Dạ cổ hoài lang - 20 năm vẫn vẹn nguyên cảm xúc

13/12/2014 - 09:25

PNO - PN - Vở Dạ cổ hoài lang (tác giả Thanh Hoàng) do đạo diễn Vũ Minh dàn dựng đã có suất diễn đầu tiên tối 6/12. Không nằm ngoài dự đoán, vở diễn từng là hiện tượng cách đây hai mươi năm vẫn giữ nguyên sức hút. Khán phòng sân...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dạ cổ hoài lang của hai mươi năm sau về cơ bản không có nhiều khác biệt so với bản dựng đầu tiên. Vẫn là cuộc sống, nỗi niềm và khát vọng của những người Việt phải sống xa quê. Nhưng, ở bản dựng mới, nỗi nhớ quê hương của người Việt xa xứ đã được đạo diễn (ĐD) Vũ Minh giảm bớt và “tô đậm” hơn những sự khác biệt trong suy nghĩ, ứng xử, cảm xúc… giữa các thế hệ. Toàn cầu hóa văn hóa đang ảnh hưởng không nhỏ đến đạo lý, lối sống, tình cảm gia đình… Con người đang cảm thấy cô đơn trong chính gia đình mình. Cách làm mới này là một trong những yếu tố đầu tiên giúp Dạ cổ hoài lang dù trở lại sau hai mươi năm vẫn không hề cũ và vẫn đủ sức khiến người xem phải rơi nước mắt.

Dị biệt về văn hóa khiến những con người như ông Tư, ông Năm cảm thấy như đang bị giam cầm trong chính ngôi nhà của mình. Có nỗi đau nào hơn khi chỉ muốn ôm hôn đứa cháu gái duy nhất, muốn được chăm sóc cháu bằng những việc làm đơn giản: vào phòng đóng cánh cửa sổ đang mở toang, kéo lại cái mền cho cháu giữa đêm đông lạnh giá… ông nội lại bị nhìn như một kẻ bệnh hoạn, khiến đứa cháu cảm thấy ghê sợ. Giây phút hạnh phúc nhất của hai ông già xa xứ là được tự do trên nóc nhà của khu chung cư, được tự do ca hát, hò reo… mà không sợ có ai đến bắt mình…

Đặt Dạ cổ hoài lang trong cảm xúc mới với những hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống của người Việt ở hải ngoại và những cách biệt giữa các thế hệ trong mỗi gia đình, vở diễn được ĐD Vũ Minh đẩy nhanh tiết tấu, các nhân vật trẻ cũng được khai thác năng động hơn, với những suy nghĩ, hành động táo bạo, hiện đại hơn.

Da co hoai lang - 20 nam van ven nguyen cam xuc

Đã 20 năm nhưng câu chuyện của hai ông già xa xứ, cô đơn trong chính gia đình của mình vẫn đầy cảm xúc

Trong điều kiện khó khăn và không gian nhỏ hẹp của sân khấu nhỏ trước đây, Dạ cổ hoài lang của ĐD-NSƯT Công Ninh sử dụng thủ pháp ước lệ trong dàn dựng. Với lối dàn dựng này, trí tưởng tượng của khán giả được kích thích để tự do bay bổng. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ phải rất giỏi mới đủ sức chinh phục khán giả bằng diễn xuất và dẫn dắt cảm xúc, trí tưởng tượng của khán giả theo từng câu thoại, hành động của nhân vật trên sân khấu. Bản dựng mới được đầu tư nhiều hơn về âm nhạc, cảnh trí… để vừa phù hợp với sân khấu lớn, vừa hỗ trợ thêm cho diễn xuất của diễn viên. Cánh rừng “hình chữ S giống Việt Nam mình” trong tưởng tượng của hai ông già xa quê trước đây được ĐD Vũ Minh thay đổi bằng hình ảnh gần gũi hơn: ống khói với cái chóp nhọn trên nóc những ngôi nhà nhìn từ tầng thượng trở thành những chiếc nón lá thân thương. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng làm người xem xúc động rưng rưng. Người Việt xa quê luôn đau đáu trong lòng nỗi nhớ quê hương khiến họ nhìn ở đâu cũng thấy hình ảnh quê nhà.

NSƯT Thành Lộc trở lại với vai ông Tư bằng những trải nghiệm của cuộc sống, tuổi tác, bằng sự dày dạn trong kinh nghiệm nghề nghiệp và trở thành “linh hồn” của vở diễn. Ông Tư của NSƯT Thành Lộc không chỉ đầy đặn cảm xúc hơn mà còn rất tinh tế trong kết hợp giữa cảm xúc và kỹ thuật biểu diễn để “hút” người xem theo từng niềm vui, nỗi buồn. Ông Năm cũng là một vai diễn giúp NSƯT Hữu Châu “ghi điểm”. Tung tẩy, biến hóa với vai diễn, NSƯT Hữu Châu có thể làm người xem bật cười với hình ảnh một ông Năm nhớ lâu, nhớ dai, nói năng bộp chộp, thiếu suy nghĩ… nhưng để rồi ngay sau đó lại cảm thấy rưng rưng vì cái tình, cái nghĩa của ông già Nam bộ chân chất, dễ giận, nhanh quên…

Tiếng nói sân khấu chuẩn xác, diễn xuất nhẹ nhàng, cảm thụ nhân vật tốt, Lương Thế Thành và Vân Trang đã làm tròn nhiệm vụ trong suất diễn đầu tiên. Chưa phải là một vai diễn xuất sắc, nhưng cô cháu gái của Vân Trang như một “nét cọ” đẹp trong tổng thể của “bức tranh” Dạ cổ hoài lang. Vân Trang đã có một lớp diễn chạm vào cảm xúc khán giả khi nhận diện được tình cảm của ông nội và hiểu rõ hơn ý nghĩa quê hương, cội nguồn.

Kết thúc suất diễn đầu tiên, cả khán phòng đồng loạt đứng lên, tiếng vỗ tay không dứt. Nhìn những đôi mắt đỏ hoe của khán giả mới thấy ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã nói đúng: “Dựng lại Dạ cổ hoài lang chúng tôi muốn giới thiệu đến khán giả, đặc biệt là lớp khán giả trẻ một vở diễn nổi tiếng của sân khấu TP.HCM. Sân khấu đã có một thế hệ khán giả mới, họ cũng có nhu cầu được xem những vở diễn hay, có chất lượng nghệ thuật”.

 THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI