Không có tác phẩm nào của giáo sư Trần Văn Khê được cấp phép

17/04/2017 - 07:04

PNO - Dù được giáo sư Trần Văn Khê mang đi biểu diễn khắp nơi và làm rạng danh tên Việt Nam, vẫn không có tác phẩm nào của ông được cấp phép tại quê nhà. Ứng xử thế nào với di sản - một câu chuyện còn rất dài.

Động thái yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) phải thu hồi lệnh cấm năm ca khúc sáng tác trước 1975 và kiểm điểm các cá nhân liên quan của Bộ VH-TT-DL được đánh giá là rất hợp lòng dân. Câu chuyện cấm năm ca khúc đã có thể tạm khép lại sau nhiều ngày ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn dư luận.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn vẫn còn đó: Liệu ngày mai chúng ta có phải gặp lại những trường hợp tương tự? Liệu sau sự việc vô cùng đáng tiếc này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thái độ khác khi ứng xử với các di sản do lịch sử để lại?

Khong co tac pham nao cua giao su Tran Van Khe duoc cap phep
Con đường xưa em đi - 1 "di sản" long đong


Với một đất nước có 4.000 năm văn hiến, các di sản do ông cha ta để lại là vô cùng lớn, trong đó có rất nhiều di sản có giá trị cao, thậm chí được xem là di sản của nhân loại. Từ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến nhã nhạc cung đình, đờn ca tài tử; từ Hoàng thành Thăng Long đến Văn miếu, thành nhà Hồ... tất cả đều là tài sản nhiều thế hệ đi trước để lại cho chúng ta. Giữ gìn và phát huy chúng không chỉ là bổn phận mà là nhiệm vụ đối với tiền nhân và với chính nhân dân.

Kho tàng ca khúc, tác phẩm văn học, tranh ảnh... sáng tác trước 1975 tại miền Nam Việt Nam là một kho dữ liệu cực lớn mà nếu khai thác tốt sẽ đóng góp không nhỏ vào đời sống tinh thần của công chúng. 

Thế nhưng mãi cho đến hôm nay, chúng vẫn chỉ mới có thể xuất hiện nhỏ giọt vì vướng cơ chế xin - cho, và cái vướng lớn hơn nữa là tư duy của nhà quản lý. Mãi cho đến hôm nay, chuyện nhân thân của các tác giả vẫn cứ được nhắc lại trong khi thẩm định, bất chấp ý nghĩa, giá trị của tác phẩm. 

Khong co tac pham nao cua giao su Tran Van Khe duoc cap phep
Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hát rồi bị cấm 

Phần lớn tác phẩm của cố nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... vẫn chưa được phép phát hành chính thức dù chúng được lưu truyền trong công chúng, được công chúng gìn giữ và yêu mến. Quanh câu chuyện ca khúc trước 1975, từ giới nhạc sĩ đến các nhà sản xuất âm nhạc, khán giả lẫn một số người đang làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước đều rất cởi mở và thông thoáng, hành xử theo đúng tinh thần hòa hợp, hòa giải. Vậy mà khi ráp vào cơ chế thì thật ngạc nhiên, chúng lại bị ách lại.

Nhiều năm bị đóng dấu mê tín dị đoan, chầu văn đã bị hạn chế đến mức gần như thất truyền. Khi đời sống đô thị tràn lên vùng cao, không gian văn hóa Tây Nguyên bị mai một dần. Những chiếc chiêng quý bị người dân bán đi trong cảnh nghèo khó mà không ai can thiệp hoặc giữ gìn. Những bức tranh cũng bị bán đi mà giờ đây nếu muốn mua lại chúng ta sẽ phải tốn rất nhiều tiền (mà chưa chắc mua lại được).

Các công trình ngàn năm bị bỏ mặc cho hoang hóa, để rồi khi được cấp kinh phí trùng tu, ta lại biến chúng thành những công trình “một ngày tuổi”. Nếu tấm bia Quốc Học ở Huế (ảnh) không phải giao cho Công ty Công viên cây xanh thi công thì có lẽ nó đã không trở nên vàng hoe, mới mẻ một cách kệch cỡm như vậy. 

Khong co tac pham nao cua giao su Tran Van Khe duoc cap phep
Tấm bia Quốc Học ở Huế


Nếu am hiểu về văn hóa tín ngưỡng phồn thực, người ta sẽ không mang biểu tượng dương vật đi giễu hành để khách thập phương tranh nhau sờ nắn “lấy may”. Không thể nói các cán bộ quản lý văn hóa thiếu hiểu biết, bởi hầu hết đều được đào tạo chuyên môn. Cái thiếu chính là sự trân trọng và cái tình đối với di sản. 

Những thanh đá xanh Biên Hòa bó vỉa Sài Gòn xưa bị chôn lấp đầy hung hãn và thô thiển dưới những lớp đá và bê tông mới, qua những dự án cải tạo gắn mác hiện đại; để khi những lớp đá, bê tông mới ấy gục ngã trước thời gian thì từng thanh đá xanh của trăm năm trước lại hiện ra đầy ngạo nghễ. Nhưng, đâu phải cái gì cũng vững bền như đá. Văn hóa vỉa hè, văn hóa hẻm của một thuở Sài Gòn khi đã mất, liệu có thể tìm lại 
được chăng?

Nếu cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đến quyền hưởng thụ nghệ thuật của công chúng, quyền phổ biến tác phẩm của tác giả, đánh giá đúng giá trị của di sản và bớt cửa quyền, mọi thứ hẳn sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều. Phải sòng phẳng hơn với quá khứ, chúng ta mới có thể vững bước vào tương lai.
 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân

Tôi hoan nghênh sự cầu thị của Bộ VH-TT-DL trong việc xử lý những ồn ào mấy ngày qua về các ca khúc trước 1975. Nhưng câu hỏi là: những lĩnh vực khác thì sao? Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, những tư tưởng triết học, công trình kiến trúc... chúng ta đã có phương án nào để đánh giá, để trả lại sự công bằng cho chúng và để chúng được đến với công chúng? 

Khong co tac pham nao cua giao su Tran Van Khe duoc cap phep
Giáo sư Trần Văn Khê - người mang nhạc dân tộc Việt Nam đi khắp thế giới

Xin nêu một ví dụ nhỏ - những tác phẩm của nhạc sĩ Trần Văn Khê, từng được ông mang đi biểu diễn khắp các nước, thuần túy là những bản tình ca, nhưng khi đưa lên xin cấp phép thì không được duyệt. Đích thân tôi đã đưa việc này đến cho ông Thứ trưởng Vương Duy Biên và cũng không đi đến đâu cả.  Nếu không xem lại chính mình, ta sẽ đánh mất niềm tin nơi công chúng, thậm chí có thể bị công chúng đánh giá như những người không có khả năng làm văn hóa, không có tầm văn hóa thì sẽ rất buồn.

 
Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI