Chuyện tình bình thường

30/01/2017 - 17:13

PNO - Tôi biết tin anh lấy vợ, vẫn là cái nàng chủ cửa hàng quần áo “made in Việt Nam” đấy thôi, là qua mẹ tôi.

Tôi biết tin anh lấy vợ, vẫn là cái nàng chủ cửa hàng quần áo “made in Việt Nam” đấy thôi, là qua mẹ tôi. Hai mẹ con nói chuyện ở căn phòng áp mái, chỗ ngày xưa bố hay ngồi đọc sách. Đã gần mười tám năm rồi, mọi thứ vẫn y nguyên. Mẹ tôi châm tiếp một điếu Benson&Hedges, khói bay nhè nhẹ  về phía tấm ảnh chân dung đen trắng chụp bố tôi đang ngậm tẩu. Tôi với bao thuốc của mẹ, tự châm một điếu, có cái gì rất “manly” ở những người đàn ông hút tẩu. Người đàn ông mà tôi suýt lấy chẳng hút bất cứ thứ gì. Tất nhiên, khi phải tiếp khách thì cũng nhấm nháp tý chút rượu bia. Anh thường nói, mọi thứ doping đều dễ làm con người ta trở thành không đúng.

- Mẹ thấy hơi tiêng tiếc, theo mọi tiêu chuẩn thông thường thì nó là đứa hoàn hảo.

- Vâng.

Lần đầu tiên tôi dắt anh ra mắt mẹ, bà có vẻ vui. Mẹ tôi thường cảm tình với những thanh niên cao ráo đẹp giai. Bà từng hỏi tôi, một mẫu câu hành chính:

- Con quen cậu ta trong hoàn cảnh nào?

Cũng có thể đây là lo lắng của một người mẹ đã nhỡ đi bước nữa, nhưng vẫn thương yêu đứa con gái duy nhất nhỡ thì. Nếu là bố thì chắc sẽ không bao giờ hỏi vậy. Mẹ tôi là phóng viên mảng văn hóa, thành danh nhà báo nhờ những bài phỏng vấn, mà đa phần đám người được hỏi đều có tuổi và nổi tiếng. Các câu hỏi của bà không quá đặc biệt, nhưng những câu trả lời luôn hay ho độc đáo mang vẻ thật lòng. Nói chung, các lão giáo sư các lão nghệ sĩ , thường chân thành bộc bạch trước một nữ phóng viên có đôi chút nhan sắc. Nhất là khi đã biết cô ấy đang độc thân.

- Thì cũng giống như bình thường thôi ạ.

Vâng, làm gì có hoàn cảnh nào khác thường dành cho một người đều đều nhàn nhạt như tôi. Tôi tốt nghiệp một trường đại học bình thường, rồi ra làm ở một văn phòng dịch vụ thương mại bình thường. Sếp tôi cũng chẳng hẳn phi thường, cho dù là ái nữ của một ông quan mang hàm nhị phẩm. Hình như bố ông này cũng từng làm thứ trưởng.

Lịch sử quan lộ ở ta hiếm hoi có nhà nào kéo dài được ba đời, nên văn phòng của cô em nằm sát ngay cửa hàng thời trang của cô chị. Cả hai chị em đều đã ly hôn, theo quan điểm của sếp tôi thì đàn ông hôm nay quá tầm thường. Sếp tôi trực tính, lúc xa xưa còn hôn nhân có thỉnh thoảng đánh chồng nên tự xưng nickname là “vũ nữ”. Sếp giải thích, vì chồng đánh vợ được gọi là “vũ phu”, rồi khuyên đám nhân viên nữ: “Mấy đứa chúng mày thích sang đấy mua thì cứ vào mua. Con mụ chị tao khi lên cơn điên nó bán rẻ lắm”.

Đã là sếp thì thường nói đúng, hơn một lần anh bảo vậy, cơn điên của chị chủ “made in Việt Nam” là thường xuyên có. Không phải do âm thầm vụng trộm làm thơ, đơn giản là chị ta hay lướt sàn vàng. Mà cũng có thể chị mê những tiết tấu bất trắc lúc cao lúc thấp của nhạc trẻ bây giờ. Đôi lúc ế khách, chị the thé hát, “mình thích thì mình làm thôi”. Rỗi rãi, tôi cũng hay sang cửa hàng bên đấy, hiếm khi gặp cô chủ và ngẫu nhiên gặp anh.

“Tất cả úp mặt xuống sàn, đưa tay lên, lột ví ra đây”.

Rồi tên cướp dí súng vào đầu tôi, nhưng nó đã bị anh đánh gục. Tuyệt chiêu đó nhang nhác như đòn cận chiến “taken” của nam tài tử Liam Neeson. Mẹ có muốn con được gặp anh ấy trong hoàn cảnh như thế không. Hà Nội là thành phố yêu hòa bình, nên tôi gặp anh lần đầu tiên là lúc anh đang loay hoay chọn mua một đôi “xịp” nam, thấp thoáng sau mấy cái mắc treo đồ lót nữ. Anh có vẻ xấu hổ khi gặp lại tôi ở chỗ tôi làm. Anh là khách hàng tương đối lớn, và văn phòng tôi chịu trách nhiệm soạn thảo toàn bộ hồ sơ hợp đồng giữa cơ quan anh với một nhà thầu xây dựng lạ hoắc mà không hiểu sao tôi thấy rất quen. Khi đã quen tương đối thân, chưa yêu đâu, anh cười bảo tôi: “Chắc em nhìn thấy ảnh anh đứng cạnh ông chủ thầu đích thực chứ gì”.

Ở đời chẳng có gì ngẫu nhiên. Lúc chọn file ảnh để làm tờ rơi quảng cáo cho nhà thầu, tôi phải bỏ đi khá nhiều tấm hình chụp chung cả hai bên đối tác A-B với một ông quan chức cao cấp. Con gái giống cha giàu ba mươi đụn, mặt của bố sếp tôi giống hệt mặt của cô chị đang giả vờ buôn quần áo. Môi dưới dày, trề ra đĩ thõa. Anh thở dài, nhìn theo cái “mẹc” của chị chủ: “Cha mẹ giàu thì con có, cha mẹ khó thì con không”.

Anh giải thích tại sao anh cực kỳ chăm học. Ở cái thời nhan nhản giáo sư tiến sĩ này, học giỏi là cách thoát nghèo vừa sang trọng vừa hiệu quả. Thực ra, sau khi đoạt giải ba chuyên toán toàn quốc vào khoảng giữa năm lớp 12, anh đã định chọn trường Y, chuyên khoa răng hàm mặt. Hồi anh mười ba tuổi, bằng đúng cái tuổi tôi mất đi người mà tôi yêu thương nhất, mẹ anh đau răng phải tới ông bác sĩ ở gần nhà.

Chuyen tinh  binh thuong

Anh bị nhớ rất lâu cái câu của mẹ anh hay nói, “mỗi mấy cái răng mà mất hơn cả triệu bạc”. Không biết bao lần anh khép người, tần ngần đứng ngắm ngôi nhà của ông bác sĩ. Phía trước nó thâm nghiêm kiêu hãnh như biệt thự. Phía sau, nó sáng choang tối tân như siêu thị. Ông ta đi xe máy nhưng vợ con ông ta đi ô tô. Ở cái làng ngoại thành đang dở dang lên phố của anh, thì sinh hoạt theo kiểu nhà ông bác sĩ là vời vợi quý tộc. Anh không hề giấu tôi cái chuyện, ngay từ năm thứ nhất anh đã khát khao quyết tâm, rồi đây mình phải mua bằng được một chiếc xe hơi.

“Mà sao anh lại kể cho em những chuyện linh tinh như thế này nhỉ. Đành rằng là anh yêu em, nhưng em đáng tin đến vậy chưa”.

Tôi dịu dàng cười, mắt trong veo chớp chớp, khuyến khích anh tâm sự. Chiêu này tôi học từ “đòn” phỏng vấn của mẹ. Hơi ngần ngại nhưng anh cũng bộc bạch, cô tiểu thư duy nhất của ông bác sĩ cũng học Y. Không hẳn là khoe, anh lưỡng lự cho tôi xem ảnh. Mũi tròn, mặt tròn, có vẻ chân chất cả tin. Và đặc biệt là hàm răng tím sẫm màu chung thủy, nó chứng tỏ cô là một nha sĩ thủy chung. Cô tiểu thư có một dạo nồng nàn yêu anh. Suýt nữa anh đã hiến thân cho nền y học nước nhà, nhưng anh từ chối.

“Anh không thể hiểu nổi những gã cứ nhăm nhăm đi tìm vợ giàu. Đàn ông phải tự lập chứ”.

Tôi với anh đang ăn trưa ở một quán bình bình, cố nấu theo kiểu Ý. Đấy là lúc hình như tôi sắp nhận lời yêu anh.

“Sao anh nhớ được nhiều chuyện cũ thế”.

Tôi thực bụng hỏi, anh thở dài, tuổi thơ của anh vất vả lắm. Mẹ tôi nói, chưa thấy bố con kể khổ bao giờ. Cũng có thể bố được chiều chuộng từ bé, vì là con giai của một nhà có gốc gác tư sản. Ông nội tôi cũng là bác sĩ, đỗ “đốc tờ” Tây từ hồi Hà Nội còn người Pháp. Cái biệt thự hương hỏa mà giờ đây tôi được chia một góc nhỏ, là do cụ ngoại tôi mua lại từ một bà đầm góa chồng. Tất nhiên căn villa đẹp như mơ ấy đã từ lâu nhếch nhác tàn tạ, nó bị nghệch ngoạc chia năm xẻ bảy cho đủ mọi kiểu người. Bố tôi hơn một lần từng viết cho báo Văn Nghệ “già” về cái khoảng thời gian cụ tôi mở toang cửa mời vô số người lạ vào ở cùng. Đó là quãng Hà Nội phát động phong trào cải tạo tư sản tư doanh.

Ông viết, dù cuộc sống lúc ấy có quá nhiều đau đớn thăng trầm, nhưng những con phố, nhất là tình người, vẫn đẹp đến nao lòng. Bố thỉnh thoảng mới viết văn, đều ký tên tôi. Còn chủ yếu là dịch, và ký tên mẹ. Có một buổi chiều lâng lâng mưa phùn bải hoải, anh đăm đắm nhìn tôi rồi như chợt nhiên như chân thành, anh hỏi giọng trầm: “Chắc là em giống bố em lắm”.

Tôi yêu tất cả những ai nói tôi giống bố, tôi nhìn anh, khe khẽ gật đầu.

Mẹ tôi lại châm thuốc, sau khi tục huyền, một ngày bà hút gần ba gói.

- Ở cùng tòa soạn với mẹ, có một chị vô tình có họ hàng xa với nhà cậu ta, chị ấy khen bà mẹ lắm. Chồng mất sớm, bà đó đi bán nước chè rồi bán đồng nát, tần tảo nuôi cả ba đứa con ăn học đàng hoàng.

Anh là trai cả, tôi chưa gặp cô em út đang học năm cuối trường ngân hàng, nhưng có gặp cậu em kế vài lần. Cậu ta kém anh hai tuổi và kém tôi một tuổi, ngoại hình khá giống anh nhưng cao và trắng trẻo hơn. Anh bảo, nó được nhiều cô mê lắm nhưng nó luôn sống đúng mực. Những lúc tôi nhớ bố nhất là những buổi chiều bố độc ẩm hơi say say. Bố bế tôi lên lòng và nhả khói thuốc vào tai tôi. Mẹ lắc đầu, chán nản, cố không cáu. Bố thì cái gì cũng biết, chỉ biết không đúng mực. Văn của bố buồn cười, vài nhà phê bình có vẻ uy tín kêu rằng, ông giỏi ngoại ngữ như thế mà viết sai ngữ pháp be bét. Biết sao được, bố không thích những gì trắng trợn đúng. Cậu em mời hai đứa chúng tôi ăn buffet ở một nhà hàng bình thường, chừng hai sao. Cậu em là chuyên gia tin học của một tập đoàn truyền thông vào loại mạnh nhất nước. Tất cả những người giỏi “tin” đều đẫm đầy tự tin. Anh nhờ cậu em tư vấn mua ô tô.

“Theo em thì anh nên mua xe loại bảy chỗ. Nó rất tiện cho việc gia đình. Và nếu anh không thích dùng nữa thì cũng dễ cho thuê hay bán lại”.

Nếu đúng như anh tính toán, cuối năm nay chúng tôi sẽ cưới, và sang năm tới hai đứa sẽ có con. Kể cả tôi có sinh đôi, kể cả mẹ anh và em gái anh có ngồi cùng thì xe vẫn quá rộng. Hình như những người Việt đúng mực nào cũng có tầm nhìn rộng, cũng thích ăn “búp phê” và đi xe bảy chỗ. Tôi biết anh quý và trọng em giai. Cũng chẳng phải là chuyện ngay từ hồi sinh viên cậu ta đã tự kiếm tiền mua được xe máy. Càng không phải là lương cậu ta cao vút, đôi lúc nhiệt tình giúp mẹ giúp anh. Tôi tế nhị nhìn cậu ta thong thả ăn sạch sẽ hai đĩa lớn đầy những món Âu-Á. Cậu ta ngừng lướt smartphone, quay sang tôi, cười hồn nhiên: “Hồi em làm thạc sĩ ở Úc, em còn ăn được cả ba đĩa”.

Tôi cũng thật thà cười, bố luôn không thích những ai chứng tỏ khắt khe. Mà tới tuổi này tôi cũng đâu có nhiều lựa chọn. Lúc anh ngỏ lời, tôi hơi băn khoăn, anh nhẹ nhàng cầm tay tôi: “Con gái phố cổ thì hay soi. Nhưng anh hứa là không bao giờ em soi được bất cứ điều gì không đúng ở anh”.

Tất nhiên, giống như cậu em, anh cũng mua một xe bảy chỗ. Nội thất anh cầu kỳ “độ” thêm rất nhiều, đặc biệt thêm hai loa ngoài, vì anh biết tôi yêu Bach. Anh công khai đưa đón tôi đi làm, những lúc phải chờ, anh thường tạt vào cửa hàng của cô chị mua cho tôi vài thứ linh tinh. Thỉnh thoảng vô tình, tôi thấy chị ta chằm chằm nhìn. Nghe tôi kể, anh phẩy tay, em cứ hay quan trọng. Thú vui quan trọng nhất ở anh bây giờ là được lái xe. Tôi hiểu, anh phải vất vả như thế nào mới sở hữu được nó. Anh không phải là người quá căn cơ, nhưng anh ghét mọi thứ chệch choạc. Nhìn anh lái xe thì biết. Không bao giờ lấn làn, không bao giờ vượt đèn vàng. Anh nghiến răng phanh gấp, khi bị một cặp “tin tin” lướt SH đè đầu.

“Hà Nội muốn văn minh thì phải cấm xe máy. Tất nhiên là nó tiện, vì chính anh cũng bao nhiêu năm bị dùng nó. Nhưng cuộc sống tất yếu phải tiến lên. Xe máy chỉ là tàn tích mọi rợ của một thời nhốn nháo”.

Tôi dịu dàng đồng ý với anh. Sinh nhật tôi vừa rồi, anh có mời mẹ tôi đi ăn cùng bữa tối. Suốt bữa, bà ngấm ngầm nhìn tôi, cuối bữa thì nói khe khẽ, con trưởng thành nhiều đấy. Thật a mẹ, trưởng thành là phải biết dịu dàng thỏa hiệp ạ. Mẹ tôi khẽ cười, tin mẹ đi, hôn nhân được giữ gìn là nhờ nhường nhịn. Tôi cố không lắc đầu, biết nói thế nào nhỉ, từ khi mẹ tôi quyết định đi bước nữa thì tôi đã ít tin mẹ. Cũng như dù rất cố, tôi vẫn không sao quen được nội thất của xe bảy chỗ. Sự thừa thãi của nó làm tôi mênh mông cô đơn.

Rồi buổi sáng hôm ấy anh rủ tôi về ra mắt mẹ anh, nhân ngày nhà anh làm giỗ bố. Đáng nhẽ anh về từ tối hôm trước cùng hai em, nhưng anh quá kẹt việc, còn tôi thì chưa thể ở qua đêm.

“Cả ba đứa bọn anh lúc nào cũng muốn nằm ngủ bên cạnh mẹ. Anh chưa thấy người mẹ nào lại hy sinh cho con nhiều như mẹ anh”.

Tôi luôn thấy ảnh mẹ anh trên facebook của cả ba đứa con. Sâu xa, tôi thật sự cảm tình với bà. Chúng tôi khởi hành hơi trễ, giờ cao điểm, đường vành đai nườm nượp xe tải. Anh căng thẳng lái, vừa cằn nhằn đám đi xe máy, vừa liên tục bàn công việc qua cái iPhone 6. Tôi tắt nhạc đi để anh tập trung. Nội thất xe tĩnh tới mức, dù không muốn, tôi vẫn bị nghe sếp anh cáu.

“Tại sao cậu dám cư xử với con gái ông ta như thế. Cô ta mách hết chuyện cho bố rồi đấy. Nếu hợp đồng này mà vỡ, cậu hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Anh vâng dạ, khẽ liếc tôi, ngần ngừ cắm tai nghe vào “mô bai”. Tôi lim dim như ngủ thật. Tối qua, hai đứa đi shopping muộn, mua một lô một lốc đồ tươi lẫn khô để trưa nay làm cỗ. Tôi bị mất ngủ, lần đầu tiên ra mắt cả nhà chồng sắp cưới, có thiếu nữ nào mà không hồi hộp. Anh sốt ruột nhìn đồng hồ, đã hơn chín giờ mà chúng tôi mới loay hoay bò tới gần nút giao lối rẽ vào Hà Đông. Xe máy đi nghênh ngang lộn xộn, bất chấp dải phân cách, cứ vun vút lấn trái đường.

Anh gắt gỏng bấm còi, chịu. May quá, cái xe tải kềnh càng chạy trước bật xi nhan xin rẽ phải. Chỉ qua ngã tư này thôi, là bên kia đường thông thoáng. Thế nhưng có cái “Wây Tàu” của một ông trung niên, đèo thằng bé con mặc đồng phục tiểu học, cố ngược chiều lấn làn. Mặt anh sầm lại, anh đánh vô lăng dịch trái sang chừng mười lăm phân, lừ lừ tiến lên. Khoảng trống trước mặt đúng là của anh. Có tiếng “răng rắc” không biết từ xe anh hay từ chiếc “Wây Tàu”, chỉ biết mặt tôi tái xanh y như mặt thằng bé, mồm nó méo xệch đau đớn. Bố con nhà nó bị anh ép dính vào dải phân cách. Xe chúng tôi tăng ga, xe chúng tôi đi đúng làn thoát qua ngã tư.

Tôi nói lời chia tay với anh trong một quán ăn nhỏ nằm sát Bờ Hồ, trước nấu món Việt rất ngon, giờ đang cố bắt chước bếp Pháp. Đã gần tết, trời vẫn bải hoải mưa phùn. Anh có vẻ buồn. “Tại sao, anh không thể hiểu nổi. Em cố chấp quá, đấy chỉ là một va chạm bình thường luôn có trên đường đời. Mà anh đâu có sai”.

Tôi cũng buồn, chuyện tình của hai đứa chúng tôi cũng thật bình thường. Sâu xa đâu đó, cũng có thể là tôi cố chấp, hình như tôi đã sai.

“Em không biết hôm ấy, mọi người mong em như thế nào đâu. Nhất là mẹ. Trời ơi, anh đã hứa với mẹ rằng anh sẽ tìm được cho mẹ một cô con dâu hoàn hảo”.

Tôi đã không gặp mẹ anh, và tôi cũng sẽ không gặp mẹ anh nữa. Cũng như tôi không muốn là một người mẹ hoàn hảo rồi sở hữu những đứa con luôn tìm cách đúng hoàn hảo.

Tôi nhớ bố quá. 

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI