Ẩn chứa cả nền văn hóa

19/03/2015 - 09:05

PNO - PN - Cho đến nay, chiếc áo dài luôn là trang phục được yêu mến không phân biệt tuổi tác, vóc dáng và đã trở thành một biểu tượng khi nhắc đến Việt Nam.

edf40wrjww2tblPage:Content

An chua ca nen van hoa

Đi suốt từ quá khứ đến hiện tại, áo dài không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn nhận được sự ngưỡng mộ của thế giới. Áo dài có sức thu hút bởi chính sự linh hoạt, biến đổi dần trong quá trình phát triển và định hình ở mức độ cô đọng nhất. Kiểu dáng áo dài Việt Nam đã hình thành từ thế kỷ XVII. Suốt từ thời khẩn hoang đến đầu thế kỷ XIX, trang phục chủ yếu của người Việt Nam là áo dài. Đàn ông, đàn bà, cụ già, trẻ em, giới thượng lưu, trung lưu hay bình dân đều mặc áo dài. Trải qua nhiều thời đại khác nhau, kiểu dáng của chiếc áo dài Việt Nam đã dần thay đổi theo chiều hướng ngày càng mới.

Về hình khối của kiểu dáng áo dài, phần thân trên gồm hai tay, ngực, lưng và bờ vai ôm sát để lộ rõ đường nét cơ thể (thuộc DƯƠNG). Phần thân dưới được che kín bởi hai tà áo và hai ống quần rộng (thuộc ÂM). Cấu trúc về đường nét cắt may áo dài hầu hết đều là đường thẳng ở tay, đường tà vạt áo, các đường nhấn thẳng ở ngực, eo tạo cảm giác trang trọng nhưng rất mềm mại, trở thành đường cong theo dáng vóc người mặc. Chiều dài vạt áo có thể tùy theo ý thích hay chiều cao của người mặc mà có thể lên gấu vạt áo cho ngắn, hay xuống gấu…

Áo dài với loại hình văn hóa mặc gốc nông nghiệp là loại văn hóa trọng tĩnh (trọng ÂM), vì thế áo dài sẽ càng đẹp hơn, khi cần tới một phong thái dịu dàng khoan thai, kín đáo, không phô trương ở người mặc.

Áo dài cách tân hiện nay là một sản phẩm sáng tạo tập thể, kết hợp giữa truyền thống dân tộc với hiện đại, theo hướng tăng cường phô trương vẻ đẹp cơ thể một cách trực tiếp kiểu phương Tây; đa dạng màu sắc từ sáng đến tối, từ màu tươi đến màu trầm. Áo được may ôm gọn làm nổi rõ phần thân trên người mặc, xẻ tà áo hai bên cao hơn, hở lườn; không mặc với áo cánh, yếm mà thay bằng áo ngực du nhập từ phương Tây.

An chua ca nen van hoa

Chính sự khêu gợi một cách tế nhị, kín đáo, hở một cách “vòng vo” cùng quá trình điều chỉnh và phát triển kiểu dáng đã đáp ứng được yêu cầu của mọi thời đại. Áo dài Việt Nam đẹp ở cả hai khía cạnh giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ. Trang phục này thể hiện tính cách của người phụ nữ Việt Nam: đẹp một cách kín đáo, cho thấy được sự dịu dàng ý tứ bên trong. Có lẽ vì thế, áo dài là một trong số ít những trang phục truyền thống đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc.

Áo dài được giữ gìn không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn. Điều quan trọng là phải đưa được áo dài vào đời sống thực tế của thời đại, hướng tới thế hệ trẻ Việt Nam, để khi tiếp cận với văn hóa thế giới, với nền văn minh công nghệ hiện đại thì họ vẫn nhớ văn hóa cội nguồn; làm cho áo dài trong phong cách của người mặc với kiểu dáng luôn mới, vẫn ẩn chứa cả nền văn hóa Việt.

NTK LÊ SĨ HOÀNG
(Giám đốc Bảo tàng áo dài)

Diễn viên Vân Trang: Trang phục tự hào

Lần đi dự liên hoan phim tại Hàn Quốc, tôi đã chọn trang phục áo dài. Thật bất ngờ là sự xuất hiện của áo dài trên thảm đỏ lại được khán giả, nghệ sĩ nước bạn yêu thích đến vậy. Tôi hay nói vui, đi dự liên hoan phim ở nước ngoài mà mặc áo dài thì cũng như “một mũi tên trúng hai con nhạn vậy”, tạo được sự chú ý đặc biệt và cũng để lại ấn tượng đẹp với trang phục truyền thống của nước mình. Điều đó khiến tôi cảm thấy thật tự hào.

Tính tôi “manly” lắm, nhưng rất thích mặc áo dài. Cứ mỗi lần mặc áo dài là thấy mình dịu dàng, thùy mị hẳn ra. Tôi mặc áo dài đi học từ năm lớp 6, từ lúc còn nghịch ngợm cột chéo vạt áo dài hai bên cho đến khi ý thức được vẻ đẹp, duyên dáng của chiếc áo dài trắng. Cho đến bây giờ, lúc nào tôi cũng thấy áo dài đẹp, không chỉ tôn vinh vóc dáng của người phụ nữ mà còn mang vẻ đẹp e ấp, vừa kín đáo nhưng cũng thật quyến rũ. Từng có dịp mặc áo dài xưa trong phim Lòng dạ đàn bà cho đến những kiểu áo biến tấu sau này, tôi thấy cho dù có cách điệu như thế nào áo dài vẫn vô cùng duyên dáng.

Đạo diễn Ái Như: Ủng hộ hết mình Ngày áo dài

An chua ca nen van hoa

Có một nét đẹp văn hóa về tà áo dài xưa mà có lẽ thế hệ bây giờ không biết. Tôi vẫn nhớ những hình ảnh rất thơ trong các khu chợ Huế người buôn bán hàng rong ai nấy đều mặc áo dài, lúc làm việc họ có thể cột tà áo cho gọn lại nhưng khi về họ thả tà áo ra, đạp xe thong dong trên phố, nhìn rất đẹp. Ngày ấy đường phố thông thoáng, bây giờ không thể mặc áo dài thường xuyên như vậy được, nhưng áo dài là một nét đẹp văn hóa mà chúng ta cần kế thừa, gìn giữ. Tôi hoàn toàn ủng hộ Ngày áo dài. Trong những ngày lễ lớn của gia đình tôi đều mặc áo dài. Khi khoác lên tà áo truyền thống tôi cảm nhận được sự trang trọng của sự kiện mình tham gia, mọi ứng xử cũng khiêm cung và từ tốn hơn. Áo dài không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài mà còn ảnh hưởng đến nhận thức bên trong, vô tình thôi nhưng tất cả đều tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Đoàn Loan, Chuyên viên PR: Mặc như trang phục thời trang

An chua ca nen van hoa

Tôi không phải là người thích mặc áo dài nhưng tôi nghĩ, trong tủ áo của mỗi bạn gái nên có ít nhất một chiếc. Và, hãy mặc nó như một trang phục thời trang.

Tôi không phân biệt áo dài truyền thống hay áo dài cách tân. Với tôi, áo dài là áo dài. Thời trang là một ngành công nghiệp sáng tạo. Và áo dài, thật may mắn (hơn các trang phục truyền thống khác) có những nốt thăng trầm riêng, thay đổi theo nhịp điệu vận động của thời trang. Vậy thì tại sao phải phân biệt truyền thống hay cách tân? Áo dài thay đổi vì xu hướng thời trang thay đổi, như bao trang phục khác. Nếu bạn yêu áo dài, bạn hãy cập nhật các mốt mới nhất của nó. Nếu bạn không yêu áo dài nhiều lắm, hãy chọn cho mình một thiết kế ít bị lỗi mốt nhất.

SONG GIANG - Đ.P.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI