Vụ nghi vấn sai phạm của Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây: Thu, chi chưa minh bạch

28/12/2018 - 10:21

PNO - Liên quan những nghi vấn sai phạm của Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, ông Nguyễn Thanh Hải, hiệu trưởng nhà trường vừa có cuộc họp công khai những khoản thu chi, nhưng từ đây cán bộ giáo viên của trường phát hiện thêm nhiều bất thường.

Trong các ngày 2 và 5/11/2018, Báo Phụ Nữ TP.HCM có đăng tin, bài liên quan đến những sai phạm tại Trường THPT Đào Sơn Tây và sai phạm của cá nhân hiệu trưởng. Sau đó, ông Nguyễn Thanh Hải - hiệu trưởng nhà trường - đã triệu tập cuộc họp với tổ trưởng các tổ chuyên môn để công bố dự chi cho các khoản thu từ buổi hai (300.000 đồng/học sinh (HS)/tháng) và quản lý bán trú (200.000 đồng/HS/tháng), đồng thời công khai những khoản đã chi. Thế nhưng, từ những bản báo cáo, cán bộ giáo viên (GV) của trường lại phát hiện thêm nhiều bất thường.  

Thực thu và báo cáo: chênh nhau hàng chục triệu đồng/tháng?

Ví dụ, trong bảng thực chi tháng Tám (10 ngày) và tháng Chín (18 ngày) đối với khoản tiền bán trú, báo cáo ghi thu: 132,6 triệu đồng, chi 145 triệu đồng (gồm cả 12,3 triệu đồng quỹ tồn), tức là thu bao nhiêu chi hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, GV cho rằng báo cáo không trung thực, vì số tiền thực thu đối với 800 HS trong thời gian nói trên phải lên đến 230 triệu đồng, tức nhiều hơn gần 100 triệu đồng (chưa kể 36 triệu đồng tiền vệ sinh). 

Vu nghi van sai pham cua Hieu truong Truong THPT Dao Son Tay: Thu, chi chua minh bach
Học sinh Trường Đào Sơn Tây

Hơn thế, sự lệch nhau giữa các số liệu diễn giải trong báo cáo còn theo hướng “thủ lợi” cho bộ phận quản lý và “gây thiệt hại” cho bộ phận làm việc trực tiếp. Ví dụ: 15% (của 145 triệu đồng) chi cho bộ phận quản lý sẽ là 21,7 triệu đồng, nhưng báo cáo ghi 30,9 triệu đồng (tăng 9,2 triệu đồng); trong khi 65% chi cho những người làm việc trực tiếp là 94,2 triệu đồng thì báo cáo ghi 82,6 triệu đồng (giảm 11,6 triệu đồng). 

Ở phần dự chi, trường dự toán chỉ thu được 700/800 HS bán trú, 100 HS còn lại thuộc diện thất thu, nhưng lại không đưa ra danh sách HS được miễn, giảm, HS không đóng. Sau khi tìm hiểu vấn đề này, GV khẳng định chuyện 100 HS diện “thất thu” (khoảng 20 triệu đồng/tháng) là không có thực. 

Tương tự, ở khoản học phí buổi hai, trường dự toán chỉ thu được 1.600/1.801 HS, 201 HS còn lại cũng “thất thu” (khoảng 60 triệu đồng/ tháng). Tuy nhiên, GV cho biết: chỉ có 80 HS được đề xuất xét miễn giảm học phí buổi hai và số em được duyệt chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

GV cho rằng có khuất tất đối với hai khoản thu vừa nêu với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. 

Tỷ lệ chi cho bộ phận trực tiếp chỉ còn một nửa

Trong 480 triệu đồng học phí buổi hai thu được hằng tháng, trường dành 65% chi cho bộ phận trực tiếp, 15% chi cho quản lý và 20% cho hoạt động và cơ sở vật chất. Về lý thuyết, cách chi này chẳng có gì phải phàn nàn. Nhưng thực tế lại có nhiều điều băn khoăn.

Cụ thể, trong 65% chi cho bộ phận trực tiếp, trường trích chi hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/người/ tháng cho toàn thể cán bộ - GV - công nhân viên; chi thù lao cho lực lượng GV chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn. Cuối cùng, số tiền thực chi cho GV trực tiếp đứng lớp còn chưa tới 37%, trong khi thực chi cho bộ phận quản lý thì vượt 15%.

Nếu điều GV ghi ngờ - không có chuyện thất thu đối với 201 HS - là đúng, thì tỷ lệ chi cho bộ phận trực tiếp chỉ còn khoảng 32,7%. Thù lao giảng dạy của GV chỉ còn 123.613 đồng/tiết, là quá thấp. 

Ngoài ra, ở khoản chi cho cơ sở vật chất và hoạt động (20%) cũng nhiều chuyện đáng bàn. Ví dụ, trường dự chi 25 triệu đồng cho hoạt động chuyên đề, 15 triệu đồng cho hội thi - hội thao.

“Tôi không hiểu họ chi số tiền ấy vào những chỗ nào, vì mỗi năm, các tổ bộ môn chỉ tổ chức đúng một chuyên đề và chỉ xin được 500.000 đồng. Hội thi, hội thao thì mỗi năm cũng chỉ có hai lần và mỗi lần chi không quá 5 triệu đồng. Phải chăng các khoản chi đã được vẽ ra để hợp thức hóa số tiền thu được?” - một GV đặt vấn đề. 

Minh Nhật - Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI