Hai cha con, một số phận

27/04/2014 - 16:28

PNO - PNCN - Khi biết con bị khuyết tật, người vợ trẻ nhẫn tâm bỏ rơi cha con anh. Hơn 20 năm qua, người đàn ông ấy sống cảnh gà trống nuôi con, dành cho con tình thương yêu vô tận.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hai cha con, mot so phan

Anh Chánh đóng tròn cả hai vai cha và mẹ của con

Họa vô đơn chí

Căn nhà hơn 10m2 (56B, đường Duy Tân, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) gần chục năm nay là nơi trú ngụ của cha con anh Nguyễn Văn Chánh. Khi chúng tôi đến, anh Chánh đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm trưa. Thấy nhà có khách, cậu con trai Nguyễn Vũ Thắng (sinh năm 1991) cười vui vẻ, ngọng nghịu chào chúng tôi. Ngồi không vững, chân tay co quắp, cổ vẹo một bên, Thắng không thể đi lại, nói năng cũng rất khó khăn. Nhớ đến quá khứ, anh Chánh không khỏi ngậm ngùi.

Năm 1989, chàng trai 23 tuổi Nguyễn Văn Chánh rạng ngời bên cô vợ làm hộ lý trẻ trung, xinh xắn. Cứ ngỡ hạnh phúc mỉm cười khi hai năm sau, vợ anh mang thai. Anh Chánh không quên khoảnh khắc thấp thỏm đứng ở hành lang bệnh viện, hồi hộp chờ nhìn mặt đứa con đầu lòng. “Khi bác sĩ gọi vào phòng, thông báo con trai tôi bị bại não, tôi chết đứng cả người. Nhìn thằng bé chỉ nặng hơn một ký, người mềm nhẽo, nằm bất động như tượng, tôi mới tin đó là sự thật”, anh Chánh bộc bạch.

Nỗi đau con bệnh tật chưa nguôi thì một tuần sau đó, người vợ mà anh hết mực yêu thương lặng lẽ khăn gói bỏ đi. Từ đó đến nay, anh Chánh vừa làm cha, vừa làm mẹ, bươn chải đạp xích lô, chạy xe ôm để kiếm tiền thuốc thang, nuôi con. Ánh mắt xa xăm, anh Chánh tâm sự: “Ngày xưa cha con tôi còn ở chung nhà với cha mẹ và bảy anh chị em. Nhà tôi có đông người nhưng ai cũng nghèo không giúp gì được. Mỗi lần chạy xích lô, tôi gửi con cho mấy cháu nhỏ ngó giùm. Mỗi ngày, tôi tranh thủ xẹt về nhà cả chục lần pha sữa, thay tã cho con. Ba tháng đầu, tôi bế con đi khắp xóm xin sữa của mấy người phụ nữ mới sinh”. Hỏi có giận vợ không, anh Chánh lắc đầu, cười buồn: “Hồi xưa mỗi lần nhìn con đau bệnh, tôi giận lắm. Nhưng giờ cô ấy bị ung thư gan, qua đời rồi, mọi chuyện thành dĩ vãng".

Vợ mất được hai năm, em vợ tìm đến nhà báo tin, cha con anh Chánh mới biết. Nhắc đến mẹ, Thắng ngọng nghịu kể: “Khi em 20 tuổi, mẹ có về thăm một lần. Mẹ cho em 100.000đ nhưng em không lấy. Em cần mẹ chứ đâu cần tiền”. Sau khi bỏ rơi cha con anh Chánh, vợ anh lập gia đình mới. Hiện tại Thắng có bốn người em cùng mẹ khác cha. “Ba chạy xe ôm cả ngày, em ở nhà một mình. Lâu lâu mấy đứa em đến thăm, em vui lắm”, Thắng cho hay.

Nhọc nhằn tìm chữ cho con

Dù tay chân co quắp nhưng Thắng sử dụng máy tính khá thành thạo. Em kết hợp một tay và chân phải điều khiển rành rọt các thao tác trên máy tính. Ngay cả việc sử dụng điện thoại di động, anh Chánh cũng phải nhờ Thắng giúp. “Nó rành hơn tôi”, anh Chánh khoe. Nhưng để con có được như ngày hôm nay, anh Chánh đã phải đổ không biết bao mồ hôi, nước mắt.

Mãi đến năm bảy tuổi, cậu bé Thắng vẫn “đặt đâu nằm đó”, không nói được. Nghe ai mách ở đâu có thầy thuốc giỏi, anh Chánh lại ẵm con đi. Hết thuốc Tây đến thuốc Nam, châm cứu, vật lý trị liệu, Thắng dần ngồi được, bắt đầu điều khiển được hai tay và bập bẹ học nói. Anh Chánh xin cho con vào học bán trú tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. “Dù ngồi được nhưng không vững nên lúc nào bỏ con lên xích lô, tôi cũng phải dùng dây cột quàng quanh trước ngực để con khỏi lăn xuống xe. Cứ sáng đón con đi, chiều đón về. Thắng hay bị sốt. Nhiều đêm con sốt cao quá, tôi phải đưa con đến bệnh viện. Vậy mà có lần vẫn không kịp, sau một cơn co giật, một tay trái của Thắng đã co cứng lại, không cầm nắm được đồ vật nữa”. Tất cả việc vệ sinh, tắm rửa cho con đều do anh Chánh lo liệu.

Thắng học tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè một thời gian, anh Chánh quyết định chuyển con sang học ở Trường Niềm Tin. Xích lô dần ế ẩm, anh Chánh vay tiền sắm sửa xe máy chạy xe ôm. “Thắng học được ở Trường Niềm Tin bốn năm, tôi không trả nổi học phí nên đành để Thắng ở nhà. Cũng may tình cờ tôi gặp cô Hương bên Trung tâm Khuyết tật và phát triển - (Disability Research and Capacity Development - DRD), cô giới thiệu các thầy cô đến tận nhà dạy chữ, toán, máy tính miễn phí cho Thắng”. Thắng khao khát: “Em muốn có một nghề làm ra tiền để giúp ba”.

Hy sinh hạnh phúc riêng

Hơn 20 năm qua, có nhiều người mối mai nhưng anh Chánh vẫn quyết định ở vậy nuôi con. Anh thổ lộ: “Tôi sợ lấy vợ về, lại con anh, con tôi, không chăm lo được cho thằng Thắng”.

Cứ vậy, lần lữa tuổi xuân qua, trong căn nhà chật chội vẫn chỉ có hai cha con hủ hỉ với nhau. Anh Thắng chỉ vào miếng nệm cũ kỹ ở giữa nhà, thật thà: “Không dám giở bỏ, sợ thằng Thắng lên cơn co giật, té đập đầu xuống đất. Tội nghiệp, từ nhỏ đến giờ nó té đập đầu xuống đất không biết bao nhiêu lần”.

Mỗi lần bị ai đó hù hay nghe tiếng động lớn, cậu bé liền co cứng toàn thân, ngã đùng xuống nhà. “Em tự tắm được. Lớn rồi để ba tắm ngại lắm”, Thắng cười bẽn lẽn. Tuy vậy nhưng anh Chánh nói cách hai - ba ngày, anh phải tắm lại cho con. Anh nói nhỏ với tôi: “Tay chân nó vầy, sao kỳ cọ sạch được”.

Để con khỏi buồn, chiều chiều, cha lại ẵm con lên xe lăn, đẩy dạo quanh xóm. Anh chưa bao giờ xa con một ngày.

Khi chúng tôi hỏi: “Có sợ ba lấy vợ không?”, Thắng cười, lắc đầu nói: “Ba em nghèo thấy mồ, nhà này cũng là của ông bà nội cho. Không ai chịu lấy ba đâu. Mà có lấy cũng hổng ở lâu đâu, giống như mẹ em đó. Trước đây, không có tiền cho em đi học, ba buồn hay đi uống rượu. Sau này, thấy có thầy cô đến nhà dạy học, ba vui nên không còn uống rượu nữa”.

Mỗi ngày tuổi một già đi, điều anh Chánh lo nhất là sau này anh mất đi sẽ không ai chăm sóc cho Thắng...

Nguyễn Nga

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

Từ khóa chăm sócmai mối
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI