Hồn dân tộc qua mắt 8X

14/06/2015 - 04:30

PNO - PN - Nón - dự án nghệ thuật kết hợp múa đương đại và âm nhạc dân tộc là câu trả lời của hai chàng trai 8X Ngọc Khải và Hồng Quang về “chất Việt Nam” trong nghệ thuật đương đại.

Khi còn thai nghén, Nón có tên gọi Bánh chưng, bánh giầy - hai biểu vật linh thiêng của người Việt tượng trưng cho trời tròn đất vuông. Khi được dàn dựng, sân khấu mang hình chiếc nón lớn bao phủ người nghệ sĩ biểu trưng cho vũ trụ xoay quanh số phận con người. Nhưng dù là bánh chưng bánh giầy hay chiếc nón - những hình ảnh rất Việt Nam, cũng chưa đủ để hai nghệ sĩ biểu đạt hết điều họ muốn nói trong tác phẩm dài 45 phút.

Hon dan toc qua mat 8X

Ngọc Khải và Hồng Quang

Vũ Ngọc Khải chia sẻ, Nón đưa đến cho người xem một không gian kết hợp dòng chảy của những thanh âm (từ nhạc cụ dân tộc, gồm chiêng dây, chuông, mõ, chiêng, kèn môi ba lá và đàn tính), chuyển động cơ thể và ánh sáng, thiết kế sân khấu. Tùy thuộc rất nhiều vào trải nghiệm của từng người xem, họ sẽ có cảm nhận riêng về sự tồn tại của con người trong vũ trụ, “đó là con người lao động Việt Nam”. Khán giả sẽ “thực sự được riêng tư”, vì tất cả máy quay, máy ảnh và ánh sáng điện thoại sẽ bị “nghiêm cấm” để đảm bảo cho người đi xem không bị làm phiền và nghệ sĩ có thể trọn tâm trình diễn.

Ngọc Khải khiêm tốn nói rằng âm nhạc đóng góp 40% vào đêm diễn, các yếu tố khác 50%, còn bản thân mình “chỉ 10% thôi”, dù trên thực tế anh đảm nhận từ vai trò diễn viên, biên đạo, đạo diễn, đến giám đốc dự án, kế toán, mua sắm, vận chuyển đạo cụ lẫn… đi xin tài trợ. Sau đêm diễn ra mắt tối 13/6, Nón sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội trình diễn tại cả trong nước và ngoài nước, trong thời gian ba năm.

Cả Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang đều là những nghệ sĩ Việt “ra đi và trở về”. Mỗi lần ra đi là một cuộc bồi đắp kiến thức và kỹ năng, phương pháp làm việc. Mỗi lần trở về là một cơ hội nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo. “Việt Nam mình nhiều nơi đẹp quá, và rất riêng biệt. Mỗi lần về Việt Nam là mình nghĩ ra được nhiều thứ, và ăn cho thỏa thích nữa” - Ngô Hồng Quang chia sẻ. Anh chỉ về nước được hai tuần để tập luyện liên tục cho Nón, dù trước đó hai nghệ sĩ đã có 10 ngày tập luyện tại Hà Lan khi Ngọc Khải sang lưu diễn.

Hon dan toc qua mat 8X

Ngọc Khải múa dưới Nón

Trong Nón, Hồng Quang chỉ mới “thi triển một phần công lực” trong khả năng chơi chín loại nhạc cụ (với ngôn ngữ âm nhạc dân tộc hiện đại do anh sáng tạo), hát bằng tiếng H’mông, hát bằng kỹ thuật “đồng song thanh” (hai giọng khác biệt phát ra đồng thời). Anh còn là người duy nhất hiện nay chơi nhạc cụ chiêng dây độc đáo của nghệ sĩ Tạ Tâm, mà sắp tới đây có thể sẽ tiếp tục sử dụng trong dự án kết hợp với nhạc sĩ Nguyên Lê tại Paris, Pháp.

Với Ngọc Khải, sau Nón, anh lại ra đi theo hợp đồng với một công ty múa tại Đức, để tận dụng nốt những năm tháng cuối cùng còn có thể đứng múa cho một công việc có cường độ cao, và để học thêm kiến thức còn thiếu cho con đường dài biên đạo và tổ chức sô múa sau này.

Những nghệ sĩ “đi Đông đi Tây”, được vỗ tay tại nhiều nơi trên thế giới… nhưng nếu vô tình gặp họ trên một con đường nhỏ nào đó ở Sài Gòn, sẽ thấy họ ăn mặc giản dị, chạy chiếc Cub 50 chở đầy đạo cụ rổ, ghế, nón, đàn… và hát nghêu ngao. Sau giờ tập, họ hạnh phúc khi được đi ăn cơm Việt Nam tại “quán chị Hoa” nào đó giữa Sài Gòn.

 TUỆ NHÃ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI