Xe máy chở xác người đi 120km: Người nghèo ứng xử khác người có tiền

16/09/2016 - 16:45

PNO - Đến bệnh viện mà không có tiền, người nghèo chỉ muốn nhanh chóng đưa bệnh nhân về nhà cho xong việc. Còn người giàu thì cứu người bằng mọi giá!

Lại thêm vụ chở thi thể người bằng xe máy

Chiều ngày 16/9, ông Lương Văn Tuận, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La xác nhận, hình ảnh thi thể một người đàn ông được người thân bó chăn chiếu chở về bằng xe máy diễn ra vào ngày 8/9, trước 5 ngày diễn ra sự việc của chị Lò Thị Phanh khiến dư luận bức xúc.

"Người đàn ông này cũng ở huyện Quỳnh Nhai. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất yếu, sau 1 tiếng cấp cứu thì bệnh nhân tử vong", ông Tuận cho biết.

Theo ông Tuận, sau khi sự việc xảy ra phía bệnh viện đã đề nghị gia đình sử dụng xe ôtô vận chuyển thi thể bệnh nhân về nhà để đảm bảo vệ sinh, môi trường nhưng gia đình họ nhất quyết không đồng ý.

"Họ nói phong tục của họ là chở bằng xe máy như vậy. Họ không cần bệnh viện hỗ trợ xe hay thuê xe ôtô và cũng không có ý kiến gì. Họ nhất quyết làm như thế thì rất khó cho chúng tôi...", ông Tuận cho hay.

Xe may cho xac nguoi di 120km: Nguoi ngheo ung xu khac nguoi co tien
Một hình ảnh chở thi thể người thân về nhà bằng xe máy cũng diễn ra tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La vào ngày 8/9.

Người nghèo khác người giàu

Chiều ngày 15/9, ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM tâm sự cảm thấy "kinh khủng" khi chứng kiến bức ảnh người thân chở thi thể chị Lò Thị Phanh (40 tuổi) từ bệnh viện về huyện Quỳnh Nhai, Sơn La bằng xe máy.

Ông Sơn cho biết, suốt mấy chục năm làm nghề khám chữa bệnh, ông rất hiểu tâm lý của bệnh nhân và người thân. Với gia đình nghèo, tâm lý đi chữa bệnh của họ rất khác, không nhìn sự việc theo hướng tích cực như gia đình có điều kiện.

Theo ông Sơn, người nghèo không có tiền chạy chữa nên họ thường nghĩ đến việc bằng mọi cách đưa người thân về nhà và chấp nhận số phận. Chính vì thế, là người công tác trong ngành y tế, điều cần thiết không chỉ là biết chữa bệnh mà còn phải có tấm lòng nhân đạo, hiểu được hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân.

"Nếu trong hoàn cảnh biết bệnh nhân sức khỏe yếu và gia đình không có điều kiện, bệnh viện hoàn toàn có thể ứng xử nhân đạo hơn. Nhiều trang thiết bị tiền tỷ ở các bệnh viện đang đắp chiếu thì khoản tiền nhỏ hỗ trợ đưa bệnh nhân nghèo đang nguy kịch về quê thì không có lý gì không thực hiện được" - ông Sơn nói.

Xe may cho xac nguoi di 120km: Nguoi ngheo ung xu khac nguoi co tien
Hình ảnh khiến ông Sơn cảm thấy "kinh khủng".

Với trường hợp như của chị Phanh, liên quan tới vấn đề kinh tế. Nhưng không phải vì thế mà không có ngoại lệ, bác sĩ hiểu được hoàn cảnh của chị Phanh mà quyên góp, kêu gọi hỗ trợ hay đề xuất ban lãnh đạo cho xe đưa về thì chắc chắn không ai phản đối.

Còn GS.TS Phạm Gia Khải - Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia cho rằng, nếu bệnh viện có điều kiện mà không đưa về thì phải chịu trách nhiệm. Còn trong hoàn cảnh bệnh viện khó khăn thì cũng cần phải thông cảm.

Liên quan đến sự việc, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết về lý, việc giải quyết tình huống cho xe đưa bệnh nhân P. về quê là không có quy định. Nhưng về tình thì nên bố trí một xe đưa bệnh nhân về.

Bệnh nhân rời bệnh viện 30 km là qua đời thì rõ ràng sức khỏe không bình thường. Chưa kể quãng đường từ bệnh viện về tới quê bệnh nhân là 121 km là quá dài. Chị Phanh là bệnh nhân nghèo cũng thuộc diện được hỗ trợ vận chuyển 0,2 lít xăng/km.

Hiện Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Sơn Lan xác định rõ trách nhiệm của bệnh viện, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 23/9/2016.

Sông Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI