Những 'fan' và 'idol' kiểu mới - Đáng thương hơn đáng trách

03/04/2019 - 06:36

PNO - "Cơn sốt” kiểu như Khá Bảnh hiện nay rồi cũng sẽ nhanh chóng qua đi, bởi tương lai giới trẻ không thể mua bằng lượng like hay view, mà phải bằng trí tuệ và những giá trị thật sự.

Thanh niên ngoại hình không nổi bật, tài năng càng không có, học hành lại dở dang, vậy mà trở thành “hiện tượng nóng” trên mạng xã hội với lượng fan đông đảo. Tại sao lại có sự kỳ lạ vậy?

Khá Bảnh (tên thật là Ngô Bá Khá) là chủ nhân của kênh YouTube đang có hơn 1,8 triệu lượt người theo dõi, Facebook cá nhân hơn 600.000 người follow, mỗi video trên YouTube thu hút trên dưới cả chục triệu lượt xem. Bí quyết của “idol” kiểu mới này là ăn nói tục tĩu, hành động hồn nhiên tới mức nhảm nhí. 

Nhung 'fan' va  'idol' kieu moi - Dang  thuong hon dang trach

Tương tự, cụm từ “Lệ Rơi” cũng là từ khóa “hot” bậc nhất trên mạng vài năm trước. Cái sự “lạ” của Lệ Rơi đã tạo nên “cơn sốt” trên cộng đồng mạng dù chàng “ca sĩ” hát không hề hay, nhan sắc cũng không hề bảnh.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện bị coi là nhảm nhí nhưng lại được lượng khổng lồ bạn trẻ tung hô, một hiện tượng khó lý giải.

Người ta nói, đằng sau những nhân vật như Khá Bảnh là cả một "lực lượng" truyền thông. Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, đồng thời đánh vào tâm lý của một bộ phận giới trẻ hiện nay, họ đã “thổi” những nhân vật như Khá Bảnh, Lệ Rơi, thành công cụ thu bộn tiền trên các “sàn diễn ảo”.

Thực ra, công nghệ xây dựng hình tượng xã hội đã phổ biến trên thế giới từ lâu. Những “nữ hoàng tuổi teen” ở Mỹ như Lindsay Lohan, Miley Cyrus hay Selena Gomez… đã trở thành những thần tượng tuổi teen trên toàn cầu. Điểm chung của những sao teen này là nét đẹp cá tính, tài năng diễn xuất, ca hát xuất sắc, phong cách thông minh, tinh nghịch đúng lứa tuổi. 

Ở Việt Nam, vài năm trước, những nhân vật được giới trẻ ngưỡng mộ thường là những du học sinh trẻ trung, tài năng, với những tên tuổi như vlogger Jvevermind, An Nguy, Toàn Shinoda… Các video của họ thường tập trung đề cập các vấn đề đời sống xã hội dưới góc nhìn rất thú vị.

Vậy tại sao “khẩu vị” của nhiều bạn trẻ giờ thay đổi một cách khó hiểu vậy?

Khoan đổ lỗi cho giáo dục yếu kém, cho dân trí thấp, cho văn hóa xuống cấp... Bình tĩnh suy xét sẽ thấy có lẽ chính hiện thực xã hội ngày nay, nhất là sự nhảm nhí của một bộ phận làm truyền thông, đã sản sinh ra những hiện tượng như vậy.

Trên một vài kênh ti vi giải trí, màn hình tràn ngập những nhân vật ưỡn ẹo, trai giả gái, gái giả trai, hài nhảm, hát nhép rất nhố nhăng. Mà xin thưa, đây toàn là những show truyền hình thuê đường truyền trên các kênh chính thống, có tiếng tăm hẳn hoi. Góp phần vào sự nhố nhăng này có cả các nghệ sĩ, các nhà tổ chức tên tuổi. 

Nhung 'fan' va  'idol' kieu moi - Dang  thuong hon dang trach
Lệ Rơi- "hiện tượng mạng" ngày nào

Click vào mấy trang điện tử mà dân teen hay theo dõi, nhan nhản bài viết kiểu “Nụ cười ca sĩ X. trong tang lễ”, “Lộ ảnh tài tử T. bên gái lạ”, “Người đẹp Y. tung ghi âm cây hài tỏ tình”… Những tin tức giật gân câu view kiểu này thậm chí còn được các ban biên tập khuyến khích bằng việc chấm nhuận bút cao. 

Liệu văn minh xã hội, tri thức văn hóa, tâm hồn hướng thiện, lối sống lành mạnh… có thể được vun đắp bằng những bài viết, những show truyền hình như vậy?

Mạng xã hội ngày càng phổ biến thì tin tức càng có sức lan tỏa nhanh chóng. Mặt trái của nó là những thông tin “độc hại”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lứa tuổi teen vốn chưa đủ khả năng “tự phòng vệ”.

Các bạn teen thường tò mò, thích thể hiện bản thân. Không ít bạn thích nổi tiếng và coi những việc làm đi ngược với các chuẩn mực vốn có là cá tính, là thú vị. Xu hướng này càng dễ bộc lộ khi các khuôn mẫu và các hệ giá trị chính danh bị xói mòn, khiến không ít thanh thiếu niên mất định hướng. 

Trong khi đó, mức độ quan tâm và sự trang bị cho các em từ gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội lại chưa đầy đủ. Ngoài các giờ học nặng nề, các em ít có cơ hội được học kỹ năng sống, ít có các hoạt động ngoại khóa phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi. Các hoạt động đoàn, đội vẫn mang nặng tính hình thức chứ chưa thiết thực, bổ ích để thu hút các em. 

Thay vì lớn tiếng chỉ trích hay thổi phồng nỗi lo, cần hiểu tâm tư giới trẻ, hiểu cả những thuận và nghịch từ môi trường mà chính người lớn tạo ra, để giúp các em đỡ lãng phí thời gian cho những sự nhảm nhí. 

"Cơn sốt” kiểu như Khá Bảnh hiện nay rồi cũng sẽ nhanh chóng qua đi, bởi tương lai giới trẻ không thể mua bằng lượng like hay view, mà phải bằng trí tuệ và những giá trị thật sự. 

Minh Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI