Vượt qua cú sốc bị xâm hại

20/04/2018 - 13:00

PNO - Chiều 16/4, cơ quan công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Đình L., sinh năm 1974, giáo viên Trường tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội, để điều tra về hành vi dâm ô với học sinh.

Đáng nói, nhiều phụ huynh “ngã ngửa” vì không nghĩ con mình từng bị tấn công. Không dám chia sẻ với bậc sinh thành, những bé gái đã một mình trong vòng xoáy rối loạn cảm xúc.

Vuot qua cu soc bi xam hai
Ảnh minh họa

Vụ việc thầy L. dâm ô với hàng loạt học sinh tiểu học chỉ được phát hiện khi một phụ phuynh chứng kiến ông cho kẹo các em rồi sờ vào vùng kín. Hàng loạt lá đơn tố cáo ào ạt gửi đến cơ quan chức năng chung một nội dung khi những bậc phụ huynh khác về gặng hỏi con mình. Họ ngã ngửa trước sự thật: “Thầy làm vậy từ rất lâu rồi”. 

Dư luận đau đớn, rùng mình, nếu không có sự chứng kiến của vị phụ huynh kia, hậu quả còn dẫn đến điều gì? Là nạn nhân của xâm hại tình dục, bắt nguồn từ tâm lý mặc cảm, xấu hổ, thậm chí bị đe dọa, không mấy người mạnh mẽ dám nói lên nỗi khổ của mình; với trẻ em càng không dễ. Phần lớn các vụ hiếp dâm hoặc dâm ô trẻ em được tòa án xét xử, thường nhờ vào một thương tích quá lớn, quá lộ liễu trên cơ thể của các em hơn là đứa trẻ tự khai. 

Trẻ em không thường tự nói ra sự thật. Song, chúng có khuynh hướng tự thể hiện hành vi. Theo nhiều nhà tâm lý, một đứa trẻ đang là nạn nhân của xâm hại tình dục sẽ có những hành vi như sau: gặp ác mộng thường xuyên, trở nên xa lánh hoặc đeo bám, có hành động gợi dục, thay đổi tính cách đột ngột khó lý giải, sợ những địa điểm hay vài người nhất định, tức giận bộc phát, có khoản tiền và quà tặng khó hiểu, nói về ai đó thường xuyên, tự làm đau mình hoặc những vết thương lạ...

Đưa vụ việc ra ánh sáng nếu có những bằng chứng là chuyện hiển nhiên phải làm. Nhưng vụ việc nếu được đưa ra ánh sáng cũng không đồng nghĩa với dấu chấm hết cho những vấn đề của con, mà tổn thương tâm lý, nỗi ám ảnh là sự hủy hoại tàn khốc tương lai đứa trẻ. Nắm bắt dấu hiệu của con cũng là lúc bậc sinh thành đã sẵn sàng lắng nghe chuyện của con; kịp thời lên kế hoạch đảm bảo sự an toàn và chữa lành cho con, bằng chia sẻ, bằng điều trị tâm lý…

Có một thực tế, không phải nạn nhân bị xâm hại nào cũng dễ dàng được chữa lành bởi tình yêu thương của phụ huynh hay những người thân. Nhiều người sau sang chấn trở nên khó kết nối với người khác. Rối loạn bởi cảm xúc tiêu cực, họ nhạy cảm đến mức mất lòng tin.

Vượt qua niềm tin “độc hại” rằng, đời mình quá bế tắc là một cuộc đấu tranh tâm lý nhọc nhằn cần rất nhiều nghị lực. Còn nhớ năm 2008, vụ cưỡng hiếp bé Na-Young Case 8 tuổi khiến người dân Hàn Quốc nổi giận. Hơn 400.000 người đã kiến nghị: thủ phạm - ông chú Cho Du-Sun phải chịu mức án tương xứng. 

Case bị cưỡng hiếp đến mức nhiều cơ quan nội tạng bị phá hỏng. Sau cuộc phẫu thuật dài 8 giờ, Case phải chung sống với hậu môn giả và những tổn thương đến mức câm lặng. Sau cuộc hồi phục thể xác, Case đau đớn vẽ một bức tranh có hình ảnh ông chú bị giam nhốt trong nhà tù đầy gián.

Nhưng Case là cô bé mạnh mẽ. Cố cân bằng cuộc sống, Case đối mặt với nỗi đau bằng cách phản đối quyết định xin chuyển trường của cha. Tham gia một trung tâm luyện thi gần nơi xảy ra vụ tấn công mình, trong sự lo ngại của nhiều người. Case nói rằng, cuộc sống phải tiếp diễn, mà sự né tránh bi kịch sẽ ngăn cản bước đi. 

 Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI