Phải chăng vì pháp luật lỏng lẻo?

29/04/2013 - 16:35

PNO - PN - Dù là nền văn hóa nào thì tính chất của quan hệ gia đình, họ hàng dòng tộc luôn đặc biệt bởi sự liên kết về lợi ích giữa các thành viên và tình cảm huyết thống.

Những tội ác nhắm vào người thân với mật độ và tần suất như hiện nay rõ ràng là hiện tượng rất không bình thường. Có ý kiến cho rằng, có tình trạng ấy bởi pháp luật chưa chặt chẽ, không đủ tính răn đe, tội ác được tiếp nối phổ biến và đấy là một trong những yếu tố làm nhiễu loạn giá trị gia đình. Theo tôi, hiện tượng kẻ thủ ác “xử” người thân trong gia đình có những căn nguyên xã hội âm ỉ trong một khoảng thời gian đủ lâu để giờ phát thành “dịch”.

Phai chang vi phap luat long leo?

Trong bối cảnh xã hội còn những bất an như hiện nay thì gia đình vẫn đang và sẽ tiếp tục là nơi trú ẩn lý tưởng nhất cho nhiều người, nếu không muốn nói là cho tất cả. Các bậc phụ huynh dạy con cái học theo đạo lý thánh hiền nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, nhưng bước khỏi bậu cửa, có thể là tới trường học hoặc công sở, thì lại con ơi… chớ tin người. Tôi xin có lời bình, dạy thế khác nào bảo nhau phải sống giả. Hệ quả là người ta chỉ dám nói và sống thật khi đã chắc chắn ở trong cái tổ tò vò của mình.

Pháp luật ta có cả “rừng” và hiện các nhà làm luật vẫn đang tiếp tục “tinh” lại. Các quy định, đặc biệt là trong xử lý vi phạm hành chính và chế tài hình sự, trong sự so sánh với quốc tế có thể nói ngay là ta rất nghiêm. Hình phạt tử hình chiếm tỷ lệ khá cao đối với các tội hình sự, mức phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính thuộc hàng “khủng”, việc “phân vai” trong hoạt động tố tụng căn bản đâu ra đấy. Theo ý kiến của tôi, thì tình trạng tội ác gia tăng, trong đó bao hàm tội ác xảy ra trong gia đình, không phải tại pháp luật chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, mà ở sự khủng hoảng về giá trị cuộc sống và tính nhân văn trong xã hội. Kẻ thủ ác trong nhiều vụ án gia đình đã phải nhận hình phạt ở mức cao nhất, hoạt động tuyên truyền pháp luật “lớp lang” rất ghê gớm, nhiều phiên tòa lưu động được thực hiện, nhưng tội ác thì vẫn nối nhau xuất hiện. Mạnh tay “xử”, truyền thông vào cuộc, phát tận tay thành viên gia đình tờ rơi, tờ bướm... không phải là không có tác động, nhưng xem ra chưa “phê” với diễn biến của tình hình tội phạm.

Việc chấn hưng giá trị gia đình vốn đang bị nhiễu loạn nặng nề là câu chuyện vô cùng lớn. Hoàn thiện pháp luật đương nhiên là cần thiết, nhưng cốt lõi là ở con người thực thi nó. Cá nhân tôi cho rằng một trong những điểm nhấn lạc điệu trong câu chuyện chấn hưng nó là đã đề cao pháp luật hơn mức cần thiết, bởi pháp luật chỉ có ý nghĩa khi người ta tin, mà niềm tin thì không phải trên trời xuống. Chẳng hạn, cần xây dựng một chính sách giáo dục hợp lý và khoa học, ví dụ liều lượng giáo dục pháp luật cho học trò phải tương thích với giáo dục đạo lý làm người.

Hoàng Kim Chiến
(Phó vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM)

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ:giatrigiadinh@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI