Vì sao chỉ tiêu sư phạm hết giảm rồi tăng?

29/05/2019 - 09:17

PNO - Năm 2018, Bộ GD-ĐT giảm 38% chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm. Năm 2019, chỉ tiêu sư phạm lại tăng hơn 30%. Nhưng mặc cho bộ giảm hay tăng chỉ tiêu, nguyện vọng của thí sinh vào sư phạm giảm đều.

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh vào các đại học tăng gần 7,6% so với năm 2018, tương đương gần 490.000. Trong số này, chỉ tiêu sư phạm là 46.285, tăng hơn 30% so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT giải thích, năm nay, dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương rất cao nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm tăng. 

Vi sao chi tieu su pham het giam roi tang?
Nhu cầu đào tạo của các địa phương năm 2019 là 23.333 chỉ tiêu giáo viên mầm non

Điệp khúc giảm, tăng

Bà Phụng cho biết thêm, để xác định nhu cầu tuyển sinh sư phạm, hai năm nay bộ kết hợp với từng địa phương khảo sát nhu cầu giáo viên hằng năm. Kết quả cho thấy, nhu cầu đào tạo của các địa phương năm 2019 là 63.364 chỉ tiêu, bao gồm mầm non: 23.333 chỉ tiêu, tiểu học: 21.220 chỉ tiêu, THCS: 14.580 chỉ tiêu, THPT: 3.553 chỉ tiêu.

Trên cơ sở này, Bộ GD-ĐT phân bổ chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm dựa vào năng lực của trường cũng như vùng tuyển sinh. Tổng số chỉ tiêu ngành sư phạm năm nay đạt 69,56% nhu cầu của các địa phương theo các ngành đào tạo.

Trong khi đó, mới năm 2018, khi giảm chỉ tiêu sư phạm 38% so với năm 2017, Bộ GD-ĐT giải thích rằng để giải quyết bài toán thừa giáo viên trong nhiều năm qua. Trong thời gian ngắn, giảm rồi lại tăng chỉ tiêu sư phạm, trong khi thời gian đào tạo không thể tính bằng một năm. Điều này cho thấy công tác dự báo để có được chỉ tiêu đào tạo chưa đáng tin cậy. 

Ở các địa phương, thiếu trầm trọng vẫn là giáo viên mầm non, tiểu học; bậc THCS, THPT thì thừa môn này, thiếu môn khác. Nhìn chung, tình trạng thừa thiếu cục bộ này đã diễn ra nhiều năm và rất khó khắc phục. Như tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cần giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các bậc học và các địa phương. Đối với giáo dục mầm non hiện còn thiếu 11.637 giáo viên; tiểu học thiếu 2.583 giáo viên, thừa 1.686 giáo viên; THCS thiếu 2.157 giáo viên, thừa 1.073 giáo viên; THPT thiếu 401 giáo viên, thừa 3.579 giáo viên. 

Nguyện vọng vào sư phạm ngày càng giảm

Dù chỉ tiêu tăng tới hơn 10.000 nhưng năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm lại thấp hơn năm trước. Dù vậy, bà Nguyễn Thị Kim Phụng vẫn khẳng định: năm 2018, ngành sư phạm chỉ tuyển được khoảng 44% nhưng điểm sàn vẫn giữ để không ảnh hưởng chất lượng. Năm nay, mức sàn vẫn tiếp tục được giữ để đảm bảo chất lượng đào tạo. 

Như vậy, nếu sự điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh sắp tới không đáng kể, thì có thể dự báo ngành sư phạm lại không tuyển đủ chỉ tiêu. 

Nhìn lại năm 2018, nguyện vọng vào sư phạm cũng giảm 25%, chỉ đạt 125.261, so với năm 2017 là 176.453, mới thấy, người học đã bỏ qua sư phạm trong các lựa chọn nghề nghiệp của mình. 

Điều gì đã dẫn đến việc thí sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm? Trong khi năm 2010, ngành sư phạm chiếm đến 17,18% trong cơ cấu nhóm ngành ở các trường đại học, cao đẳng, mà con số phê duyệt theo Nghị quyết 121/27/QĐ-TT cơ cấu nhóm ngành sư phạm chỉ chiếm 12%. Tại một hội thảo mới đây, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - nêu quan điểm: giáo viên nhiều áp lực, thiếu hạnh phúc và nội lực. Theo ông, chỉ khi nhà giáo hạnh phúc thì mới giáo dục nên những học trò hạnh phúc. 

Cô Kim Phượng, cựu giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “Khi nào vào ngành giáo dục vì sở thích, đam mê chứ không vì kế sinh nhai thì giáo viên mới tâm huyết. Và khi nào đồng lương nuôi được bản thân thì mới khiến giáo viên hạnh phúc với nghề, có động lực sáng tạo. Mà hai điều cơ bản này, xem ra còn quá khó”. 

Những cái khó này đã kéo tuột nguyện vọng của thí sinh vào ngành sư phạm những năm qua. 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI