Khởi nghiệp từ trường học: Còn xa

07/01/2019 - 08:27

PNO - Đa số trường ĐH hiện nay chưa quán triệt môi trường kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Các hội thảo, cuộc thi khởi nghiệp sinh viên được truyền cảm hứng nhất thời chứ chưa hào hứng bắt tay vào một dự án nào đó.

Năm 2018 được đánh dấu là năm khởi động cho hoạt động khởi nghiệp với nhiều đề án, cuộc thi, hội thảo, hội nghị… được triển khai rầm rộ. Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 cũng đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ tài chính, đồng thời yêu cầu các trường cung cấp thông tin và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, điều quan trọng là truyền cách thức khởi nghiệp thì còn khá mông lung.  

Sinh viên được truyền cảm hứng nhất thời

Khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường là chuyện không hiếm tại nhiều nước trên thế giới. Tại Israel, các kỹ năng kinh doanh, khởi nghiệp đều được tích hợp vào chương trình giảng dạy cho học sinh trung học. Sinh viên các trường đại học (ĐH) buộc phải có dự án kinh doanh, khởi nghiệp riêng, vì đây là điều kiện tốt nghiệp. Do đó, sinh viên khi ra trường đều không lạ lẫm với thương trường. 

Tại Singapore, ông Ken Bay - Giám đốc Công ty Đào tạo kỹ năng bán hàng Voices of Sales - cho biết, ông được học cách kinh doanh từ rất sớm và đặc biệt là trong học kỳ quân đội trước khi vào ĐH. Nhờ đó, ông khởi nghiệp bán hàng từ những năm trung học, trước khi trở thành triệu phú vào năm 29 tuổi. Ông còn cho biết, sinh viên ở trường ĐH làm các dự án, máy móc cho doanh nghiệp rất nhiều. 

Trong trường ĐH, nơi hoạt động nghiên cứu được khuyến khích và cũng là nơi tập trung sinh viên với sức sáng tạo trẻ cùng khát khao khẳng định mình chắc chắn sẽ là nơi rất tốt để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Mặt khác, khung trình độ quốc gia Việt Nam có quy định chuẩn đầu ra của ĐH là sinh viên khi tốt nghiệp cần có “kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác”.

Khoi nghiep tu truong hoc: Con xa
Học theo dự án giúp sinh viên khởi nghiệp thuận lợi hơn

Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT - cho biết: đa số trường ĐH hiện nay vẫn chưa quán triệt việc môi trường ĐH cần phải tạo kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Các hội thảo, cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên chưa mang lại hiệu quả cao, sinh viên được truyền cảm hứng nhất thời chứ chưa hào hứng bắt tay vào một dự án nào đó.  

Trái với sự hồ hởi của các cơ quan, ban ngành, không nhiều sinh viên quan tâm đến khởi nghiệp. Tháng 9/2018, chương trình Học kỳ doanh nghiệp do Tỉnh đoàn Đồng Nai phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổ chức khá công phu, tuyển sinh trên cả nước nhưng chỉ thu hút được 30 người đăng ký. Đến ngày học chỉ còn 17 người tham gia.

Theo bà Hồ Hồng Nguyên - Phó bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai - nhiều sinh viên chưa hình dung khởi nghiệp là thế nào hoặc các bạn nghĩ khởi nghiệp rất khó, không dành cho mình. 

Học khởi nghiệp bằng cách làm dự án 

Học theo dự án áp dụng chưa hiệu quả

Ở Việt Nam, học theo dự án đã được nói đến khá nhiều trong vài năm gần đây, nhưng việc áp dụng chưa thật hiệu quả. Vì để áp dụng phương pháp này đòi hỏi phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nhiều phía, không chỉ từ nhà trường, giáo viên. Đó là sự chuyển đổi từ học sinh và cha mẹ. Một trong những rào cản rất lớn là phụ huynh, khi thấy con học như... không học.

Khi hướng dẫn cho các em nhỏ cấp tiểu học thực hiện các dự án design for change, tôi gặp nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lo là không thấy con học gì. Cha mẹ chỉ cảm thấy an tâm khi con được học các bài văn, toán cụ thể và cấp bậc cao dần. Nhưng thực tế ngày nay, mọi kiến thức có thể tìm trên Google, kỹ năng tìm kiếm các giải pháp cùng các nguồn lực để giải quyết vấn đề mới thật sự quan trọng. 

Vì vậy, học bằng cách ghi nhớ tất cả kiến thức, công thức không còn phù hợp. Thay vào đó, học sinh nên được học về kỹ năng tìm kiếm các nguồn lực và ứng dụng nó để giải quyết các vấn đề cuộc sống. Đặc biệt, khi trí tuệ nhân tạo AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi, thậm chí dần thay thế con người trong hầu hết công việc chân tay, thì việc dạy con trẻ cách tư duy cùng các kỹ năng giải quyết vấn đề càng cần thiết hơn bao giờ hết.

đại diện Design for Change Việt Nam

Đầu năm ngoái, chiếc máy bán phở, bánh mì, trà sữa tự động đầu tiên tại Việt Nam do nhóm sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thực hiện theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp tại Hà Nội đã gây được tiếng vang. Sau đó, dự án “người hùng đường cống” - robot dọn rác trong đường cống ngầm và “cánh tay robot đút thức ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson”, được các doanh nghiệp Singapore ngỏ ý mua bản quyền và đầu tư để tiếp tục nghiên cứu hướng tới thương mại hóa.

Đây không phải là những dự án hiếm hoi có thể phát triển trong tương lai của sinh viên trường ĐH này. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, mỗi năm, Khoa Cơ khí chế tạo máy đều nhận được trên dưới 40 đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Các dự án do sinh viên thực hiện thành công và trở thành sản phẩm bán trên thị trường đều nhờ phương pháp “học theo dự án”.

Để làm chiếc máy bán phở, bánh mì, trà sữa tự động, các sinh viên phải tìm hiểu về cơ khí, lập trình, nhiệt lạnh, công nghệ hóa - sinh, thiết kế đồ họa, xử lý ảnh... Như vậy, làm dự án sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức đa ngành, đồng thời phát huy tối đa sức sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề...

Việc khởi nghiệp hoặc làm chủ dự án kinh doanh riêng cũng sẽ dễ thành hiện thực khi sinh viên được học theo mô hình này. Một ưu điểm khác của học theo dự án là giúp thu hẹp khoảng cách giữa chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Anh Hùng Trần, người khởi nghiệp thành công ở thung lũng Silicon với dự án Got It, cho rằng, làm dự án và được sự hỗ trợ từ nhà trường là cách khởi nghiệp vô cùng thuận lợi. Đại học Iowa (Mỹ) nơi Hùng Trần theo học trước đây, được xem là trường khá mạnh về giáo dục khởi nghiệp. Khoa kinh doanh có trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, giúp tạo ra hệ sinh thái năng động, hữu ích cho những dự án khởi nghiệp của sinh viên. Trung tâm cung cấp cho sinh viên: văn phòng, máy tính, một ít tiền và đặc biệt là sự tư vấn từ các giáo sư giảng dạy kinh doanh. 

Để trở thành thành viên, các mô hình khởi nghiệp phải lập được kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh và vượt qua vòng sàng lọc về tính khả thi. Phương pháp học theo dự án đã giúp họ vừa cho ra sản phẩm khởi nghiệp, vừa bổ trợ những kỹ năng còn thiếu. Tutor Universe là dự án mà Hùng Trần thực hiện cùng người bạn Thomas khi đang học tại ĐH Iowa. Sản phẩm của anh đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp trong trường. Anh có nguồn tài trợ, đồng thời biết cách làm kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh. Đến nay, doanh nghiệp của anh có trụ sở tại thung lũng Silicon với 25 nhân viên cùng 50 nhân viên tại văn phòng ở Việt Nam.

Còn nhiều trở ngại

Học theo dự án đã áp dụng thành công tại một số ít trường như ĐH FPT, Hoa Sen nhưng không ít trường làm hời hợt, thậm chí không hiệu quả. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, mô hình này nói thì đơn giản, nhưng áp dụng đến nơi đến chốn thì không dễ. Thứ nhất, để sinh viên có thể theo dự án, tất cả các hoạt động của trường đều phải áp dụng công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo phải được thiết kế lại cho phù hợp với các yêu cầu mới về kiến thức, kỹ năng và thái độ của nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Thứ hai, trường ĐH phải biết rõ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để dự án của sinh viên đáp ứng đúng nhu cầu này. Từ trước đến nay, trường ĐH và doanh nghiệp chưa thể “gặp nhau” nên doanh nghiệp phải mua công nghệ, máy móc nước ngoài giá cao, trong khi dự án của trường ĐH thì “đắp chiếu”. 

Một khó khăn không nhỏ là tư tưởng của giảng viên. Khi học theo mô hình này, sinh viên là người tự tìm và học mọi kiến thức cần thiết từ internet, nên không cần giảng viên truyền thụ kiến thức theo cách rao giảng như lâu nay. Lúc này, giảng viên không phải dạy học mà là người hướng dẫn, khơi gợi ý tưởng, hỗ trợ cách giải quyết vấn đề, sửa sai cho sinh viên kịp thời... Những điều này đòi hỏi giảng viên phải cập nhật kiến thức mới, thậm chí phải nghiên cứu, khởi nghiệp để có kinh nghiệm thực tế. Chính vì vậy, việc ứng dụng học theo dự án vấp phải sự phản ứng ở một bộ phận cán bộ viên chức. 

Khi giải pháp khởi nghiệp hiệu quả là học theo dự án còn nhiều trở ngại như trên thì câu hỏi làm thế nào để sinh viên làm quen và hào hứng với các dự án khởi nghiệp vẫn còn để ngỏ. Nên dù có hô hào và rót bao nhiêu vốn cho các trung tâm khởi nghiệp cũng khó đạt hiệu quả. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI