Cô bé Lọ Lem: Vedette Giai điệu mùa thu

21/08/2013 - 16:07

PNO - PNO - Hoành tráng, rực rỡ, uyển chuyển, hài hước, Ciderella của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) trở thành tâm điểm của Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu năm nay.

Ngày hoạt động thứ tư của Giai điệu mùa thu, 20/8, dành trọn để trình làng vở vũ kịch Cô bé lọ lem (Cinderella). Vở này cũng nằm trong khuôn khổ dự án chuyển giao nghệ thuật Transposition với Na Uy.

Lên ý tưởng cả năm, tập luyện hơn hai tháng ròng, gần 30 nghệ sĩ của Đoàn Vũ kịch HBSO đã giới thiệu đến khán giả phiên bản ballet đẹp mắt của câu chuyện cổ tích về nàng Lọ Lem (Đoàn Vũ Minh Tú) xinh đẹp, nhân từ nhưng nghèo khó và bất hạnh. Cô bị lãng quên nơi xó bếp đầy muội, không ngừng bị hai mẹ con dì ghẻ hành hạ, cho đến khi nàng gặp hoàng tử (Đàm Đức Nhuận)…

Co be Lo Lem: Vedette Giai dieu mua thu
Bị quên lãng nơi xó bếp, Lọ Lem hát ca để quên đi những tháng ngày buồn tủi

Tác phẩm của biên đạo Na Uy Johanne Jakhelln Constant (người đã thành công với HBSO trong vũ kịch Kẹp hạt dẻ năm 2011 và 2012) được thêm vào chút gia vị dí dỏm trong các phân đoạn của mẹ con dì ghẻ - qua phần thể hiện của… Phúc Hùng. Anh vào vai mẹ kế rất đạt, biểu cảm hình thể phong phú, dẫu đất múa không nhiều.

Co be Lo Lem: Vedette Giai dieu mua thu

Bản dựng của Johanne gợi nhớ đến phiên bản nổi tiếng (dài 120 phút) năm 1986 của biên đạo lắm tài nhiều tật người Nga Rudolf Nureyev. Khi đó, Rudolf đã gây kinh ngạc cho giới chuyên môn khi táo bạo đưa yếu tố “tiếu lâm” vào một vở ballet lãng mạn kinh điển.

Việc gán nghệ sĩ múa nam vào vai mẹ con dì ghẻ cùng lối diễn hài hước càng khuếch trương thêm vẻ kệch cỡm, lố lăng của hai nhân vật này, đồng thời tạo màu sắc vui tươi cho một câu chuyện cổ tích có hậu.

Co be Lo Lem: Vedette Giai dieu mua thu
Phúc Hùng (đầm trắng) hóa thân tròn vai mụ dì ghẻ.
Anh là đồng biên đạo vở múa đương đại
Chạm tay vào quá khứ diễn hôm 18/8

Cinderella phiên bản Việt sử dụng phần nhạc gốc của tác giả Sergei Prokofiev, còn lại hoàn toàn được dựng mới. Johanne Jakhelln Constant ngoài vai trò biên đạo còn tham gia vào công tác thiết kế sân khấu và phục trang, biến Nhà hát Thành Phố thành không gian diệu kỳ của xứ sở thần tiên thông qua những đại cảnh tráng lệ.

Co be Lo Lem: Vedette Giai dieu mua thu

Sàn diễn càng thêm lung linh nhờ sự kết hợp ánh sáng 3D tạo thành chiếc đồng hồ cỡ lớn, cộng thêm những cú chuyển tích tắc dồn dập của các vũ công, đẩy đưa người xem cuốn theo bước chân hối hả của nàng Lọ Lem khi 12 giờ sắp điểm.

Co be Lo Lem: Vedette Giai dieu mua thu
Khung cảnh tráng lệ, rực rỡ trong vở ballet
Cô bé Lọ Lem

110 phút của Cô bé Lọ Lem trôi qua đầy cuốn hút, một phần nhờ vào kịch bản cổ tích huyền ảo vốn đã quá thân thuộc với người xem, chứa đựng triết lý nhân sinh gần gụi - “ở hiền gặp lành”. Với sự đầu tư công phu và nghiêm túc, Cô bé Lọ Lem hoàn toàn có thể tự thân trở thành một vở ballet độc lập để lôi kéo công chúng đến với HBSO thường xuyên hơn.

Vũ kịch Cô bé Lọ Lem (op. 87) do Sergei Prokofiev sáng tác từ năm 1940 - 1944. Vở ra mắt lần đầu vào năm 1945 tại Nhà hát Bolshoi trứ danh của Nga, qua bàn tay biên đạo của Rostislav Zakharov. Bản dựng này dài 80 phút và là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ biên đạo sau đó. Kể từ đó cho đến nay, đã có tới hơn 1.500 phiên bản ballet Cô bé Lọ Lem trên toàn thế giới.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI