Đọc sách trái chuyên ngành - một cách làm mới đầu óc

04/01/2018 - 08:51

PNO - Chỉ cần biết chữ, sách sẽ đem lại cho người đọc (nói một cách nôm na), cho nhân loại (nói một cách cao cả), một thế giới phong phú mà hiếm có loại hình nghệ thuật nào đuổi kịp.

Đọc sách là một phương thức quan trọng giúp người thầy thay đổi, nhưng đọc sách thế nào để đạt hiệu quả cao? PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh - Phó trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM đã chia sẻ một số kinh nghiệm của mình.

Doc sach trai chuyen nganh - mot cach lam moi dau oc
 

Đọc sách như thế nào để không quên?

Đã sống gần hết một đời, tôi tự thấy mình thích rất nhiều thứ như làm bánh, nấu ăn, trồng cây, dạy học, nghiên cứu… nhưng việc gì cũng chỉ làm tài tử. Chỉ một thứ tôi nhận ra mình thật sự đam mê là đọc sách. Mỗi ngày, dù mệt mỏi, căng thẳng đến mấy thì nếu không đọc tôi cứ cảm thấy thiếu thiếu gì đó.

Ngẫm lại, thời gian chúng ta đọc nhiều nhất là thời tuổi trẻ, khoảng từ 15-22 tuổi. Lúc đó, chúng ta như một tờ giấy trắng, thấm tất cả những gì nó có thể hút được; nhưng lại rất mau khô, không nhớ mấy về những cuốn sách đã đọc, trừ những cuốn thật tâm đắc. Giờ thì thời gian có hạn, nên phải chọn sách hay để đọc. Và cũng do đọc ít hơn, có chọn lọc hơn nên nhớ nhiều hơn. 

Hôm rồi, tìm được vài trang web có thể down truyện về đọc, bỗng dưng tôi chợt bồi hồi. Bao nhiêu tựa truyện xưa từng đọc như Trên bờ sông hoang vắng, Trên mảnh đất người đời, Đầu giáo sư Đô Oen, Cái chết trên chấm phạt đền, Chữ A màu đỏ, Sợi chỉ mỏng manh, Đoạn đầu đài, Cây phong non trùm khăn đỏ, Chó hoang Dingo… mà giờ gần như mình không nhớ chút gì, chỉ còn nhớ mỗi tựa sách.

Từ cái nuối tiếc đó, tôi lại nghĩ: mình nên đọc sách thế nào để không quên, để có thể học được nhiều điều từ sách? Chúng ta đọc sách vì nhiều lý do, trong đó có hai lý do quan trọng nhất là đọc vì yêu thích và đọc vì bắt buộc (ngành học, ngành làm việc). Nhưng, dù cho vì lý do gì thì việc đọc sách đúng cách cũng là điều cần lưu ý. Theo tôi, có một số nguyên tắc đọc sách sau đây.

Khi đọc vì bắt buộc, ví dụ như khi học chuyên ngành, khi đi làm cần bổ túc kiến thức nghề nghiệp, chúng ta thường dễ dàng chấp nhận việc ghi chép lại những ý quan trọng để có thể sử dụng sau này; nhưng khi đọc sách vì hứng thú, chúng ta lại “dị ứng” với việc làm đó. Trong khi đó, mục đích của việc ghi chép là giống nhau - để chúng ta rút ra được điều gì đó từ cuốn sách.

Do đó, việc ghi chép thật sự rất cần thiết. Với sách chuyên ngành, sách nghề nghiệp, việc ghi chép cần tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc: ghi tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản, số trang, nội dung tóm tắt của cuốn sách, nội dung các chương, dẫn chứng thì cần ghi rõ từ trang nào… 

Doc sach trai chuyen nganh - mot cach lam moi dau oc
PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh

Nếu đọc vì yêu thích, chúng ta có thể tập viết review về cuốn sách đó. Ngày nay, việc đăng các review lên trang cá nhân rất phổ biến, vừa để ghi dấu là ta đã đọc gì, học được bài học nào từ cuốn sách; vừa để chia sẻ với bạn bè, cộng đồng về một cuốn sách hay - một nhu cầu cũng quan trọng như nhu cầu đọc sách. Tôi đã thử thống kê một năm mình đọc được bao nhiêu cuốn sách, mà nếu không nhờ những review này, lắm khi tôi cũng quên mất mình đã đọc những gì. 

Dù đọc vì yêu thích hay vì bắt buộc, nếu không có thói quen đọc sách ngay từ nhỏ thì bạn rất khó đọc cho hiệu quả. Ở tuổi mầm non, trẻ đã cần phải làm quen với sách. Cha mẹ nên hướng sự chú ý của trẻ đến sách song song với những trò chơi, đồ chơi.

Những biện pháp hữu hiệu là tối tối cha mẹ đọc sách với con, chỉ con xem các hình vẽ, ra đường thì đố con các bảng hiệu, hỏi con những câu hỏi về nội dung sách một cách khéo léo… Lớn hơn một chút, nên đọc truyện chữ hơn là truyện tranh, chú ý đến tâm lý lứa tuổi để chọn sách phù hợp.

Nếu có sự quan tâm hướng dẫn của người lớn, chúng ta sẽ dần hình thành thói quen đọc sách cho con trẻ. Lặp đi lặp lại khung giờ đọc sách nhất định sẽ giúp việc đọc sách trở thành nhu cầu và thói quen hằng ngày. Đến một lúc nào đó, chắc chắn việc đọc sách sẽ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với chúng ta. Đó là lúc chúng ta đã hình thành được thói quen đọc sách.

Sách đọc rồi mình còn quên, thì chắc chắn những gì cuốn sách đó đem lại cho mình, mình khó mà lĩnh hội. Việc ghi chép về những cuốn sách mình đã đọc giống như mình đọc lại lần thứ hai cuốn sách đó.

Chúng ta đọc xong, gấp sách lại, nghĩ về nó, hệ thống những gì mình rút ra được, vừa nâng cao năng lực tư duy, vừa rèn luyện năng lực sử dụng ngôn ngữ của mình. Đây là cách tôi thường khuyến khích sinh viên thực hiện khi học xong một môn học nào đó. Cách này có thể áp dụng cho học sinh từ cấp II trở lên.

Thông thường, chúng ta hay nghĩ mình học ngành gì, làm nghề gì thì chỉ cần đọc sách của ngành đó là đủ. Ví dụ, giáo viên dạy văn chỉ cần đọc sách văn học, dạy sử chỉ cần đọc sách lịch sử…

Tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy, ngại đọc sách không phải sách văn học; thậm chí ngại đọc cả sách văn học không thuộc chuyên ngành hẹp của mình. Nhưng gần đây, tôi có đọc “lấn” sang một số cuốn về lĩnh vực tôn giáo (Đường mây qua xứ tuyết, Bàn tay cũng là hoa, Nắng và hoa…), lịch sử (mấy cuốn của Tạ Chí Đại Trường)… thì thấy rất bổ ích. 

Sách trái chuyên ngành, nếu hay, sẽ giúp “làm mới” đầu óc chúng ta, lâu nay vốn chỉ quanh quẩn trong tầm an toàn của mình. Sách trái chuyên ngành còn mở rộng kiến thức và nhãn quan cho ta rất nhiều, nhất là trong thời đại mà xu thế chung là các kiến thức đều được tổng hợp, lồng ghép rất tự nhiên, rất nghệ thuật; sách tâm lý vẫn có chất văn (mấy cuốn của Đặng Hoàng Giang), sách văn chương lại có nhiều kiến thức về tâm lý, du lịch, khảo cổ, lịch sử… 

Thói quen đọc sách sẽ hình thành “gu” đọc

Khi còn nhỏ, “gu” đọc sách thường do cha mẹ chọn, ví dụ nhỏ thì đọc cổ tích, truyện cười, truyện tranh; lớn thêm một chút chúng ta sẽ tự chọn sách cho mình, ví dụ truyện trinh thám, sách về thiên nhiên, khoa học tự nhiên, hạt giống tâm hồn… Từ đó, chúng ta dần hình thành xu hướng đọc sách của bản thân, vì đọc sách không chỉ là quá trình khám phá thế giới mà còn là tự khám phá chính mình.

Ở đây, tôi có hơi băn khoăn vì nhiều lúc nghe sinh viên hỏi, đại khái là “cô ơi, em thích đọc ngôn tình thôi, có sao không?” hay “em chỉ đọc được sách trinh thám, có sao không?”. Dĩ nhiên là không sao. Nếu ta đọc sách theo thị hiếu của mình thì sẽ thích hơn, dễ đọc và thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, không lý nào chúng ta chỉ “ăn” mãi một món, trong khi sách là một thế giới đầy màu sắc, nhiều khẩu vị. Do vậy, ta luôn cần nâng cấp và đa dạng thị hiếu. Việc này sẽ giúp cho sự tiếp thu của chúng ta thêm phong phú, thêm chất lượng. 

Nhiều người cho là việc đọc sách hiện nay đang bị “thoái trào” vì có quá nhiều loại hình nghệ thuật và các phương tiện thưởng thức khác; nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi cho đó chỉ là sự san sẻ. Nhìn lại một chút sẽ thấy, trước đây chúng ta có cái gì để giải trí, để nâng cao tầm hiểu biết, để mở mang đầu óc, ngoài sách đâu?

Vì thế nên chúng ta dành thời gian cho việc đọc sách nhiều hơn ngày nay. Còn bây giờ thanh niên có quá nhiều loại hình nghệ thuật (âm nhạc, điện ảnh, hội họa…) để thưởng ngoạn, nhiều đến độ thừa mứa, đến độ khó chọn lọc được cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào đáng, cái nào không đáng… Do đó, sách bị xếp cùng loại, thậm chí xếp hàng kém ưu tiên hơn các phương tiện khác. 

Với riêng tôi, trong tất cả các loại hình nghệ thuật, đọc sách vẫn là loại hình thưởng thức nghệ thuật cơ bản nhất. Nó chỉ có yêu cầu duy nhất: biết chữ. Chỉ cần biết chữ là người ta có thể đọc bất cứ thứ gì. Chỉ cần biết chữ, sách sẽ đem lại cho người đọc (nói một cách nôm na), cho nhân loại (nói một cách cao cả), một thế giới phong phú mà hiếm có loại hình nghệ thuật nào đuổi kịp. Cũng vậy, chỉ cần biết chữ là người ta có thể sáng tác. Hơn thế, chữ nghĩa đem lại cho người đọc một thế giới gần như toàn diện, cả âm thanh, màu sắc, hình ảnh. Nó là tổng hòa của các loại hình nghệ thuật. 

Nếu vào lớp chỉ đọc lại sách giáo khoa thì học sinh dư sức đọc, nên người thầy phải có thêm cái gì đó để trao cho học sinh. Người thầy, dù dạy bất kỳ môn học nào, cũng không thể không đọc sách. Không những đọc sách chuyên môn của mình mà còn phải đọc rộng ra nhiều chuyên môn khác, để không chỉ biết rộng mà còn phải biết sâu lĩnh vực mình quan tâm”.

TS Bùi Trân Phượng (người khởi xướng dự án Cùng giáo viên thay đổi)

PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI