Đi tìm ngàn năm trang phục Việt

12/07/2013 - 02:41

PNO - PN - Ba năm trước, khi mới 25 tuổi, Trần Quang Đức đã bắt tay tìm hiểu và viết cuốn sách Ngàn năm áo mũ về lịch sử trang phục Việt Nam từ thời nhà Lý đến nhà Nguyễn (1009-1945).

Chỉ 10 ngày sau khi phát hành, cuốn sách (do NXB Thế Giới và Công ty Nhã Nam thực hiện) đã in nối bản thêm 1.000 cuốn. Công trình của tác giả thế hệ 8X này đầy ắp thông tin, hình ảnh trong hơn 400 trang sách. Ngàn năm áo mũ đã tạo dư luận tích cực từ giới chuyên môn đến độc giả, mà theo Trần Quang Đức, bất ngờ nhất là được không ít bạn đọc thế hệ 9X bày tỏ sự quan tâm.

Di tim ngan nam trang phuc Viet

Tác giả Trần Quang Đức  

* Thật thú vị với việc tìm hiểu xem cha ông xưa ăn mặc thế nào, nhưng cái khó là bạn đã dựa vào đâu để hình dung nên dáng dấp của một thời?

- Nếu không có hình ảnh minh họa, một cuốn sách khảo cứu chắc chắn sẽ rất khó đọc và không thể hình dung. Vì vậy, tôi đã dành nhiều công sức tìm kiếm, đối chiếu tư liệu hình ảnh với tư liệu chữ viết nhằm cung cấp một cái nhìn trực quan nhất có thể. Trong Ngàn năm áo mũ, hầu như trang sách nào cũng có hình ảnh đi kèm. Số tranh tôi phục dựng trong Ngàn năm áo mũ không nhiều (tổng cộng bảy tranh). Tôi nghĩ, tranh phục dựng thể hiện trí tưởng tượng của tác giả. Đó là không gian mà nhà nghiên cứu có thể tự biến mình thành một nghệ sĩ. Dẫu nói vậy, nhưng trong quá trình phục dựng, tôi luôn cố gắng bám sát tư liệu văn tự để hình ảnh phục dựng tiệm cận được với thực tế trong khả năng có thể.

Tôi chịu ảnh hưởng từ quan điểm nghiên cứu của Vương Lực, một học giả ngôn ngữ học hàng đầu Trung Quốc. Ông từng nói một câu nổi tiếng “lệ bất thập, pháp bất lập” (đại ý là nếu không đưa ra được 10 ví dụ thì kết luận không đứng vững). Vương Lực nói là 10, tôi rút lại còn năm, cơ bản là mỗi một kết luận đưa ra đều phải dựa trên nhiều chứng cứ. Sự tương đồng giữa các chứng cứ càng lớn, kết luận càng đứng vững. Ví dụ, khi khảo sát đình chùa, tôi thấy nhiều pho tượng có những dạng trang phục rất kỳ lạ. Nếu tìm thấy sự tương đồng của một dạng trang phục nào đó trên những pho tượng ở các địa điểm khác hoặc có sự trùng khớp với mô tả của sử liệu, tôi mới đưa vào Ngàn năm áo mũ.

* Đọc sách, thấy cứ liệu có khi đến từ những dẫn chứng thú vị như về kiểu áo Cừu “mười năm lênh đênh trên sông nước... gió Tây đã thổi bạt đi áo Điêu Cừu màu đen”, mũ Miện “mắt này há bị Miện lưu che”... Những dữ liệu đó có vị trí thế nào so với các dẫn chứng mang tính khoa học cao hơn, trong việc nghiên cứu những đề tài xa xưa này?

- Nếu chỉ tồn tại trong thơ ca, loại trang phục được nói đến chưa chắc đã có thực. Tuy nhiên, sau khi tìm được ghi chép của Phạm Đình Hổ nói về áo Cừu của Trung Quốc và sự khác biệt giữa áo Cừu Trung Quốc và áo Cừu Việt Nam thời Lê, đồng thời tìm thấy hình ảnh phụ nữ Việt may áo Cừu trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam, tôi mới cả quyết về sự tồn tại của loại áo này. Trang phục Cổn Miện cũng như vậy. Không có ghi chép mang tính ký sự, các dạng trang phục được mô tả trong thơ ca hay trên tranh tượng chỉ nên dùng để tham khảo.

Di tim ngan nam trang phuc Viet

Bìa cuốn Ngàn năm áo mũ

* Có những ngộ nhận nào về trang phục xưa trong phim ảnh, sân khấu... đã thành nếp mà anh, với những thông tin, tài liệu mình có được, đã minh giải, điều chỉnh?

- Có nhiều ngộ nhận mà một trong những ngộ nhận lớn nhất là việc xưa nay quan niệm áo dài khăn đóng là trang phục có từ ngàn đời. Theo tìm hiểu của tôi, áo dài là sản phẩm được đặt định vào năm 1744 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ban đầu chỉ lưu hành ở Đàng Trong. Vào thời vua Minh Mạng, dạng áo này được phổ biến rộng rãi trong toàn quốc sau các lệnh cấm áo tứ thân và váy đụp đối với đàn bà, áo tràng vạt thụng tay đối với đàn ông.

* Quốc phục hiện đang được bàn thảo chọn lựa, quan điểm của anh thế nào?

- Tôi đã chứng kiến trong dân gian, hết sức tự nhiên, mọi người quay lại với khăn đóng áo dài, bộ trang phục từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt. Về phía nhà nước, tôi cũng đã nghe những người đang bàn thảo chọn lựa lễ phục đưa ra tiêu chí riêng của mình. Họ muốn thiết kế một bộ lễ phục mới dùng trong quan phương. Cá nhân tôi, tôi không thấy sự mâu thuẫn nào giữa một đằng là người dân mặc áo dài truyền thống và một đằng là quan chức mặc lễ phục tân chế.

* Sau Ngàn năm áo mũ, anh có kế hoạch nào mới không?

- Tôi dự định nghỉ một thời gian để tập trung cho việc làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam trong sự đối sánh với văn hóa các nước Đông Á, đặc biệt là mảng văn hóa cung đình.

 Võ Tiến (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI