tới xứ Việt: có gì đó... sai sai?

10/03/2017 - 15:17

PNO - Điều gì đó nghe lạ lùng và khôi hài trong câu chuyện về những người hùng, nhà báo và kẻ phiêu lưu bước ra từ cuộc chiến tranh thật để đi tìm cuộc chiến mới với… “Kong” ở VN.

Mọi thứ về “Kong: Skull Island”, tập phim mới kể tiếp chuyện Kong - con quái thú đã “sống” trên màn ảnh hơn 8 thập niên qua, đã không còn là bí mật với khán giả Việt sau buổi công chiếu đầu tiên tối 9/3.

King Kong
 

Rất nhiều bình luận say sưa mổ xẻ những cảnh đẹp tuyệt vời của xứ Việt qua ống kính máy quay của Hollywood, dù thực tế, bộ phim còn dành một thời lượng đáng kể đề cập lại cuộc chiến tranh VN như là bối cảnh làm dẫn tới cuộc săn tìm con quái thú huyền thoại trên đảo Đầu Lâu ở vùng biển phía Nam Thái Bình Dương.

Nửa phần thực…

“Kong” đưa người xem trở lại năm 1973, thời điểm của những tuyên bố phóng thành công vệ tinh chụp được ảnh bề mặt trái đất, tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam VN… Đó là những sự kiện được điểm thoáng qua lúc vào phim, bằng nhiều hình ảnh tư liệu có thật, nhằm tạo ra một khởi động thật mạnh mẽ cho câu chuyện hư cấu.

Rất nhanh, sau màn giới thiệu hình ảnh mới của Kong ở đảo Đầu Lâu, bộ phim đẩy người xem đi từ cuộc vận động hành lang của một tập đoàn tại Quốc hội Mỹ, nhằm có sự hỗ trợ của quân đội trong chuyến đi tìm nguồn tài nguyên mới trên một hòn đảo bí ẩn thuộc Nam Thái Bình Dương. 

Rồi một biệt đội không vận đóng quân ở Đà Nẵng, do trung tá Packard (Samuel L.Jackson đóng) chỉ huy, sắp giải ngũ về nước nhưng được gọi tham gia nhiệm vụ. Họ cần một tay đi rừng thiện chiến và sẵn sàng làm vì tiền, kiểu như cựu binh James Conrad (Tom Hiddleston), để tìm kiếm những dấu vết trên đảo. Nhưng nữ phóng viên ảnh Mason Weaver (Brie Larson), với bộ óc tò mò chuyến hải hành mờ ám, lại là thành viên bất ngờ của đoàn tìm kiếm.

King Kong
 

Cuộc tập hợp các nhân vật trải từ Đà Nẵng vào tới Chợ Lớn (Sài Gòn), qua Bangkok (Thái Lan). Bối cảnh đưa người xem về vùng viễn đông xa xôi, nơi sự can thiệp của phương Tây không chỉ gây ra cuộc chiến mà còn làm suy đồi cuộc sống qua hình ảnh ăn chơi trác táng, từ ma tuý tới mại dâm, cờ bạc ở những quán rượu. Đây là cách tiếp cận phổ biến trong hầu hết phim có đề tài chiến tranh VN của Hollywood, khởi đi từ “The Deer Hunter” (1978), “Apocalypse Now” (1979), “Full Metal Jacket” (1987) cho đến “The Quiet American”, “Watchmen” gần đây…

Nếu như ở các phim trước, chiến tranh VN hiện lên như một đề tài nghiêm túc với tinh thần phản chiến đầy tiến bộ, thì điểm khác biệt của “Kong” là sử dụng nó như bối cảnh cho câu chuyện giải trí hoang đường về chuyến hải hành đến “nơi thượng đế chưa hoàn tất công cuộc sáng tạo”, “nơi thần thoại và khoa học gặp gỡ”…

Điều gì đó nghe lạ lùng và khôi hài trong câu chuyện về những người hùng, nhà báo và kẻ phiêu lưu bước ra từ cuộc chiến tranh thật để đi tìm cuộc chiến mới với… “Kong”. Trong một cảnh gần như thoát thai từ “Apocalypse Now”, “Kong: Skull Island” lao vào trận chiến long trời lở đất đầu tiên bằng những hình ảnh cả chục chiếc trực thăng rải bom napalm xuống khu hang động nơi ở của Kong.

… thua nửa phần hư

Nửa phần thực ở đầu phim thuộc về bối cảnh không gian lẫn lịch sử, có phần gượng ép khi cố gắng dịch chuyển ý nghĩa biểu tượng của hai cuộc chiến chẳng mấy liên quan. Nửa phần sau, câu chuyện mới quay trở về giá trị giải trí đích thực của nó và làm rất xuất sắc phần này ở cả thị giác lẫn hành động kịch tính.

King Kong
 

Giống phiên bản của năm 2005, chuyến phiêu lưu cuốn hút người xem bằng những màn liên tiếp xuất hiện những con quái thú kinh khiếp có hình dáng giống dơi, thằn lằn, nhện, bạch tuộc… Dĩ nhiên, chúng đều ở kích thước khổng lồ, đầy sức mạnh để nhai nuốt, cắn xé và chiến đấu sinh tồn.

Cảnh đẹp của những khu vực địa chất đá vôi ở VN (kết hợp với số ít cảnh tự nhiên ở Úc và Hawaii) đã làm thành ngôi nhà vừa kỳ vĩ vừa lạ lẫm. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã không phải “gia công” gì nhiều lắm cho khung cảnh vốn sẵn thích hợp cho khỉ Kong và những con quái vật thoắt ẩn thoắt hiện.

Cũng vì quá mải mê tạo ra những màn chiến đấu và sống sót giữa người và quái thú, người hâm mộ loạt phim “Kong” hẳn là sẽ nuối tiếc khi bộ phim thiếu hụt thời lượng cho việc tạo ra sợi dây liên kết tình cảm, vốn rất cảm động ở phần phim trước, giữa Kong và một người đẹp tóc vàng nào đó.

Trong phần này, cả hai “kết nhau” từ cái nhìn đầu tiên (thật khó tin!). Không còn thấy người đẹp phải cố đè nén nỗi sợ hãi để chinh phục quái thú, lẫn không thấy quái thú rụt rè bước ra chiếc vỏ ốc cô đơn của cuộc sống luôn rình rập những nguy hiểm.

Kết phim, “Kong” hứa hẹn nhiều về ngày trở lại để chiến đấu cùng con khủng long Godzilla sinh ra từ cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng cuộc chiến này có diễn ra hay không, sẽ do quyết định của khán giả có bỏ tiền mua vé xem bộ phim mà giá trị sản xuất lên tới 190 triệu USD này hay không.

Minh Chánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI