Doanh nhân trực tiếp vào lớp giúp sinh viên thoát thất nghiệp

09/07/2017 - 13:16

PNO - Đây là điểm nổi bật của chương trình đạo tạo mới “Hội nhập quốc tế” mà trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (HIU) và Cộng đồng Top 100 Phong cách Doanh nhân vừa ký kết thực hiện.

Từng nhiều năm làm quản lý trong lĩnh vực giáo dục ĐH, PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết: “Trong thời gian qua người ta nói nhiều đến nghịch lý: các doanh nghiệp đang rất thiếu nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của mình, các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào việt nam cũng gặp rào cản này. Trong khi đó, hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp lại không tìm được việc làm. Thậm chí, bộ LĐTB&XH dự tính chi ra hàng ngàn tỷ đồng để xuất khẩu số cử nhân dư thừa này. Tại sao lại có nghịch lý như vậy?”.

Theo PGS Cần, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịc lý này. Trước hết, chương trình đào tạo của các trường đại học chỉ chú trọng đến việc trang bị các kiến thức cơ bản, chú ý nhiều đến tính hàn lâm nhưng lại ít quan tâm đến nhu cầu của thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Điều này đã được khắc phục nhiều trong những năm qua nhưng vẫn chưa đủ. Các môn học chưa bắt kịp sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ thế giới. Phương pháp đào tạo chậm đổi mới, không còn phù hợp. Giáo trình chậm được cập nhật.

Thứ hai, do thiếu thốn về cơ sở vật chất nên việc đào tạo trong trường chủ yếu là học chay, sinh viên hầu như không có điều kiện để thực hành, thí nghiệm và thiếu luôn cả cơ hội để phát triển năng khiếu của mình.

Mặc dù trong trường phổ thông học sinh đã được học ngoại ngữ từ năm lớp 6 và được tiếp tục học ở trường đại học nhưng năng lực ngoại ngữ của sinh viên khi ra trường là rất thấp, hạn chế lớn đến khả năng tìm việc và việc học lên cao.

Chưa có mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường và doanh nghiệp nên sinh viên ra trường hoàn toàn bỡ ngỡ với thực tế sản xuất kinh doanh nên rất khó đáp ứng những yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt là những doanh nghiệp không có hệ thống đào tạo tại doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm của sinh viên.

Theo PGS-TS Thái Bá Cần, chương trình hội nhập quốc tế được xây dựng định hướng hội nhập quốc tế và nghề nghiệp ứng dụng. Sự thay đổi này sẽ trang bị cho người học kiến thức và năng lực làm việc chuyên nghiệp, giải quyết các vấn đề thách thức của nghề một cách sáng tạo. “Trường mời các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, giảng dạy cho sinh viên, mang hơi thở của thực tiễn nền kinh tế vào những giờ lên lớp”, PGS-TS Thái Bá Cần nói.

Với cái “bắt tay” này, doanh nghiệp sẽ đỡ tốn chi phí đào tạo lại hoặc tìm không ra người phù hợp. Trong khi đó, sẽ đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm bằng cách liên kết với doanh nghiệp tạo ra 30.000 việc làm đa ngành nghề cho sinh viên thực tập và làm việc sau tốt nghiệp. Chương trình được đào tạo 50% thực hành- 50% lý thuyết với sự tham gia giảng dạy và hướng dẫn của các CEO và tại doanh nghiệp…

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI