Thêm nỗ lực đi tìm khán giả cải lương

27/03/2019 - 19:51

PNO - Nếu chẳng may thất bại, họ cũng không hối hận, vì đã nỗ lực bằng tất cả khả năng, để được làm nghề tử tế.

Giữa lúc nhiều đơn vị cải lương công lập của miền Tây Nam bộ phải sáp nhập thành trung tâm văn hóa hoặc giải thể, ngay cả Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng phải thu nhỏ quy mô thì sự ra đời của sân khấu cải lương Đại Việt khiến không ít người làm nghề ngạc nhiên.

Xác định không phải là đơn vị tư nhân hoạt động theo thời vụ, Đại Việt đã lên kế hoạch cho chuỗi hoạt động trong năm 2019 với 3 vở diễn: Chuyện tình Khau Vai, Đoạt hồnLôi vũ.

Them no luc di tim khan gia cai luong
Chuyện tình Khau Vai sẽ trở lại với khán giả TP.HCM trong diện mạo mới

Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên (Phó giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam) nổi tiếng với những vở cải lương mang nhiều tính thử nghiệm và sáng tạo. Nghệ sĩ Quang Khải (diễn viên Nhà hát cải lương Việt Nam) để lại nhiều dấu ấn với lối diễn chững chạc, chất giọng ấm, trầm và giàu cảm xúc. Soạn giả Hoàng Song Việt là tên tuổi được các đơn vị cải lương “săn lùng”. Họ được ví như “ba chàng ngự lâm” dũng cảm và lãng mạn, đã quyết ngồi lại, bỏ tiền túi gầy dựng một sân khấu cải lương theo cách riêng của mình. Bên cạnh họ là các nghệ sĩ: NSƯT Phượng Loan, NSƯT Quế Trân, NSƯT Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Hà Như, Lệ Hằng, Thanh Thảo…

Dựng cải lương mang nhiều tính thử nghiệm, hướng đến khán giả trẻ và những người chưa biết nhiều về cải lương là một trong những bài toán khó mà Đại Việt phải tìm lời giải. “Khán giả cải lương, đặc biệt là khán giả trẻ ngày nay đang muốn gì, cần gì và yêu thích điều gì nhất ở sân khấu cải lương? Chưa có một công trình nghiên cứu hay khảo sát chính thức nào về vấn đề này. Ý kiến của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, người làm nghề và khán giả trẻ… ở những cuộc hội thảo, tọa đàm về cải lương là một trong những cơ sở để chúng tôi định hướng cách xây dựng vở diễn cho Đại Việt. Nghiêm túc, tử tế, hiện đại và mới mẻ là phong cách mà Đại Việt muốn hướng đến. Cải lương đang rất cần khán giả, nhưng Đại Việt sẽ không “chiều chuộng” khán giả để tồn tại” - soạn giả Hoàng Song Việt khẳng định.

Rất kiên định với khát vọng làm mới cải lương bằng những sáng tạo kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại, NSƯT Triệu Trung Kiên nói: “Trên chặng đường hình thành và phát triển, cải lương đã tiếp nhận nhiều giá trị, đặc trưng của sân khấu phương Tây. Vì sao hiện nay ta không thể tiếp thu những giá trị của nghệ thuật đương đại, vẫn tranh luận về chuyện làm mới cải lương? Bản chất của cải lương là cải cách theo tiến bộ. Tôi và Đại Việt vẫn sẽ tiếp tục với những thử nghiệm làm mới, nhưng đảm bảo không làm mất phần hồn là những chuẩn mực trong âm nhạc, cốt cách vốn có của sân khấu cải lương. Các vở diễn sắp tới của Đại Việt sẽ là “phép thử”, giúp chúng tôi hiểu khán giả cần gì, muốn gì và cách làm của mình được công chúng đón nhận ở chừng mực nào”.

Them no luc di tim khan gia cai luong
Sau khi thực hiện Thầy Ba Đợi với sự tham gia của nghệ sĩ 2 miền Nam - Bắc, NSƯT TRiệu Trung Kiến tiếp tục hành trình đi tìm khán giả cải lương. 

Ba vở diễn đầu tiên của Đại Việt được dàn dựng theo ba phong cách khác nhau. Chuyện tình Khau Vai không chỉ là câu chuyện lãng mạn về tình yêu của nàng Út và chàng Ba mà còn giới thiệu với khán giả miền Nam bức tranh tuyệt đẹp của vùng núi rừng Tây Bắc, cùng những phong tục tập quán và đặc trưng văn hóa nơi đây. Đoạt hồn dàn dựng theo hình thức nhạc - vũ - kịch, với những nhân vật đa sắc diện và xung đột kịch mạnh. Ngoài những bài bản cải lương, vở diễn sẽ có âm nhạc thập niên 1960-1970 mà phổ biến nhất là jazz, R&B, blues… nhằm mang đến cho khán giả những cảm nhận mới về một sân khấu cải lương hiện đại. Lôi vũ sẽ được dựng và biểu diễn ở sân khấu mở, hướng đến thay đổi cảm quan của khán giả khi thưởng thức cải lương. Sàn diễn sẽ được mở rộng, tiếp cận rất gần với khán giả. Ngoài thủ pháp dàn dựng, những sáng tạo trong xử lý không gian của đạo diễn, khả năng diễn xuất của nghệ sĩ cũng đòi hỏi phải tinh tế, sâu sắc hơn.

Đại Việt sẽ không có đội ngũ đào kép chính cố định mà các vở diễn sẽ được dàn dựng dựa trên cơ sở “đo ni đóng giày”. Không chỉ xây dựng vở diễn dựa trên tài năng của từng nghệ sĩ, những người “cầm quân” còn mong muốn xây dựng được một thế hệ nghệ sĩ đủ tài đức để trở thành những “thần tượng” mới của thế hệ khán giả hôm nay.

Lạc quan với suy nghĩ “làm nghề tử tế, hẳn sẽ có công chúng đón nhận và yêu thương”, Đại Việt vẫn dự kiến tình huống xấu nhất. “Ba chàng ngự lâm” góp một tỷ đồng làm sân khấu, sau 3 vở diễn, nếu thu lại được 40-50% vốn, sẽ tiếp tục những kế hoạch tiếp theo. Nếu chẳng may thất bại, họ cũng không hối hận, vì đã nỗ lực bằng tất cả khả năng, để được làm nghề tử tế.

Hai trong số ba đồng sáng lập Đại Việt là những nghệ sĩ cải lương đất Bắc. Đó cũng là điều để các nghệ sĩ phương Nam suy nghĩ, hành động và chứng minh bằng tác phẩm, thay vì chỉ biết than van và chờ “được cứu”. 

Đại Việt có lẽ là đơn vị xã hội hóa đầu tiên của sân khấu cải lương được xây dựng bài bản và chuyên nghiệp, qua các bộ phận chuyên trách: quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu hình ảnh, vận động tài trợ, tổ chức biểu diễn… sẵn sàng cho một hành trình rất dài phía trước. Dẫu vậy, NSƯT Triệu Trung Kiên vẫn khẳng định: “Tiếp thị, quảng bá tốt có thể kéo khán giả đến rạp, nhưng để khán giả thích thú ngay từ lần đầu bước chân vào rạp và trở lại xem những vở tiếp theo phải là chất lượng tác phẩm. Bài toán này khó hơn bài toán về chiến lược truyền thông, quảng bá gấp nhiều lần”.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI