edf40wrjww2tblPage:Content
Chỉ trích và bao biện
Tại cuộc báo sáng 7/8 tại Quảng Nam do tập đoàn Besra tổ chức, chủ tịch tập đoàn này, ông David Seton, cuối buổi họp nói rằng xin rút lại hết những chỉ trích với giới truyền thông. Nhưng những thông tin từ ông đưa ra, chứa đầy sự bao biện, loanh quanh, đổ trách nhiệm cho truyền thông và Cục thuế tỉnh về nguyên nhân hai nhà máy vàng tại Phước Sơn và Bồng Miêu đến nay vẫn chưa hoạt động.
Ông David Seton
Ông David Seton cho rằng, những trích dẫn của báo chí về số nợ, số vàng bán ra hàng tấn, sự chây ì không trả nợ, không trả lương công nhân, tiền xuất khẩu vàng chạy về đâu không biết, không cam kết trả nợ cũ, báo chí dẫn nguồn từ những người nào đó không có hiểu biết, trách nhiệm, đã khiến dư luận hoài nghi về sự minh bạch tài chính của tập đoàn này. “Nói chúng tôi khai thác vàng tấn mà không nộp thuế là không đúng, vì chúng tôi luôn được thanh tra kiểm tra”, ông này nói.
Lỗ và nợ đầm đìa Thông tin từ tập đoàn Besra cho hay, đến nay họ đã khai thác khoảng 6,9 tấn vàng; nợ bảo hiểm xã hội trên 8,3 tỷ đồng; lỗ từ 2010 - 2014 là 37,9 triệu USD. |
Ông cho rằng, không muốn tranh luận trên báo vì ông chỉ làm việc với Cục thuế: “Những phát ngôn của ai đó ở Cục thuế, thì cần phải hỏi lại chúng tôi”.
Ông đặt vấn đề trách nhiệm của báo chí và chính quyền, cụ thể là những người lãnh đạo ở Cục thuế Quảng Nam: “Tôi đã hy vọng rằng hai nhà máy vàng sẽ hoạt động trở lại trong tuần này, nhưng thông tin của báo chí gần đây khiến tôi cho rằng việc này đã chậm lại. Ai nói những điều đó, sẽ phải chịu trách nhiệm trước những người lao động của tôi vì họ không có việc làm trong tuần này”.
Trả lời câu hỏi bao giờ tập đoàn trả hết nợ cho tỉnh, các cá nhân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, ông David Seton cho rằng chỉ khi nào hai nhà máy này hoạt động trở lại, thì mới tính được chi tiết. Cuộc họp gần nhất giữa Cục thuế Quảng Nam và tập đoàn vào ngày 4/8, về phương thức trả nợ, cuối cùng không đi đến kết quả. Hai bên thống nhất chờ ý kiến từ Trung ương, khi Cục thuế yêu cầu trả nợ trong vòng 12 tháng, kèm theo bảo lãnh từ ngân hàng, còn tập đoàn thì ra điều kiện 24 tháng, không nhắc chuyện bảo lãnh ngân hàng.
Cố tình vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Ông Lương Đình Đường: “Họ đã không lành mạnh”
Có mặt tại cuộc họp này, ông Lương Đình Đường, Phó cục trưởng Cục thuế Quảng Nam, khẳng định: “Việc nợ thuế của tập đoàn này, đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam”. Với ý kiến cho rằng, Cục thuế tỉnh đã không tạo điều kiện cho DN hoạt động, ông Đường khẳng định: Lệnh cưỡng chế thuế đã từng được tạm ngừng trong 8 tháng để Công ty vàng Phước Sơn tính toán, trả nợ, nhưng họ không thực hiện, trong khi nợ tăng liên tục từ cuối 2012 đến tháng 9/2013. Đến tháng 4/2014, lệnh cưỡng chế mới thực hiện, dù 8 tháng trước đó đã từng làm rồi tháo gỡ.
Tình huống bất ngờ Đại diện Công ty TNHH TM Xăng dầu Trường Xuân (Tam Kỳ), không có trong danh sách mời họp báo, bất ngờ xuất hiện chất vấn lãnh đạo tập toàn trên về món nợ 4 tỷ đối với họ. Vị đại diện này, ông Lê Đình Thục (ảnh) nói: “Chúng tôi đã kiện ra tòa ngày 29/7, đã có bản án của tòa án huyện Phước Sơn, nhưng có người đại diện pháp lý của tập đoàn đã điện thoại và nói rằng, có gì thì thỏa thuận với nhau, chứ kiện thì tòa án và thi hành án cũng không làm được gì họ”. |
“Quảng Nam có 4.000 DN nộp thuế, có những DN nộp thuế 24 ngàn/tháng, có DN nộp 100 tỉ/tháng, hầu hết họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Đến tháng 6/2014, số nợ thuế của cả tỉnh là 768 tỷ, thì 2 công ty vàng đã là 297 tỷ, chiếm 38%. Hiện có 9 DN gửi đơn nhờ cục thuế can thiệp vì tập đoàn mắc nợ họ, họ không có tiền nộp thuế. Chúng tôi chuẩn bị cưỡng chế 1 DN chuyên cung cấp hàng cho công ty vàng Phước Sơn vì họ nợ thuế 4 tỷ đồng”, ông Đường nói.
Trước thông tin tập đoàn bán vàng không được vì vàng rớt giá, khiến thua lỗ, ông Đường cho biết: “Số thuế nợ đã được cơ cấu vào giá bán vàng, đủ doanh thu rồi, thì DN có trách nhiệm phải nộp thuế. Nhiều lần chúng tôi đã giải thích điều này. Công ty đã sử dụng tiền này vào mục đích khác. Công ty cho rằng phải hoạt động trở lại mới trả nợ thuế là không đảm bảo pháp luật và không lành mạnh”. Ông Đường nói thêm: “Nửa cái bánh mì là cái bánh mì, nhưng nửa sự thật thì chưa hẳn là sự thật. Công ty đã cố tình không chấp hành nộp thuế”.
Trước ý kiến này, ông David Seton đành thú nhận rằng ông Đường nói có doanh thu mà không trả nợ là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên ông này cũng chống chế, rằng món nợ chủ yếu là thuế tài nguyên, trong khi thuế tài nguyên tại Việt Nam liên tục tăng. Ông này nói, nhiều khi khai thác lên thì trong quặng chưa chắc đã có vàng.
Phản bác ý kiến trên, ông Đường khẳng định thuế tài nguyên của Công ty vàng Bồng Miêu suốt trong thời kỳ khai thác chỉ 3%, nhưng số nợ của họ đã là 52 tỷ đồng.
Trước câu hỏi việc đóng cửa hai nhà máy có phải để gây áp lực với chính quyền, ông David Seton nói rằng đây không phải là vấn đề chính trị, mà chỉ là vấn đề tài chính.
Nợ nần bao giờ mới trả, lệnh cưỡng chế có được gỡ bỏ không, nhà máy bao giờ mới hoạt động trở lại, câu trả lời là… không biết khi nào và ra sao!
Trung Việt