Chuyện xưa, kết đi, được chưa? *

17/01/2018 - 15:57

PNO - Không ai thay đổi được những chuyện đã xảy ra. Nhưng người ta có quyền chọn cách ứng xử với chuyện buồn quá khứ.

Bác ngồi trầm ngâm: “Chắc không đi Mỹ nữa. Giờ lòng người giông bão thế này, sang đó không khéo... tan nát hết”.

Chuyen xua, ket di, duoc chua? *
Ảnh minh họa

Bác tôi mơ ước sang Mỹ định cư từ ngày còn trẻ. Toàn bộ gia đình bác, cả thảy bảy người, đều đã an cư trên xứ cờ hoa, chỉ còn bác gái tôi lấy chồng rồi ở lại quê nhà. Năm đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống trôi đi, tuổi già đến như chớp mắt. Các con bác bây giờ, người trước người sau đều đã sang Mỹ học tập, sinh sống. Nay có cơ hội, họ bảo lãnh bố mẹ sang. Bác vui lắm.

Nhưng bác trai thì không. Đến phút chót, sau khi phỏng vấn visa thành công, bác mới nói. Mâu thuẫn âm ỉ tháng năm lộ ra. Hơn 30 năm, khoảng cách nội - ngoại được tính bằng độ dài nửa vòng trái đất, nên người ta tạm quên đi. Nhưng trong lòng bác trai không quên câu chuyện cũ.

Ngày xưa, khi nhà trai sang đón dâu, cha vợ đã bắt bác trai và họ hàng chờ ngoài đường hai giờ mới cho vào nhà. Cái “vết” ấy, với bác trai, là sự sỉ nhục nặng nề. Họ hàng thảng hoặc vẫn còn người nhắc lại. Bác trai cũng “nuôi hận” cha vợ từ đó.

Nhưng mà... nhà nội cũng chẳng vừa. Ngay khi đón dâu đến cửa nhà, mẹ chồng lập tức dẫn dâu vào bằng cửa sau; dù ngày đó, bác gái chẳng làm gì sai quấy. Kiểu trả đũa qua lại ấy đã làm những ngày đầu của cuộc hôn nhân trở nên nặng nề, “ám” vào cả những năm tháng sau này.

Bác gái cay đắng: “Hôm qua ổng say, về la lối om sòm cả đêm. Bác nghe mà trào nước mắt. Ổng nói sẽ cùng sang bên đó, tìm cha vợ “trả thù”, làm cho một trận rồi về, cắt đứt với nhà ngoại luôn”.

Quá khứ đã tìm về, làm đảo lộn thực tại. Những ngày giáp tết này, với gia đình bác tôi, sẽ không còn xôn xao ấm áp. Chuyện xưa, một khi khuấy lên, sẽ khó mà lắng xuống.

Gia đình nhỏ của tôi cũng có những chuyện muốn quên đi. Chồng tôi từng có một đời vợ và một con riêng, còn tôi lại là con gái đầu của một nhà “có giá”. Ngày cưới, trừ họ hàng thân thiết, nhiều người không biết rằng bố mẹ tôi đã phải nhắm mắt bỏ qua quá khứ của chồng để chấp nhận cho chúng tôi lấy nhau. Tôi và anh sống hạnh phúc.

Thế mà không ít lần tôi nhận được những tin nhắn nặc danh: “Chồng cô từng có vợ, có con riêng đấy, cô biết chưa?”. Người ta dằn vặt chúng tôi bằng những trò soi mói như thế. Dù chúng tôi không quan tâm, dù chúng tôi giận dữ, vẫn có những người tiếp tục đem chuyện cũ ra để khơi sóng gió. 

Kết lại chuyện xưa, xếp nó vào vị trí của nó: quá khứ, nhìn nó bằng đôi mắt bao dung hơn, nhiều trải nghiệm hơn của thực tại. Cảm thông cho “ngày xưa” của người khác. Nói thì dễ, nhưng tính người hiếu kỳ lắm. Cứ xem truyền hình gần đây thì thấy: công chúng sau khi đã tạm no với tiếng cười, thì liền có ngay món ăn mới, là những nước mắt sau ánh hào quang, là quá khứ của những người nổi tiếng.

Một vài câu chuyện khi xưa tưởng đã yên lắng đã được xới lên, lại xát muối vào lòng người đang sống. Quy chiếu vào quá khứ để tìm xem ai đúng ai sai dường như bất khả, chỉ biết hiện tại của mỗi người sẽ khó sống hơn, khó đối diện với nhau hơn.

Thôi thì, chuyện xưa, kết đi, được chưa? Kết đi để sống tiếp, vì đời mình còn phải tiến về phía trước. Kết đi để hành trang đi tới của mình nhẹ nhàng hơn, vì trước mắt mình là những khởi đầu mới, còn biết bao chuyện khác để lo toan.

Mùa xuân này, tôi lại dọn dẹp đôi ba chuyện cũ để quang quẻ cho cuộc hôn nhân của mình. Và mong cho gia đình bác tôi có thể thu xếp lại quá khứ một cách nhẹ nhàng, chuyện đã quá lâu rồi... n

Kết hôn, hai bác đã sống với nhau hòa thuận, con cái ra đời và đều ngoan ngoãn, thành đạt. Nhưng nay... khi ý muốn đoàn tụ gia đình của bác gái sắp thành hiện thực, bác trai bất ngờ lật tung tất cả chỉ vì những chuyện ngỡ đã ngủ yên của ngày xưa.

Không ai thay đổi được những chuyện đã xảy ra. Nhưng người ta có quyền chọn cách ứng xử với chuyện buồn quá khứ.

(*) Tựa một tập truyện của nhà văn Bảo Ninh

Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI