Hợp đồng giúp việc gia đình sẽ có nhiều quy định

23/04/2014 - 20:07

PNO - PN - Sau khi Nghị định 27/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 27) ban hành, như Báo Phụ Nữ đã phản ánh, không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn về một số quy định liên quan đến tiền lương, bảo hiểm cho người giúp việc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chiều 22/4, bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH, đơn vị soạn thảo Nghị định) nói: Quy định thực chất chỉ là để rạch ròi các khoản tiền mà người giúp việc nhận được trong tiền lương hàng tháng, miễn là đáp ứng yêu cầu không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Nghị định cũng không yêu cầu người sử dụng lao động (chủ nhà) phải trực tiếp mua bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người giúp việc gia đình mà đối tượng lao động này sẽ phải tự lo liệu. Bà Minh lưu ý, không phụ thuộc vào thời gian lao động giúp việc gia đình làm việc, khi đã ký kết hợp đồng lao động, nghị định bắt buộc chủ nhà phải đảm bảo chi trả tiền đóng BHXH.

Hop dong giup viec gia dinh se co nhieu quy dinh
Để có người giúp việc tin cậy, nên tìm đến các đơn vị uy tín thuộc hội phụ nữ, cơ quan
quản lý lao động... - Ảnh minh họa : Phùng Huy

Trong trường hợp người giúp việc vi phạm hợp đồng hoặc có hành vi cư xử không đúng thỏa thuận, ngoài hình thức “kỷ luật” lao động (theo thỏa thuận) hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước, chủ nhà không có quyền trừ lương của người giúp việc. Việc trừ lương chỉ áp dụng trong trường hợp người giúp việc làm hư hỏng thiết bị, dụng cụ gia đình hoặc làm mất tài sản. Số tiền khấu trừ không được vượt quá 30% tiền lương hàng tháng và có thể khấu trừ vào nhiều tháng.

Bà Minh khẳng định: “Với đặc thù của nghề lao động giúp việc gia đình, Bộ LĐ-TB-XH đã có những tính toán và khảo sát để đưa ra những quy định phù hợp và có phần linh động hơn so với nhiều ngành nghề khác. Cụ thể như quy định về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, chủ nhà và người giúp việc được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà chỉ phải báo trước 15 ngày (thay vì 30 - 45 ngày như thông thường). Người giúp việc cũng có thể lập tức chấm dứt hợp đồng lao động khi chủ nhà có các hành vi bạo hành, xâm phạm… Chủ nhà có quyền tương tự khi phát hiện người giúp việc trộm cắp tài sản, vi phạm điều cấm. “Hợp đồng giúp việc gia đình sẽ có nhiều quy định hơn so với các loại hình lao động khác, nhưng các quy định vẫn dựa trên nguyên tắc tăng cường thương lượng thỏa thuận giữa hai bên”, bà Tống Thị Minh nói.

Mặc dù đánh giá các quy định về giúp việc gia đình mang tính nhân văn, hướng tới việc công nhận đây là một nghề trong xã hội, tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ nghi ngại về tính khả thi của nghị định. Ai sẽ là người giám sát, đảm bảo thực hiện các quy định này? Bà Tống Thị Minh cho biết, việc triển khai sẽ trực tiếp giao cho UBND các xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc. Theo dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 27 đang được Bộ LĐ-TB-XH soạn thảo, các địa phương sẽ phải phân công người để tiếp nhận, quản lý thông tin lao động. Trong dự thảo thông tư, Bộ cũng đang cân nhắc việc hướng dẫn chủ nhà thông báo bằng phương thức nào, trực tiếp báo cáo hay gửi tin nhắn, email… Dự kiến ngay trong tuần này, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 27 sẽ được Bộ LĐ-TB-XH đăng tải và lấy ý kiến trên website của Bộ.

 H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI