Sài Gòn có gì mà thương còn hổng hết?

28/07/2019 - 10:54

PNO - Đọc xong những dòng cuối cùng, tự dưng muốn hít một hơi thật sâu, bỏ qua hết những tủi hờn vụn vặt với Sài Gòn để mà thương nơi mình đang gắn bó, dù một đời hay chỉ một quãng ngắn ngủi.

Đọc thêm một cuốn sách về Sài Gòn, ban đầu, tôi hơi dè dặt vì mươi năm sống ở mảnh đất này, đọc không ít sách mà tựa sách có chữ Sài Gòn, thật lòng mà nói, tôi sợ gặp lại “người quen”. “Người quen” ở đây là những bài viết đã từng đọc, những tác giả có góc nhìn hao hao nhau.

Thế nhưng, Sài Gòn thương còn hổng hết đã mang đến cho tôi một cảm xúc hoàn toàn mới. Đọc xong những dòng cuối cùng, tự dưng muốn hít một hơi thật sâu, bỏ qua hết những tủi hờn vụn vặt với Sài Gòn để mà thương nơi mình đang gắn bó, dù một đời hay chỉ một quãng ngắn ngủi.

Sai Gon co gi ma  thuong con hong het?

Tác giả Hoàng My bắt đầu Sài Gòn thương còn hổng hết với đôi dòng viết về chị Mai - một đồng nghiệp cũ - qua vài ba câu chào hỏi vừa để quan tâm người đối diện, vừa để bản thân được thở than. Rồi chẳng mấy chốc, chị kể về bà ngoại và dẫn dắt người đọc đi đến chuyện người lớn sống ở Sài Gòn, cô đơn ngay khi có con cháu kề bên.

Nỗi cô đơn đó, tác giả chưa hiểu được và cũng không mấy khi nghĩ đến, nhưng sau khi chị đồng nghiệp tâm sự, cơ man những nỗi xót xa ùa về. Tác giả nghĩ về mẹ, có bao nhiêu lần chị đưa mẹ đi nhìn ngắm phố phường? Chị nhớ về ngoại, có lẽ lần đưa tang là chuyến vòng quanh thành phố xa nhất của bà khi sống ở Sài Gòn.

Những câu chuyện nhỏ nhặt được tác giả nhắc đến, thật may không phải nói về chuyện kẹt xe, khói bụi thường thấy trong nhiều cuốn sách khác. Đương nhiên, dù khác biệt nhưng Sài Gòn thương còn hổng hết không thể bỏ qua hình ảnh con hẻm, gánh hàng rong, khu chợ quê, sạp báo vỉa hè... - những nét đặc trưng vốn có ở mảnh đất này. Nhưng Sài Gòn thương còn hổng hết lạ hơn ở cách thể hiện. Tác giả tiếp cận vấn đề với tâm thế nhẹ nhàng, bằng câu chuyện của chính bản thân và những người gần gũi. 

Cái tâm thế của người tỉnh lẻ lên Sài Gòn sống nhiều năm liền rồi xem nơi đây là gia đình, không chỉ tác giả, mà nhiều người tha phương rồi chôn chân ở nơi này cũng nghĩ như thế. Gọi là “chôn chân”, có lẽ nhiều người sẽ cho điều đó hơi bi quan nhưng ngẫm thấy thương những người xa quê, như Hoàng My, như bao mảnh đời khác.

Sai Gon co gi ma  thuong con hong het?
 

Không thương sao được khi đọc đoạn tác giả viết về những món quà quê được ba cô gói ghém cẩn thận trong lá chuối. Đôi khi là vài nải chuối trong vườn, bó đọt lang, rau ngót, lá lốt, càng cua... những thứ ở Sài Gòn vẫn có nhưng chắc chắn không ngon và sạch như ở nhà gửi lên. 

Gấp lại Sài Gòn thương còn hổng hết, chỉ còn cảm giác nhoi nhói trong lòng. Nhớ nhà. Nhớ cha. Nhớ mẹ. Những đứa con xa quê sống ở Sài Gòn, ai rồi cũng trải qua những cảm xúc như thế. Sống ở Sài Gòn nhưng đau đáu về một miền đất khác, vậy nào có công bằng với Sài Gòn? Nhưng nơi này vẫn cưu mang tất thảy. Dù bạn là ai, giàu hay nghèo, đến Sài Gòn vì bất cứ lý do gì, hãy thương mảnh đất đã xem bạn là một mảnh ghép cho bức tranh thêm sắc màu.

Sài Gòn thương còn hổng hết gồm 4 phần: Người trong thành phố, Phố trong mắt ai, Bình dị Sài Gòn và Mảnh ghép kỷ niệm tập hợp nhiều câu chuyện nhỏ của tác giả Hoàng My với Sài Gòn thông qua trải nghiệm của chính tác giả hay những người xung quanh. Cho đến nay, tác giả Hoàng My đã xuất bản một số tác phẩm: Vì em là đàn bà (2011), Chỉ tình yêu, là đủ (2013), Sau chủ nhật là thứ hai (2013), Đàn bà @ (2015)…

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI