Cử tri phàn nàn ‘điều luật vừa ban hành đã lạc hậu’

09/05/2015 - 09:53

PNO - PN – Tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri là cán bộ công chức cho rằng, có những dự án luật chưa phù hợp nên làm mất nhiều thời gian bàn bạc, góp ý; một số điều luật vừa ban hành đã lạc hậu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cu tri phan nan ‘dieu luat vua ban hanh da lac hau’

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (đứng) tiếp thu ý kiến của cử tri.

Chiều 8/5, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7, TP.HCM đã có cuộc tiếp xúc cử tri là cán bộ công chức trước kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khoá XIII.

Tổ đại biểu Đơn vị bầu cử số 7, TP.HCM gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Phó tổng biên tập báo Khoa Học Phổ Thông và ông Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Dự kiến, kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khoá XIII sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến hết ngày 25/6/2015 với những nội dung chương trình quan trọng, trong đó sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, đồng thời cho ý kiến 14 dự án luật khác.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đề đạt lên Quốc hội về cách xây dựng và ban hành các loại luật, nhất là các luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.

Cử tri Lê Ngọc Tình (Phòng Công chứng số 2 thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) cho rằng, cách xây dựng các dự án luật hiện nay chưa phù hợp, dẫn đến có những dự án luật khi đưa ra trước kỳ họp làm mất nhiều thời gian của Quốc hội; một số điều luật vừa ra đời đã lạc hậu.

Đề đạt về cách làm, cử tri này cho rằng, nên đặt hàng trước với các tổ chức liên quan, trên cơ sở gợi ý chung, sau đó tổng hợp lại và trình ra Quốc hội xem xét. Với cách làm này, các dự án luật sẽ sát thực tế hơn, cụ thể hơn và dễ thực thi khi đi vào cuộc sống.

Cũng theo cử tri này, Bộ luật Dân sự là đạo luật quan trọng, được gọi là luật nền của hệ thống pháp luật, điều chỉnh nhiều mặt quan hệ xã hội, có liên quan mật thiết đến đời sống, hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp nhưng dự thảo luật này lại có rất nhiều quy định chưa phù hợp.

Cử tri Nguyễn Anh Tuấn (Trung tâm Kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) đề nghị cần triển khai rộng và thực hiện có hiệu quả việc tham gia của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng các dự án luật; cần nêu rõ về quy trình, đối tượng, phương pháp, nguồn kinh phí thực hiện... để có thực chất hơn.

Cũng theo cử tri này, cần quy định rõ cơ quan chuyên trách nào xây dựng các dự án luật để bảo đảm làm luật là tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi của xã hội chứ không phục vụ cho bất kỳ nhóm nào. Song song đó, luật khi được ban hành phải có đời sống pháp lý, đời sống xã hội dài hơn...

Cử tri Phan Thanh Sơn (Công ty Phát triển nhà TP.HCM) đề nghị cần tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách phục vụ cho việc xây dựng các dự án luật.

Đồng thời, Quốc hội phải giám sát Chính phủ trong xây dựng các nghị định để triển khai thực thi các loại luật.

NHẬT THỤY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI