YouTube Việt: Kéo nhau đi làm 'nhà sáng tạo nội dung'

13/04/2019 - 09:00

PNO - Chỉ với chiếc điện thoại có chế độ quay/chụp và kết nối mạng, ai cũng có thể trở thành YouTuber. Hàng trăm điều đáng kinh hoảng đã xuất phát từ đây.

 YouTube Việt - một vũ trụ hoang

Không người quản lý, không có luật lệ, mỗi cá nhân mặc sức khai khẩn... là hiện trạng của YouTube Việt hiện tại.  

Chưa bao giờ, YouTube và từ khoá YouTuber (nhà sáng tạo nội dung- theo cách gọi của YouTube) lại gây ngao ngán đến thế. Không hẳn trước đây YouTube không tồn tại những bất cập mà vì trong một thời gian ngắn, sự bất lực của người dùng trước những nội dung nguy hiểm lẫn của công tác quản lý ngày càng lộ rõ.

Hằng hà sa số những kênh YouTube chứa nội dung độc hại, tiêu cực vẫn ngang nhiên tồn tại và xuất hiện ngày càng nhiều. Trong khi đó, lực lượng chức năng chỉ vào cuộc khi vụ việc bị dư luận, truyền thông lên tiếng. 

Thời của YouTuber từ nhà ra phố

Không cần quá nhiều thiết bị để trở thành YouTuber, chỉ cần tối thiểu chiếc điện thoại có thể quay, chụp và kết nối mạng là đủ điều kiện để thành "người sáng tạo nội dung".

YouTube Viet: Keo nhau di lam 'nha sang tao noi dung'
Top 10 kênh YouTube đang nhận được lượng theo dõi nhiều nhất Việt Nam

Không có yêu cầu về chất lượng kỹ thuật khi đăng tải video lên YouTube là một cơ hội mở cho tất cả những người tham gia mạng xã hội này. Bên cạnh đó, YouTube đề cao tính thực tế, trải nghiệm nên với những nội dung do "chính chủ" thực hiện, lượt tương tác cũng sẽ tăng lên. Điều đó có nghĩa, dù không được thực hiện với chất lượng tốt nhất nhưng chỉ cần “gãi đúng chỗ”, view tự khắc sẽ cao.

Dễ dàng thực hiện và nếu đáp ứng được cái người xem cần thì sau khi YouTube bật chế độ kiếm tiền (YouTube sẽ bật chế độ kiếm tiền - chèn quảng cáo cho kênh đáp ứng 4.000 giờ xem và đạt 1.000 lượt theo dõi trong vòng 12 tháng), tiền thu về là thật. Do đó, nhiều người thậm chí bỏ công việc để trở thành YouTuber khi thấy nguồn lợi quá dễ dàng, công việc lại tự do.

Chị L., một chủ kênh YouTube nhỏ kể về đồng lương văn phòng 8 triệu/tháng và khoản thu trên YouTube có tháng lên đến 25 triệu. Kênh của chị L. cùng những người bạn thực hiện không phải là kênh đầu tư chất lượng kỹ thuật, ngoài chiếc điện thoại, tuỳ thành viên mà có thêm chân máy, máy ảnh, mic. Nội dung kênh chia sẻ về những món ăn vặt Sài Gòn nằm trong hẻm ít người biết và một số quán nổi tiếng. Sau một thời gian, thấy được nguồn lợi thu về, mỗi người trong nhóm lại tách ra thực hiện kênh riêng.

YouTube Viet: Keo nhau di lam 'nha sang tao noi dung'
Khá Bảnh với hình ảnh đốt chiếc xe giá trị để thể hiện bản thân.

Những câu chuyện về việc đăng giờ nào nhiều người xem, làm nội dung nào hút view, ghi từ khoá nào gợi tò mò và livestream mới tăng được thời gian xem nhanh nhất... là một số gợi ý chị L. nhắc cho người mới. Thay vì đi ăn rồi về thì đi ăn kết hợp quay phim không gian quán, giới thiệu đôi điều về món ăn, siêng hơn thì hỏi chủ quán thêm vài ba câu là đã "sáng tạo" xong nội dung. Chỉ cần đều đặn đăng video mỗi ngày, lượng người xem sẽ tăng dần, đó là khẳng định chắc nịch từ chị L.

Rất nhiều YouTuber thực hiện video những cái mình thích và đăng tải như một cách lưu giữ kỷ niệm, để rồi sau đó, khi kênh được bật chế độ kiếm tiền, là hành trình "lượm" tiền và bắt đầu chuyển hướng sang những điều người xem thích. Đương nhiên, sẽ có những yêu cầu riêng về số lượng đăng tải video khi kênh đã đạt được lượng người xem ổn định, để tránh bị tụt hạng nhưng rõ ràng, YouTuber không cần phải có trình độ chuyên môn mới có thể làm.

Từ mở cửa đến nở nồi

Chính việc một học sinh cấp 2, người làm văn phòng, chạy xe ôm... đều có thể trở thành YouTuber dẫn đến những câu chuyện dở khóc, dở cười. "Giang hồ mạng" với những clip văng tục, đánh nhau, thách thức người xem, bạo lực như Khá Bảnh, Phạm Tuấn, Ngân Trọc... bỗng trở thành... thần tượng của giới trẻ. Và, như Khá Bảnh, các "giang hồ mạng" kiếm được mỗi tháng một khoản gấp rất nhiều lần lương của một nhân viên công sở. 

YouTube Viet: Keo nhau di lam 'nha sang tao noi dung'
Kênh YouTube của Khá Bảnh chứa nhiều nội dung bạo lực, cổ suý lối sống không lành mạnh.

YouTube mặc dù có những quy định riêng về nội dung, có bộ lọc để quét tự động những video chứa nội dung phản cảm, vi phạm bản quyền nhưng với khoảng 100.000 video được đăng tải mỗi ngày, sự kiểm soát đó là bất khả!

YouTube từng có những trường hợp mạnh tay xoá sổ kênh của YouTuber nổi tiếng chỉ cần 3 lần vi phạm bản quyền bị báo cáo như kênh VTV hay xoá thẳng MV chục triệu view của Noo Phước Thịnh. Nhưng, với những nội dung phản cảm, độc hại YouTube gần như không có cơ chế giám sát để phát hiện, chỉ có thể xử lý khi nhận được báo cáo từ người dùng. 

Nếu Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) không gửi văn bản yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ YouTube xoá kênh Khá Bảnh, nhân vật này vẫn sống khoẻ nhờ "kênh giang hồ" của mình với hàng trăm triệu thu được mỗi tháng. Và chắc chắn, nếu không có vụ xoá kênh của Khá, kênh của những "giang hồ mạng" khác đã không tiết chế tính bạo lực, tục tĩu như hiện tại. 

YouTube Viet: Keo nhau di lam 'nha sang tao noi dung'
Kênh của Phú Lê đổi giao diện ngay sau khi kênh của Khá Bảnh bị xóa.
Nếu tháng 6/2018, Việt Nam có 71 kênh đạt nút vàng (hơn 1 triệu lượt theo dõi, theo thống kê của trang Socialblade) thì đến ngày 12/4/2019, số lượng kênh đạt nút vàng đã tăng tới 185 kênh. 

Từ dễ dàng thực hiện, dễ dàng hiểu thị hiếu của người xem đến bất chấp để kiếm view, nâng lượng người theo dõi kênh là khoảng cách không quá xa. Đáng buồn, nhiều YouTuber đang biến công việc “hái” ra tiền của mình thành trò rẻ rúng trong mắt mọi người. Tại đám tang của cố nghệ sĩ Anh Vũ mới đây, chưa bao giờ từ khoá YouTuber/streamer lại được nhắc nhiều đến thế.

Mọi người nhắc về thái độ bất chấp để quay được cảnh tang thương của gia đình cố nghệ sĩ, nhắc về cách nói năng rôm rả không phù hợp trong không gian của một tang lễ. Nhưng, một khi lượt xem cũng là cần câu cơm, sự bất chấp của các YouTuber là không lạ. Một sự xung đột nhận thức xảy ra, mà câu chuyện liên quan đến định tính chưa bao giờ dễ dàng để xử lý triệt để.

YouTube Viet: Keo nhau di lam 'nha sang tao noi dung'
Một kênh YouTube thu hút 18 nghìn lượt xem trực tuyến vào trưa 9/4 khi quay lại cảnh bên ngoài chùa Ấn Quang, nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Anh Vũ.

Quyền năng của YouTube

Với lượng người theo dõi lớn, YouTuber đang sở hữu nhiều quyền năng mà theo đó, họ tác động lớn đến thái độ, hành vi của đám đông. Sức ép dư luận từ họ, trong nhiều trường hợp, trở thành con dao 2 lưỡi khó lường.

Vụ “khui” resort Aroma của YouTuber Khoa Pug gần đây, chỉ với một clip ngắn đôi co giữa nhân viên resort và Khoa Pug về việc đặt phòng, kênh của anh tăng thêm vài trăm ngàn lượt theo dõi. Nhờ sức ép dư luận, Khoa Pug khiến mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng, buộc resort gửi thư xin lỗi và trả số tiền đặt phòng ban đầu.

Nhưng không dừng lại ở đó, khi Pew Pew (vlogger Hoàng Văn Khoa) lên tiếng về việc đám đông đang hùa theo Khoa Pug mà không tìm hiểu cặn kẽ từ 2 phía, ngay lập tức, hơn 2.000 người tìm ra địa chỉ tiệm bánh mì của anh trên mạng xã hội để chấm 1 sao “dằn mặt”. Một khách sạn tại Hà Nội, vì nhân viên có lời chỉ trích Khoa Pug mà khách sạn bị cộng đồng mạng tấn công, đánh rớt khách sạn từ gần 5* xuống 2* chỉ trong 1 ngày. Không chỉ thế, cuộc tấn công vô tội vạ của cộng đồng mạng còn lấn tới các khách sạn nào có chữ "Aroma", khiến hàng loạt khách sạn ở Nha Trang, Phan Thiết phải lên tiếng. Thậm chí một khách sạn tại... Nhật Bản cũng bị cộng đồng mạng Việt Nam hạ sao chỉ vì có cái tên na ná "Aroma". 

Diễm Mi

Bài 2: Những tiềm ẩn chết người

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI